Không bắt buộc người dân giao nộp

Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg (Quyết định 16) ngày 22-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về 'thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ' quy định mô tô, xe gắn máy, ô tô các loại thuộc danh mục sản phẩm thải bỏ, thu hồi, xử lý từ ngày 1-1-2018. Thế nhưng, hiện nay không ít người dân đang hiểu nhầm về nội dung quy định của quyết định này. Nhiều người cho rằng, từ 1-1-2018, ô tô hết niên hạn sử dụng, mô tô, xe gắn máy cũ nát sẽ bị thu hồi.

Người dân đang hiểu nhầm

Gần đây, chuyên mục "Đường dây nóng" Báo Quân đội nhân dân nhận được không ít câu hỏi liên quan đến vấn đề trên. Ông Nguyễn Văn Hương ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội hỏi: "Tôi nghe nói, ngày 1-1-2018 tới đây, những xe gắn máy cũ nát sẽ bị cơ quan chức năng thu hồi. Tôi muốn biết, những xe gắn máy như thế nào thì được gọi là cũ nát? Nếu thu hồi xe gắn máy căn cứ vào niên hạn sử dụng là chưa chuẩn vì chất lượng các loại xe, mức độ sử dụng và mục đích sử dụng là khác nhau, dẫn đến chênh lệch cũ, mới rất nhiều. Các xe máy chất lượng cao, được bảo dưỡng tốt, lại chạy ít thì vẫn sử dụng tốt và không thể đánh đồng với xe chất lượng thấp, lại chạy suốt ngày và dùng để chở hàng”.

Bà Nguyễn Thị Hương, tiểu thương buôn bán tại chợ Hà Đông (Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Tôi cũng nghe nói về việc thu hồi xe máy cũ nát từ ngày 1-1-2018. Theo tôi, cần phải triển khai từ từ, vì hiện nước ta còn rất đông hộ nghèo. Do kinh tế gia đình khó khăn nên mọi người mới phải sử dụng xe cũ, nếu có điều kiện thì chẳng ai muốn đi cái xe cà tàng. Chúng tôi mong Nhà nước đưa ra quyết định hợp lòng dân”.

Quyết định 16 không quy định người dân phải nộp mô tô, xe gắn máy cũ nát.

Tìm hiểu vấn đề, chúng tôi được biết, cho đến nay chưa có văn bản nào quy định ô tô hết niên hạn, mô tô, xe gắn máy cũ nát sẽ bị thu hồi từ ngày 1-1-2018. Nguyên nhân của những hiểu lầm này là do một số cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông và người dân đang hiểu sai về thuật ngữ "thải bỏ" của Quyết định 16. Cụ thể là, Quyết định 16 có tên "Quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ". "Danh mục sản phẩm thải bỏ và thời điểm thu hồi, xử lý" là tên phụ lục được ban hành kèm theo quyết định, trong đó có phương tiện giao thông là mô tô, xe gắn máy các loại, xe ô tô các loại thuộc danh mục có thời điểm thu hồi, xử lý muộn nhất là ngày 1-1-2018.

Vậy hiểu như thế nào cho đúng?

Trao đổi với chúng tôi, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng: “Thải bỏ là khái niệm chỉ cái mà không dùng được nữa hoặc cái mà người ta không muốn dùng nữa và bỏ đi. Với ý nghĩa như vậy, nếu xe gắn máy cũ nhưng vẫn còn dùng được, người dân vẫn còn thích dùng để đi lại hoặc dùng làm kỷ vật thì cũng không bị thải bỏ, không có ai đến thu, không có ai đến bắt người ta phải mang nộp. Trong toàn bộ Quyết định 16, không có câu nào bắt người dân phải nộp mô tô, xe gắn máy cũ nát, xe ô tô quá niên hạn cả”.

Theo TS Khương Kim Tạo, mục tiêu của Quyết định 16 là giải quyết vấn đề môi trường, thể hiện tầm nhìn xa của Chính phủ về việc bảo đảm an toàn, trong sạch môi trường trong tương lai và khuyến khích nhà sản xuất chịu trách nhiệm đến cùng đối với sản phẩm do mình tạo ra.

Ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải phân tích: “Tại Điều 2, Quyết định 16 quy định: “Sản phẩm thải bỏ là chất thải có nguồn gốc từ sản phẩm đã hết thời hạn sử dụng...”. Như vậy, đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành cho thấy đối với xe gắn máy, ô tô con hiện chưa có quy định về niên hạn sử dụng. Đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người, được quy định niên hạn tại Điều 4 và Điều 5, Nghị định số 95/2009/NĐ-CP ngày 30-10-2009 của Chính phủ, cụ thể: Không quá 25 năm đối với xe ô tô chở hàng; không quá 20 năm đối với xe ô tô chở người; không quá 17 năm đối với xe ô tô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành xe ô tô chở người trước ngày 1-1-2002. Như vậy, người dân có thể yên tâm vì đối với xe gắn máy, xe ô tô con, việc thải bỏ là do người tiêu dùng quyết định chứ không bắt buộc phải thải bỏ khi chưa có các quy định pháp luật khác về môi trường, các điều kiện kỹ thuật phương tiện cao hơn. Còn đối với các loại xe có niên hạn sử dụng, khi hết niên hạn sử dụng, các nhà sản xuất sẽ phải có trách nhiệm tổ chức điểm thu hồi, xử lý được quy định tại Điều 5, Chương II của Quyết định 16".

Tuy nhiên, người dân cũng không nên sử dụng xe máy cũ nát, không bảo đảm các điều kiện lưu hành vì như vậy dễ gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường. Quyền lợi của người dân là có thể yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm thu hồi, xử lý các phương tiện cũ nát để bảo đảm môi trường. Đây cũng là mục tiêu mà Quyết định 16 hướng tới.

KIM DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/khong-bat-buoc-nguoi-dan-giao-nop-521361