Kinh doanh Internet: Nơi siết, nơi thả

Mỗi địa phương đưa ra những quy định riêng khiến các điểm kinh doanh Internet phải bỏ nghề hoặc tìm cách lách luật.

Một số đại lý kinh doanh game online thấy khó ăn vì lệnh cấm nên đóng cửa hoặc chạy sang tỉnh giáp ranh quản lý dễ hơn để kinh doanh, gây nên tình trạng bát nháo trong kinh doanh Internet. Mỗi địa phương đưa ra giải pháp riêng Nguyên nhân gây nên tình trạng hỗn loạn vẫn là do lệnh cấm game online, mỗi địa phương lại đưa ra hình thức xử lý riêng. Đơn cử như ngày 2-8, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Văn bản số 2455 yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) triển khai biện pháp kỹ thuật ngừng cung cấp dịch vụ Internet cho đại lý Internet ngoài thời gian mở, đóng cửa hằng ngày. Với quyết định này, tại phần lớn các địa phương, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet chuẩn bị phương án ngừng cung cấp dịch vụ cho các đại lý Internet từ 23 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Tuy nhiên, ngày 10-8, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM có Công văn 994 gửi Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong công văn này, Sở nêu ý kiến rằng ngay trong trường hợp đại lý Internet để khách hàng sử dụng dịch vụ ngoài giờ quy định thì Nghị định 28/2009/NĐ-CP của Chính phủ cũng chỉ quy định xử phạt hành chính 1-2 triệu đồng và không có hình thức phạt bổ sung là cắt đường truyền. Do vậy, việc các ISP cắt đường truyền (tạm ngưng cung cấp dịch vụ, từ chối cung cấp dịch vụ) cho các đại lý Internet ngoài thời gian mở cửa hằng ngày là không có cơ sở pháp luật. Các ISP cắt đường truyền không có lý do chính đáng có thể bị đại lý kiện và yêu cầu bồi thường vì không đúng với hợp đồng đã ký. Từ công văn này, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM yêu cầu các ISP không cắt đường truyền của các đại lý Internet. Các đại lý Internet kinh doanh trong sự phập phồng vì các quy định không thống nhất. Ảnh minh họa: BÁ HUY Với quyết định này, tại Hà Nội và TP.HCM đều tự đưa ra những cách xử lý riêng. Cuối tháng 8, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM yêu cầu các ISP và đại lý Internet có biện pháp để chấm dứt việc tiếp cận trò chơi Đột kích. Sau đó Sở tiếp tục đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ Internet phối hợp với doanh nghiệp phát hành game ngừng cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến đến các đại lý từ 22 giờ đến 8 giờ sáng. Lo ngại cạnh tranh không công bằng Những quy định khác làm cho rất nhiều đại lý Internet lúng túng, thậm chí diễn ra tình trạng lách luật. Anh Kiệt, chủ đại lý Internet ở đường Lê Lợi, quận Gò Vấp, dù khẳng định sẽ chấp nhận mọi quy định nhà nước nhưng vẫn không khỏi băn khoăn. “Theo quy định chưa thống nhất hiện nay, ở những khu vực giáp ranh của TP.HCM với Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An thì đại lý Internet ở bên này đường và bên kia đường, dù nằm rất gần nhau nhưng vì thuộc hai địa phương khác nhau nên sẽ có sự quản lý khác nhau. Một bên bị cắt game online từ 22 giờ trong lúc bên kia thì không sao cả. Việc cạnh tranh như vậy sẽ rất không công bằng” - anh Kiệt nêu. Còn anh Nguyễn Hải Linh, chủ đại lý Internet 272, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, tỏ ra bức xúc khi cơ quan chức năng thực thi lệnh cấm không nghiêm, dẫn đến sự mất công bằng trong kinh doanh. “Khách hàng đến hỏi tại sao không có game online Đột kích, tôi trả lời cơ quan chức năng cấm. Nhưng họ không tin và bỏ đi tìm tiệm khác có game này để chơi. Tôi cảm thấy ngạc nhiên game này bị cấm vì lý do bạo lực, trong khi đó các địa phương giáp ranh thì không cấm khiến khách hàng sang nơi khác” - anh Linh nói. Theo một số nguồn thông tin, cả các điểm kinh doanh Internet trong nội thành cũng đang gặp nhiều khó khăn và một số đã đóng cửa để chuyển đổi nghề kinh doanh. “Để đầu tư một dàn 20 máy trung bình phải bỏ ra 200 triệu đồng. Doanh thu thấp, chủ yếu chúng tôi lấy công làm lời. Nên với tình trạng nhiều điều quy định chồng chéo như hiện nay, những người làm nghề này lại bị chụp mũ cho một loạt vấn đề tiêu cực của xã hội, tôi cũng đã suy nghĩ đến việc đóng cửa tiệm” - anh Cường, chủ tiệm HiTech 40 ở phường Đông Hưng Thuận, quận 12, cho biết. NHƯ VŨ - SƠN LÂM

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20100927120151601p1014c1068/kinh-doanh-internet-noi-siet-noi-tha.htm