Khởi nghiệp thành công từ măng tre Bát Độ

Bằng sức trẻ cùng nhiều ý tưởng đam mê, khát khao lập thân, khởi nghiệp, anh Lê Minh Nhí (SN 1999, ngụ xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) mạnh dạn phát triển kinh tế từ mô hình trồng măng tre Bát Độ trên chính vùng đất quê hương. Ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.

Với ý chí vươn lên, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, cuối năm 2021, anh Minh Nhí trồng 1.200 gốc tre Bát Độ, diện tích 17.000m2, với số vốn ban đầu 100 triệu đồng. “Thời điểm đó, địa phương chủ yếu trồng bưởi, bạn bè, người thân phản đối tôi nhiều lắm! Họ nói tôi liều lĩnh, mạo hiểm. May mắn, tôi nhận được niềm tin, sự ủng hộ từ gia đình. Chỉ sau thời gian ngắn, vườn tre đã cho thu hoạch, mang lại thu nhập ổn định khiến nhiều người bất ngờ” - anh Minh Nhí nhớ lại.

Mô hình trồng tre lấy măng của anh Lê Minh Nhí được nhân rộng ở nhiều địa phương

Đến nay, vườn tre Bát Độ của anh Minh Nhí được 14 tháng tuổi. Ngay trong năm đầu tiên, cây tre đã cho thu hoạch măng. Theo anh Minh Nhí, tre Bát Độ dễ trồng, thời gian thu hoạch ngắn, vốn đầu tư và công sức bỏ ra ít. Cây không kén đất, không sâu, bệnh, phù hợp với điều kiện, khí hậu, địa hình địa phương và cho năng suất cao; trồng một lần nhưng có thể thu hoạch nhiều năm.

Trung bình mỗi gốc tre thu hoạch từ 150-180 mục măng/năm. Mỗi mục nặng từ 1,2-1,8kg. Hiện tại, giá măng tươi dao động từ 20.000-35.000 đồng/kg, được đầu mối thu mua để tiêu thụ chủ yếu tại địa phương. Trừ chi phí, mỗi tháng, anh Minh Nhí có lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng. Đặc biệt, vườn tre còn tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương.

Anh Minh Nhí chia sẻ, ban đầu, do chưa có kinh nghiệm, kiến thức nên anh cũng gặp một số khó khăn. Anh chủ động tham khảo, tìm tòi, học hỏi kiến thức trồng tre lấy măng qua báo, đài, tham quan mô hình của bạn bè ở trong và ngoài tỉnh. Do trồng vào mùa mưa nên tre phát triển thuận lợi. Đến nay, tre cho ra măng đều đặn.

Với đặc tính ngon, giòn, thịt trắng, dày, vỏ mỏng, măng tre Bát Độ có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Măng có thể bán tươi hoặc ủ chua, ủ muối và phơi khô. Vỏ măng cũng có thể tận dụng làm phân bón.

Anh Lê Minh Nhí thu hoạch măng tre

"Chăm sóc măng không quá khó, vào mùa khô, mỗi tuần tưới 1 lần, 5 tháng bón phân 1 lần. Sau khi thu hoạch măng xong cần tỉa nhánh già, để lại vài cây non làm giống. Khi thấy tre ra nhánh thì cắt tỉa để cho cây tập trung dồn sức ra măng" - anh Minh Nhí cho biết.

Bí thư Đoàn xã An Ninh Đông - Nguyễn Thanh Hoa nhận xét: “Mô hình trồng tre Bát Độ lấy măng của anh Lê Minh Nhí bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Đồng thời, đây cũng là mô hình thanh niên khởi nghiệp của xã. Hiện tại, Đoàn xã tạo mọi điều kiện để thanh niên, người dân đến tham quan, học hỏi và nhân rộng mô hình”.

Ngoài nguồn thu nhập từ các sản phẩm măng tre, anh Minh Nhí còn ươm bán cây giống với giá 20.000 đồng/cây. Đến nay, anh cung cấp khoảng 1.000 cây giống cho đoàn viên và nông dân. Giống măng tre Bát Độ ngày càng được ưa chuộng, nhiều thanh niên, nông dân tìm đến tận nhà để mua. Hiện, mô hình trồng tre lấy măng của anh Minh Nhí được nhân rộng đến các địa phương trong và ngoài tỉnh./.

Trà Long - Hoàng Tuân

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khoi-nghiep-thanh-cong-tu-mang-tre-bat-do-a149809.html