Kinh nghiệm giúp bộ đội nhanh biết bơi và đúng kỹ thuật

Bơi là một kỹ năng sinh tồn cơ bản đối với con người. Với quân nhân, bơi còn để đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ nên phải bơi thuần thục, đúng kỹ thuật mới có sức chịu đựng tốt cả về tâm lý lẫn thể lực.

Vì thế, quân nhân nói chung và các chiến sĩ nói riêng cần hết sức chú ý rèn luyện nội dung này. Trang Ý kiến chiến sĩ nêu kinh nghiệm huấn luyện bơi ếch ở một số đơn vị thuộc Quân khu 9.

Bơi ếch là kiểu bơi phổ thông, ít tốn sức nên bơi được lâu, xa, dễ dàng quan sát giữ phương hướng, ít phát ra tiếng động. Đây là kiểu bơi thông dụng, thường được ứng dụng khi vượt sông, trinh sát... Tuy nhiên, nếu không luyện tập đúng kỹ thuật thì cũng khó bơi được kiểu này. Theo đánh giá của chỉ huy nhiều đơn vị thuộc Quân khu 9, dù hầu hết chiến sĩ đều biết bơi trước khi nhập ngũ nhưng phần lớn mới chỉ biết bơi tự do, chưa đúng kỹ thuật, động tác bơi ếch sai nên bơi một đoạn ngắn là đuối sức, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Từ thực tế này, ngay khi tiếp nhận chiến sĩ mới, Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 đã tiến hành rà soát chỉ tiêu thể lực ban đầu bằng cách thống kê, phân loại các đồng chí chưa biết bơi, biết bơi, biết bơi giỏi để có kế hoạch huấn luyện phù hợp; cử cán bộ có kinh nghiệm truyền đạt, hướng dẫn tỉ mỉ từng động tác giúp bộ đội từng bước hình thành động tác, kỹ năng bơi. Ngoài thời gian huấn luyện chính khóa, các đơn vị tổ chức tập luyện thêm vào giờ nghỉ, ngày nghỉ; huấn luyện lý thuyết đến đâu thực hành ngay đến đó, kể cả trên bờ lẫn dưới nước. Nhờ đó mà đến nay, 100% chiến sĩ mới của đơn vị biết bơi đúng kỹ thuật.

Trung úy Lê Minh Trực, Trung đội trưởng Trung đội 6, Đại đội 3, Tiểu đoàn 309 (Trung đoàn 1) cho hay: “Quá trình huấn luyện, chúng tôi làm mẫu trên cạn rồi từng bước kết hợp các động tác tay, chân dưới nước, phối hợp với nhịp thở. Nhờ vậy, các chiến sĩ dù biết bơi hay chưa biết bơi ếch đều nhanh chóng tiếp thu kỹ thuật, động tác”. Binh nhì Nguyễn Minh Tân, Chiến sĩ Tiểu đội 5, Trung đội 13, Đại đội 4, Tiểu đoàn 309 cho biết thêm: “Tôi biết bơi từ nhỏ nhưng bơi ếch thì chưa thuần thục vì chưa biết phối hợp động tác tay, chân và nhịp thở. Được chỉ huy hướng dẫn, tôi đã bơi tốt hơn, đúng kỹ thuật và bơi được 40m”.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, Trung đoàn 1 được bảo đảm hồ bơi có chiều cao 3m, rộng 16m và chiều dài 50m với 8 làn bơi đúng tiêu chuẩn để huấn luyện bơi cho bộ đội. Hằng tuần, đơn vị kiểm tra và xử lý nguồn nước, tổ chức huấn luyện ngoại khóa cho bộ đội. Nhờ chủ động trong huấn luyện mà hằng năm, sau khóa huấn luyện, 100% chiến sĩ mới đều bơi thuần thục, sẵn sàng bước vào các nội dung huấn luyện cao hơn như bơi bao gói trang bị, vượt sông...

Lữ đoàn 962, Quân khu 9 tổ chức huấn luyện bơi cứu hộ - cứu nạn.

