Khuôn viên Cột cờ Hà Nội nhếch nhác, công nhân tất bật dọn dẹp, chỉnh trang

Dù được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, Cột cờ Hà Nội vẫn bị du khách vẽ bậy, khuôn viên xung quanh ngổn ngang rác thải, vật liệu xây dựng...

Cột cờ Hà Nội trước đây còn có tên gọi Kỳ đài Hà Nội nằm trên đường Điện Biên Phủ (quận Ba Đình, Hà Nội), được xây dựng từ thế kỷ XIX, trải qua hơn 200 năm, công trình kiến trúc này vẫn tồn tại kiên cố, uy nghiêm giữa trung tâm Thủ đô.

Cột cờ Hà Nội trước đây còn có tên gọi Kỳ đài Hà Nội nằm trên đường Điện Biên Phủ (quận Ba Đình, Hà Nội).

Thời nhà Nguyễn, Kỳ đài còn có chức năng là vọng canh, vì theo trục Bắc - Nam, kiến trúc này chỉ cách Đoan Môn khoảng 300m, cách điện Kính Thiên 500m và cách cửa Bắc chừng gần 1.000m. Từ trên đỉnh của kỳ đài có thể quan sát cả một vùng khá rộng trong và ngoài khu thành cổ.

Bên cạnh dáng vẻ cổ kính, trầm mặc, nhuốm màu thời gian, du khách đến thăm Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Cột cờ Hà Nội không khỏi cảm thấy bức xúc trước một số hình ảnh "chưa đẹp" xung quanh khu vực này.

Mặt phía Tây của Cột cờ Hà Nội nhếch nhác, hoang tàn.

Theo ghi nhận của Gia đình và Xã hội, án ngữ ở phía Tây cột cờ từ nhiều năm nay một căn biệt thự cũ, công trình phụ của biệt thự này đã được phá dỡ một phần để lại nền gạch, vách ngăn trơ trọi, hoang tàn... chiếm hết phần mặt đế.

Được biết, mặc dù TP Hà Nội đã có kế hoạch thu hồi căn biệt thự và vườn sát đế phía Tây Cột cờ giao cho Ban quản lý di tích Hoàng Thành Thăng Long, tuy nhiên sau gần 20 năm việc bàn giao vẫn chưa hoàn thành.

Nhiều hạng mục tại công trình bao gồm phần lan can phía Tây, thân cột cờ đã hư hỏng, đổ vỡ.

Tại phía chính diện với đế Nam cột cờ, tấm biển báo di tích khắc trên 4 tấm đá vôi trắng lâu ngày bị bào mòn, nếu không "soi" kỹ nhiều người sẽ không thể đọc được chữ khắc bên trên. Bên cạnh đó, các bức tường của Cột cờ Hà Nội lâu nay đã bị bôi bẩn bởi những nét vẽ nham nhở do du khách vô ý thức để lại.

Tấm biển báo khắc trên đá đã bị bào mòn, các bức tường loang lổ nét vẽ bậy.

Trước thực trạng trên, trong ngày 24/11, Ban quản lý di tích Hoàng Thành Thăng Long đã cho công nhân tới quét dọn, chỉnh trang lại khuôn viên, không để hình ảnh phản cảm, mất mĩ quan làm ảnh hưởng tới di tích.

Công nhân ban quản lý di tích Hoàng Thành Thăng Long dọp dẹp công trình phụ của căn biệt thự.

"Ban quan lý đã cho công nhân cạo sạch những nét vẽ bậy trên cột cờ, cùng với đó là quét dọn, di chuyển vật liệu xây dựng, chặt cây, dọn dẹp khu vực công trình phụ, vườn nằm sát đế phía Tây của cột cờ.

Phần diện tích này hiện vẫn chưa được bàn giao, cho nên chúng tôi chỉ có thể dọn dẹp cho sạch sẽ chứ chưa thể cải tạo, xây dựng lại những đoạn hư hỏng, xuống cấp", nhân viên Ban quản lý di tích Hoàng Thành Thăng Long cho biết.

Việc dọn dẹp diễn ra khẩn trương, dự kiến trong ngày 24/11 sẽ hoàn thành.

Nằm trọn trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Cột cờ Hà Nội là một trong số ít công trình kiến trúc còn nguyên vẹn, không bị ảnh hưởng bởi bom đạn chiến tranh.

Mới đây, UBND TP Hà Nội cũng đã lựa chọn công trình này là một trong 8 công trình kiến trúc cổ xây trước năm 1954 để khảo sát, đánh giá nhằm xác định mức độ xuống cấp, hư hỏng, từ đó triển khai các giải pháp, phương án cải tạo phù hợp.

Khách du lịch chụp ảnh "check in" phía dưới Cột cờ Hà Nội.

Việc chỉnh trang, sửa chữa không chỉ đảm bảo về mặt kết cấu, an toàn của công trình mà qua đó còn thể hiện đúng vị thế của một di tích lịch sử văn hóa quốc gia trong mắt người dân và bạn bè quốc tế.

Trung Sơn

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/khuon-vien-cot-co-ha-noi-nhech-nhac-cong-nhan-tat-bat-don-dep-chinh-trang-172231124134318398.htm