Kiên định, tiếp tục vững bước và sáng tạo trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

(ABO) Bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” (gọi tắt là bài viết) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc khi tiếp tục khẳng định việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) là đúng đắn, phù hợp xu thế phát triển của lịch sử Việt Nam.

KIÊN ĐỊNH CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CNXH

Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam từ khi ra đời đã xác lập vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam, mà đỉnh cao là lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, ĐCS Việt Nam đã trở thành một Đảng cầm quyền, thông qua Nhà nước để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng bằng hệ thống pháp luật, quản lý xã hội trong một chế độ mới. Trong quá trình lãnh đạo đất nước, ĐCS Việt Nam là “đầu tàu” đưa cả nước tiến lên CNXH cùng thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thực tiễn qua công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước, ĐCS Việt Nam luôn tự chỉnh đốn, tự đổi mới thông qua việc đánh giá thành tựu, cũng như hạn chế trong quá trình lãnh đạo và rút ra những bài học kinh nghiệm để có đường lối lãnh đạo đúng đắn trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Trong đó, có sự đổi mới nhận thức về con đường đi lên CNXH, Đảng ta không chỉ dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn có cơ sở của truyền thống, tinh hoa dân tộc, nhân loại và cả kinh nghiệm thực tiễn quốc tế. Thông qua đó, có thể khẳng định chắc chắn rằng: “ĐCS Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã kiên định, tiếp tục vững bước và sáng tạo trên con đường đi lên CNXH phù hợp với điều kiện cụ thể và đặc điểm của Việt Nam”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Nguồn: https://nhandan.vn).

Với tư duy, tầm nhìn chiến lược sâu sắc cùng sự uyên bác, hiểu biết sâu rộng, kinh nghiệm thực tiễn cách mạng phong phú, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát tổng thể về mục tiêu con đường đi lên CNXH là: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đáng chú ý, việc đề cao dân chủ, nội dung dân chủ được đặt lên trước công bằng, văn minh. Đây là một điểm mới trong nhận thức và thực tiễn xây dựng CNXH của Đảng ta. Bởi, dân chủ là bước tiến, là khát vọng của con người, của mỗi dân tộc. Dân chủ tư sản là bước tiến bộ so với chế độ phong kiến. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là sự phát triển chưa từng có, giải phóng triệt để con người khỏi mọi áp bức, bất công để tạo dựng một xã hội tốt đẹp. Điều đó đã thể hiện rõ tính dân tộc và tính thời đại, lấy lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc là cốt lõi, là mục tiêu hàng đầu của phát triển đất nước, vừa đúng quy luật, vừa hợp lòng dân ở Việt Nam đã và đang thực hiện.

Đồng thời, do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do ĐCS lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng, con đường đi lên CNXH ở nước ta vẫn đang trong thời kỳ quá độ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Quá độ lên CNXH là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo ra được sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”.

Trang bìa cuốn sách điện tử “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Nguồn: https://nhandan.vn).

Đây là mô hình CNXH đặc thù ở Việt Nam mang tính “định hướng” trong suốt thời kỳ quá độ. Sở dĩ, nói “định hướng” là vì thời kỳ quá độ là một giai đoạn phát triển mang tính độc lập và nằm trong giai đoạn chuyển đổi từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH. Vì vậy, xã hội trong thời kỳ quá độ chưa phải là xã hội xã hội chủ nghĩa mà chỉ là xã hội quá độ tiến lên CNXH.

Thực tiễn sinh động đang tiếp tục đặt ra những khía cạnh mới, đòi hỏi Đảng phải không ngừng bám sát thực tiễn, không ngừng đổi mới tư tưởng và nhìn nhận đúng hướng về thời kỳ quá độ vừa đúng xu thế thời đại mà còn phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Quá trình phát triển của Việt Nam, đặc biệt công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo trong thời gian qua đã thu được những kết quả tốt đẹp trên những lĩnh vực cơ bản của đất nước về tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc... góp phần làm cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Điều này, một mặt, củng cố và khẳng định sự lựa chọn đúng đắn con đường đi lên CNXH, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta. Mặt khác, đó còn là các điều kiện, cơ sở cho việc tiếp tục vững bước trên con đường đã chọn.

Do đó, chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam từ khi thành lập Đảng đến nay. Đồng thời, đúc kết từ thực tiễn để minh chứng đầy sức thuyết phục cho câu trả lời về hiện tại - tương lai - triển vọng của CNXH ở nước ta, của nhân dân và dân tộc ta: CNXH là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối cách mạng Việt Nam. Mục tiêu, bản chất của chủ nghĩa xã hội ở nước ta là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”.

ĐỘC LẬP DÂN TỘC GẮN LIỀN VỚI CNXH

Trong nhận thức và lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thực tiễn, ĐCS Việt Nam phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, bởi đó là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, đã được thực tiễn lịch sử chứng minh và phù hợp yêu cầu của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Cụ thể hơn, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Do đó, giữ vững độc lập dân tộc, giữ vững được ổn định thì đất nước có cơ hội phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. “Kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định về đường lối cơ bản, xuyên suốt của ĐCS Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.

Việc lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH được nhân dân ta bảo vệ bằng chính công sức và xương máu của bao thế hệ. Chính vì vậy, độc lập dân tộc luôn gắn liền với CNXH và trở thành ngọn cờ cách mạng và niềm tin sắt đá trong mỗi người dân Việt Nam. Đó chính là yếu tố xuyên suốt, là cội nguồn sức mạnh bảo đảm sự thành công con đường đã lựa chọn.

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần làm rõ bản chất, mục tiêu, biện pháp xây dựng CNXH ở nước ta, khẳng định mục tiêu độc lập dân chủ gắn liền với CNXH là mục tiêu “bất biến” trong muôn vàn “vạn biến” mà thực tiễn cuộc sống đã đặt ra.

Đây còn là cơ sở lý luận giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức, nung nấu bản lĩnh chính trị vững vàng để nhận diện các quan điểm sai trái mà các lực lượng thù địch đang cố tình dùng những luận điệu xuyên tạc để phủ định con đường đi lên CNXH ở nước ta và đứng lên đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, kiên quyết bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

LÊ NGUYÊN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202403/bai-viet-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-kien-dinh-tiep-tuc-vung-buoc-va-sang-tao-tren-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-1004753/