Tại Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 962, trước giờ huấn luyện bơi, đơn vị phân công người chuẩn bị hồ bơi kỹ lưỡng cùng đội cứu hộ sẵn sàng xử trí mọi tình huống. Còn các chiến sĩ, sau những bài khởi động cơ bản thì bắt đầu tập làm quen với nước, nổi người, thở ra trong nước, lướt nước. Sau đó, từng người vào vị trí sẵn sàng bơi ếch với cự ly 100m động tác dứt khoát, nhanh lẹ và hầu hết chiến sĩ đã tiếp cận đích an toàn. Binh nhì Nguyễn Thanh Đạt, chiến sĩ Tiểu đội 18, Trung đội 6, Đại đội 2, Tiểu đoàn 3 chia sẻ: “Lúc đầu học bơi tôi khá lo lắng, mấy lần đồng đội phải hỗ trợ nhưng rồi tôi cũng bơi được. Ngoài luyện tập kỹ thuật bơi, chúng tôi còn được bổ trợ thêm các nội dung khác như: Chống đẩy, chạy dài, co tay xà đơn, cử tạ... nên chân, tay săn chắc, hoạt động mạnh mẽ khi ở dưới nước, sức khỏe ngày càng tốt hơn”.

Theo Thiếu tá Hồ Thái Điền, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, vì đóng quân ở vùng sông nước, vừa phải duy trì nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu vừa sẵn sàng tham gia phòng, chống lụt, bão, cứu hộ-cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai nên đơn vị đề ra chỉ tiêu là bằng mọi biện pháp, 100% chiến sĩ mới phải biết bơi và bơi thuần thục sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới. Nếu không biết bơi thì không thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, khi có tình huống sẽ không giúp được nhân dân. Do đó, đơn vị tích cực huấn luyện bơi mỗi tuần 2-3 buổi, trong vòng 4 tuần theo kế hoạch huấn luyện. Đến nay, cơ bản tất cả chiến sĩ mới đã biết bơi, sẵn sàng cho những nội dung huấn luyện có liên quan đến bơi.

Bài và ảnh: THÀNH TÂM

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

Khắc phục khó khăn, bảo đảm 100% chiến sĩ biết bơi

Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 (Quân khu 4) làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ-cứu nạn trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Đây là địa bàn có nhiều ao hồ, sông suối và tiếp giáp với biển, cũng là địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai, bão, lũ. Do vậy, việc huấn luyện cho bộ đội biết bơi trở thành yêu cầu cấp thiết, giúp cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt các nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu, tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn...; rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe, bảo vệ được bản thân, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Việc tổ chức huấn luyện bơi cho chiến sĩ bắt đầu từ giai đoạn 1 của năm thứ nhất (tuần thứ tư theo chương trình huấn luyện chiến sĩ mới).

Một buổi huấn luyện bơi của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 19, Sư đoàn 968, Quân khu 4. Ảnh: GIANG ĐÌNH

Hằng năm, tùy thuộc vào địa bàn tuyển quân mà tỷ lệ chiến sĩ biết bơi trước khi nhập ngũ cũng khác nhau. Riêng năm 2024, đơn vị tiếp nhận chiến sĩ mới trên địa bàn 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình với tỷ lệ biết bơi khoảng 84%. Đây là điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức huấn luyện thể lực của đơn vị. Bên cạnh đó, việc huấn luyện bơi của đơn vị có nhiều thuận lợi như đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trực tiếp huấn luyện (trung đội, đại đội) đều được đào tạo cơ bản ở các học viện, nhà trường trong Quân đội, đủ khả năng huấn luyện bơi cho bộ đội.

Công tác bảo đảm vật chất cho nhiệm vụ huấn luyện nói chung, huấn luyện bơi nói riêng được lãnh đạo, chỉ huy các cấp quan tâm đúng mức, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện của đơn vị. Tuy nhiên, hệ thống hồ phục vụ nhiệm vụ huấn luyện bơi so với quân số của đơn vị còn ít, chỉ có hai hồ bơi nên ảnh hưởng đến việc tổ chức huấn luyện, luyện tập bơi của các đơn vị trong Trung đoàn. Do vậy hằng năm, Trung đoàn đều xây dựng kế hoạch để các đơn vị luân phiên huấn luyện, bảo đảm 100% quân số biết bơi, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong điều kiện sông nước và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ-cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Thượng tá NGUYỄN VĂN QUYẾT

(Trung đoàn trưởng Trung đoàn 19, Sư đoàn 968, Quân khu 4)

-------------------------------------------------------------------------------------

Phân loại, luyện tập phù hợp cho từng nhóm chiến sĩ

Ngay trong tuần đầu, tháng đầu huấn luyện, chúng tôi tiến hành kiểm tra chỉ số ban đầu về nội dung bơi của chiến sĩ mới.

Trung bình hằng năm có khoảng 35-40% chiến sĩ mới chưa biết bơi. Chúng tôi tổ chức huấn luyện bơi cho chiến sĩ mới ngay từ tuần thứ hai theo tiến trình biểu huấn luyện. Sau 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới, 100% quân số biết bơi.

