Khởi nghiệp với chất liệu văn hóa Việt

Câu chuyện khởi nghiệp không chỉ là hành trình nỗ lực khẳng định bản thân, với nhiều người trẻ làm việc trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, đó còn là giấc mơ tạo dựng một IP nhân vật Việt Nam vươn ra thị trường thế giới và gia tăng giá trị chất liệu văn hóa Việt trong các sản phẩm truyền thông, nghệ thuật.

Anh Lưu Trọng Nhân giới thiệu về dự án “Khí Việt linh thần thoại kí”

Định hình thị trường tài sản trí tuệ

IP là viết tắt của cụm từ Intellectual Property (tạm dịch: tài sản trí tuệ), được hiểu là thuật ngữ chỉ những sản phẩm sáng tạo của trí óc và được pháp luật bảo vệ. Với nhiều bạn trẻ làm việc trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, việc tạo ra một IP nhân vật như một cách khẳng định tài năng bản thân.

Và khi thị trường bắt đầu quan tâm hơn đến yếu tố tinh thần trên các lĩnh vực trang trí, giải trí, việc tạo ra IP mang tính đặc trưng, đại diện “không đụng hàng” trở thành nhu cầu của nhiều khách hàng. Thậm chí một IP phát triển mạnh, lan tỏa nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng còn trở thành món hàng để các nhà sưu tập săn đón, là biểu tượng ngoại giao trong lĩnh vực văn hóa.

Art toy (tạm dịch: đồ chơi nghệ thuật) một phần sáng tạo quan trọng của IP, đang bắt đầu định hình thị trường và thu hút nhiều người sưu tập. Sở hữu bộ sưu tập hơn 100 art toy phần lớn được mua từ những chuyến đi nước ngoài, Phan Hồ Huy Hân (30 tuổi, hướng dẫn viên du lịch, ngụ quận 3, TPHCM) chia sẻ: “Bánh trái hay quần áo, túi xách, ngồi ở nhà cũng có thể đặt hàng quốc tế được, còn mô hình art toy thì khác, đa phần nó được làm thủ công và là phiên bản giới hạn. Art toy không chỉ để nhìn cho vui, người thiết kế bây giờ còn lồng ghép trang phục truyền thống hay loài hoa biểu tượng của đất nước vào các mô hình”.

Tại TPHCM, mô hình đồ chơi nghệ thuật cũng bắt đầu được nhiều người trẻ lựa chọn để khởi nghiệp, tuy nhiên để có thể đi đường dài và định hình nên một thị trường thực sự, có lẽ vẫn phải chờ thời gian. Lý giải cho việc cộng đồng đồ chơi nghệ thuật “mộng lớn khó thành”, Trần Minh Di (27 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Những món đồ này gần như làm thủ công và độc bản. Và vì làm thủ công, nên các món này khá đắt tiền, chưa kể thẩm mỹ cộng đồng không đồng đều, nên không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa và thấy được vẻ đẹp của nó”.

Gặp nhau từ tình yêu văn hóa Việt

Dự án “Khí Việt linh thần thoại kí” ra mắt vào tháng 12-2023, bởi đội ngũ của ASM, một công ty thiết kế và sản xuất các sản phẩm đồ chơi nghệ thuật (art toy) và TELOS - đơn vị truyền thông về nhân vật và văn hóa. Lưu Trọng Nhân, thành viên dự án, chia sẻ: “ASM mong muốn xây dựng một IP Việt Nam vươn tầm thế giới, còn TELOS lại muốn gia tăng giá trị chất liệu văn hóa Việt Nam trong các sản phẩm truyền thông, nghệ thuật. Từ điểm chung này, cả hai đã gặp nhau và cùng chung tay thực hiện dự án”.

Dự án “Khí Việt linh thần thoại kí” bắt đầu từ những thiết kế nhỏ, lồng ghép vào đó các yếu tố về văn hóa Việt Nam. Điểm tựa để có thể gây ấn tượng đến mọi người chính là mức độ công phu trong từng chi tiết nhỏ, cũng như niềm tự hào dân tộc bên trong một phong bao lì xì, một hộp đựng bánh mứt, một thanh đánh dấu trang sách hay một hộp quà…

“Có thể tạm hiểu “Khí Việt linh thần thoại kí” là một câu chuyện huyền ảo về một thế giới mà ở đó các linh thần sống song song với con người. Những biến cố xảy ra khiến giờ đây những vị linh thần này mất hết ký ức về quá khứ và phải tìm đường để quay về nguồn cội. Câu chuyện này hiểu một cách rộng hơn chính là quá trình nhìn vào bản thân chúng ta và đi tìm căn gốc, giá trị văn hóa dân tộc trong mỗi con người”, Lưu Trọng Nhân giải thích thêm.

Và dù là lĩnh vực nào, ứng dụng cần thiết đến đâu nhưng khi đã lấy cảm hứng từ văn hóa lịch sử đòi hỏi người thực hiện phải nghiên cứu để am hiểu, bởi lịch sử là sự thật, chính xác. Dương Tâm, thành viên dự án, bày tỏ: “Trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, cả nhóm càng thấy tự hào hơn, biết thêm một số kiến thức mà khi đi học mình đã bỏ qua, chưa chú trọng. Văn hóa và lịch sử của đất nước chúng ta không thiếu những nguyên liệu chất lượng, đó là những câu chuyện hấp dẫn và hào hùng nhưng chúng ta đang thiếu những phương tiện để kể, truyền tải câu chuyện thật hấp dẫn. Một điều quan trọng hơn, văn hóa và lịch sử dân tộc là tài sản chung của cộng đồng, nên trong mỗi quyết định sử dụng các thiết kế, câu chuyện có liên quan, đội ngũ sáng tạo của nhóm đều phải cân nhắc và tìm hiểu rất kỹ về cái mình đang làm”.

THIÊN BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khoi-nghiep-voi-chat-lieu-van-hoa-viet-post735149.html