Không chủ quan với bất kỳ biểu hiện nào của sốt xuất huyết

Để tránh những hậu quả đáng tiếc do bệnh sốt xuất huyết gây ra, các chuyên gia y tế lưu ý, khi có tình trạng sốt, đau mỏi người, người dân nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, xét nghiệm, tìm rõ nguyên nhân. Nếu mắc sốt xuất huyết ở thể nhẹ có thể điều trị tại nhà nhưng cũng cần có hướng dẫn của cán bộ y tế.

Ám ảnh vì sốt xuất huyết

Lần thứ 2 mắc sốt xuất huyết, chị Nguyễn Thu Huyền (quận Cầu Giấy) chưa khỏi “kinh hãi” sau 1 tuần chữa trị. Trước đó, vào một buổi tối sau khi ăn cơm với gia đình, chị Huyền có dấu hiệu mệt mỏi, người yếu đi. Khoảng 30 phút sau, chị lên cơn sốt cao, lên tới 39 độ C.

Chị Huyền kể, chị gần như không thể làm được gì, mệt và kiệt sức. Kèm theo các triệu chứng như đau đầu, sốt cao, người đau nhức. Đáng sợ nhất là những cơn đau đầu như điện giật liên hồi.

Trong ngày đầu tiên, các cơn sốt cứ lặp đi lặp lại, có lúc chị sốt đến 40 độ C, người rét run. Sang ngày thứ hai, chị Huyền hạ sốt, nhiệt độ chỉ duy trì 38-39 độ C, tuy nhiên vẫn kiệt sức, đau nhức khắp người. Thời điểm này, chị bắt đầu xuất hiện triệu chứng buồn nôn. Trong bụng trống rỗng do không thể ăn uống được nên chị chủ yếu là nôn khan.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại viện.

Sang ngày thứ ba, chị Huyền lại chuyển sốt cao. Thân nhiệt thường xuyên duy trì ở ngưỡng 40 độ C. Chị quyết định vào viện vì nghĩ rằng tiếp tục điều trị ở nhà không còn hiệu quả. Lúc này có kết quả xét nghiệm, chị Huyền mới khẳng định mình mắc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, kết quả đo huyết áp vẫn ở ngưỡng bình thường, chị được truyền dịch xuyên đêm ở bệnh viện. Sau đó, chị được các bác sĩ tại bệnh viện cho về và được khuyến cáo tiếp tục theo dõi sát tình trạng sức khỏe. Khi có dấu hiệu bất thường phải vào viện ngay.

Đến ngày thứ tư bị sốt xuất huyết, chị Huyền không còn đau nhức nhiều, có thể ăn hoạt động nhẹ. Tuy nhiên chị bị xuất hiện tình trạng chảy máu ở chân răng. Giai đoạn này, chị Huyền tái khám và xét nghiệm tiểu cầu, kết quả cho thấy tiểu cầu giảm mạnh.

"Lần xét nghiệm máu trước đó, tiểu cầu của tôi là 149G/L. Tuy nhiên, lần xét nghiệm thứ 2 tiểu cầu chỉ còn 70G/L. Bác sĩ khuyên tôi nên nhập viện luôn vì đây là giai đoạn sốt xuất huyết thường diễn biến nặng"’, chị Huyền kể.

Sau khi nhập viện, chị Huyền được chăm sóc sức khỏe, theo dõi các chỉ số sức khỏe, triệu chứng và truyền dịch. Chị tăng cường bồi bổ sức khỏe bằng trái cây, cháo và sữa. Đến ngày thứ năm, thứ sáu chữa trị, các chỉ số dần ổn định, tiểu cầu tăng trở lại nên chị Huyền cũng được cho xuất viện.

Nhìn lại một tuần vật lộn với sốt xuất huyết, chị Huyền giảm 3kg và vẫn chưa hết “sợ hãi” với những cơn sốt và sự mệt mỏi. Mắc sốt xuất huyết đến lần thứ 2, chị Huyền thấm thía với việc phải ý thức hơn trong vấn đề phòng bệnh.

Cũng tương tự chị Huyền, anh Trần Mạnh Thắng (huyện Đan Phượng) cũng rơi vào trạng thái sốt cao và đau người dữ dội. Sau khi gọi cơ quan y tế xét nghiệm tại nhà, anh Thắng được trả kết quả là bị sốt xuất huyết vào ngày 7/11.

Trong những ngày đầu, anh Thắng uống thuốc hạ sốt để giảm triệu chứng, nhưng các cơn đau ở đầu và toàn thân không đỡ. "Mỗi lần sốt là cả người cứ mệt lả đi. Miệng đắng khiến tôi không ăn được dù rất muốn ăn. Lúc này gia đình giúp tôi bổ sung chất bằng cháo và hoa quả", anh Thắng nói.