Qua nhiều năm huấn luyện, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm trong huấn luyện bơi cho chiến sĩ mới như sau: Trước hết là tuân thủ đúng chương trình, tài liệu huấn luyện bơi và bơi ứng dụng trong Quân đội cho chiến sĩ do Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam hướng dẫn. Trong quá trình kiểm tra ban đầu, chúng tôi phân chia chiến sĩ thành từng nhóm bơi tốt, bơi khá, bơi trung bình và chưa biết bơi để có phương pháp huấn luyện, luyện tập phù hợp cho từng nhóm. Để bộ đội bơi đúng động tác và nhanh biết bơi, đơn vị tổ chức luyện tập trên cạn từng động tác độc lập như: Động tác tay, chân và động tác thở.

Chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện chiến sĩ mới, Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân luyện tập bơi. Ảnh: NGỌC TRIỆU

Sau khi đã phối hợp thuần thục các động tác tay, chân, thở trên cạn, chiến sĩ mới được huấn luyện dưới nước theo nguyên tắc huấn luyện, luyện tập từ thấp đến cao. Ngoài nội dung huấn luyện theo kế hoạch, Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân còn xây dựng kế hoạch huấn luyện, luyện tập ngoại khóa cho các đồng chí bơi yếu, chưa biết bơi và tổ chức huấn luyện thêm cho các đồng chí đã biết bơi nhưng chưa bơi đúng động tác.

Hiện nay, nhiệm vụ huấn luyện bơi cho chiến sĩ mới ở đơn vị có nhiều thuận lợi như: Đơn vị có bể bơi được quy hoạch xây dựng chính quy, có đầy đủ phương tiện, trang bị phục vụ công tác bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, việc huấn luyện bơi cho chiến sĩ mới có khó khăn là do chương trình huấn luyện chiến sĩ mới có nhiều nội dung nên thời gian dành cho huấn luyện bơi còn hạn chế.

Thiếu tá NGUYỄN MINH TIẾN

(Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Huấn luyện chiến sĩ mới, Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân)

---------------------------------------------------

Không khó để biết bơi

Bơi là một nội dung cơ bản, bắt buộc trong huấn luyện, rèn luyện thể lực cho bộ đội để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại đơn vị. Trước khi nhập ngũ, tôi chưa biết bơi; lại sợ tiếp xúc với nước từ nhỏ, nhất là những vị trí nước sâu quá tầm cổ nên tôi rất lo lắng. Những ngày đầu huấn luyện bơi, khi tiếp xúc với nước, tôi khá sợ. Tuy nhiên, trong quá trình huấn luyện, tập bơi, được sự chỉ bảo tận tình của đội ngũ cán bộ đại đội, trung đội cùng các đồng chí tiểu đội trưởng nên tôi yên tâm hơn, dần hình thành kỹ thuật bơi, biết bơi và đến nay đã là một trong những người thuộc tốp bơi giỏi của đại đội.

Huấn luyện bơi cho chiến sĩ Tiểu đoàn 162, Lữ đoàn 242, Quân khu 3. Ảnh: PHẠM QUYẾT

Theo tôi, để bơi được thuần thục, đúng kỹ thuật không khó, chỉ cần trước khi bơi phải tập trung, thực hiện động tác dứt khoát, chân, tay mở đúng góc độ kết hợp với điều hòa nhịp thở thì sẽ bơi được quãng đường xa. Theo kinh nghiệm của tôi, trước hết phải thường xuyên luyện tập động tác phối hợp giữa tay, chân và nhịp thở; luyện tập trên cạn trước sau đó luyện tập ở dưới nước; tích cực rèn luyện thể lực như: Chạy dài, co tay xà đơn, chống đẩy xà kép, tập tạ... để nâng cao thể lực, sức khỏe. Quá trình thực hiện động tác dưới nước phải thật bình tĩnh, giữ ổn định về tâm lý, xử lý các tình huống theo đúng nội dung được huấn luyện; thường xuyên rút kinh nghiệm sau mỗi lần bơi bằng cách tự nhận xét, đánh giá đúng điểm mạnh-điểm yếu, đề ra biện pháp khắc phục trong các lần bơi tiếp theo.

Binh nhất MAI TUẤN ANH

(Chiến sĩ Tiểu đội 3, Trung đội 7, Đại đội 3, Tiểu đoàn 162, Lữ đoàn 242, Quân khu 3)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/kinh-nghiem-giup-bo-doi-nhanh-biet-boi-va-dung-ky-thuat-775685