Cứ thế, anh Thắng sốt trong ba ngày, triệu chứng đau đầu, mệt mỏi kéo dài bốn ngày. Sau đó, các nốt đỏ li ti xuất hiện dưới da, kèm theo cảm giác ngứa ngáy như bị kiến bò khiến anh cả đêm không ngủ được. Việc bị bệnh không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn khiến công việc của anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Ám ảnh là từ mô tả về những ngày tôi phải đối mặt với sốt xuất huyết, công việc của tôi bị đảo lộn hết cả. Lúc này tôi mới ý thức được việc phải ưu tiên sức khỏe. Tôi cố gắng ăn uống, theo dõi các triệu chứng như hướng dẫn của bác sĩ chỉ mong sao nhanh chóng khỏi bệnh”, anh Thắng nói.

Lưu ý khi tự điều trị

Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Các chuyên gia đánh giá dịch năm nay diễn biến rất phức tạp và phá vỡ quy luật so với các năm.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 6/11, toàn Thành phố ghi nhận 28.483 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái) tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 99,3% số xã, phường, thị trấn). Trung bình mỗi tuần, Thành phố ghi nhận 2.400-2.700 trường hợp.

Biện pháp trước mắt là tiêu diệt bọ gậy để chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Nhiều cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô đang đối mặt với áp lực điều trị rất lớn khi bệnh nhân sốt xuất huyết mới liên tục nhập viện. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đánh giá, với diễn biến tình hình thời tiết như hiện nay, ca bệnh có thể tăng cao trong những tuần tới.

PGS, TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng nhận định, tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn biến khá phức tạp.

Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai phân tích, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút mang Dengue (với 4 type huyết thanh D1, D2, D3 và D4) có trong muỗi vằn lây truyền từ người này sang người khác qua vết cắn của muỗi. Diễn biến lâm sàng của bệnh trải qua 3 giai đoạn. Cụ thể, từ ngày thứ 1 đến ngày 3 là giai đoạn sốt, ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm, từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 là giai đoạn hồi phục.

Để tránh những hậu quả đáng tiếc do bệnh sốt xuất huyết gây ra, các chuyên gia y tế lưu ý, khi có tình trạng sốt, đau mỏi người, người dân nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, xét nghiệm, tìm rõ nguyên nhân. Nếu mắc sốt xuất huyết ở thể nhẹ có thể điều trị tại nhà nhưng cũng cần có hướng dẫn của cán bộ y tế.

Cũng theo PGS Đỗ Duy Cường, với các trường hợp nhẹ hoặc sốt xuất huyết trong những ngày đầu có thể điều trị và theo dõi tại nhà. Người bệnh cần uống đủ nước, dùng thuốc hạ sốt, giảm đau paracetamol, kết hợp với việc nghỉ ngơi, xét nghiệm công thức máu hằng ngày. Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý không tự ý truyền dịch và không dùng kháng sinh hay thuốc corticoid.

“Đặc biệt từ ngày thứ 4 - 5 trở đi sẽ có hiện tượng máu cô đặc nếu không bù đủ dịch. Xét nghiệm công thức máu nếu thấy chỉ số Hematocrite tăng trên 20% so với ban đầu tức là máu bị cô đặc, phải hết sức lưu ý trong vấn đề truyền dịch. Trong trường hợp truyền dịch mà không có hiệu quả thì phải dùng dung dịch cao phân tử để kéo nước vào trong lòng mạch”, PGS Đỗ Duy Cường thông tin.

Các trường hợp nặng có dấu hiệu cảnh báo như: Đau bụng vùng gan, tiểu ít, chảy máu cam, máu lợi, nôn hoặc đi ngoài ra máu, rong kinh, rong huyết ở nữ giới, xét nghiệm công thức máu tiểu cầu giảm nhanh hoặc hematocrit tăng nhanh.

Trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết diễn biến không còn theo quy luật và rất nóng như hiện nay, chia sẻ về các biện pháp để chủ động phòng chống sốt xuất huyết, TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương lưu ý, từng người dân phải chủ động các biện pháp phòng muỗi đốt, nên ngủ màn (cả ban ngày).

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, biện pháp trước mắt vẫn là tiêu diệt bọ gậy. Người dân cần loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng, diệt bọ gậy là cách tốt nhất để phòng chống dịch bệnh hiện nay.

P.Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khong-chu-quan-voi-bat-ky-bieu-hien-nao-cua-sot-xuat-huyet-162575.html