Khó khăn trong triển khai dạy tài liệu giáo dục địa phương

Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 6 sẽ học chương trình giáo dục địa phương như một môn học chính khóa. Tuy nhiên, đối với tỉnh Lào Cai, do chưa có tài liệu chính thức nên việc dạy và học môn học này đang gặp nhiều khó khăn.

Tại Trường Tiểu học xã Sơn Hà số 2 (huyện Bảo Thắng), trong khi các môn học đã bước vào học kỳ II năm học 2021 - 2022 thì môn Tài liệu giáo dục địa phương mới triển khai những tiết học đầu tiên.

Cô giáo Phạm Thị Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A cho biết: Do học sinh chưa có tài liệu học tập nên theo chỉ đạo của trường, đến nay tôi mới dạy được mấy tiết môn Tài liệu giáo dục địa phương. Hình thức dạy là lồng ghép với các môn học khác như Hoạt động trải nghiệm, Tự nhiên và Xã hội.

Học sinh gặp khó khăn khi không có sách phải học bằng tài liệu phô tô chỉ có hai màu đen, trắng.

Được biết, cô giáo Hằng chưa tham gia tập huấn dạy môn Tài liệu giáo dục địa phương nên các tiết học lồng ghép chỉ giới thiệu cho học sinh những nội dung phù hợp. Thầy giáo Vũ Quang Hữu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Sơn Hà số 2 cho biết: Vướng mắc hiện nay là học sinh không có tài liệu chính thức để học. Đối với nhà trường, từ khi dạy môn này đến nay không phô tô sách cho học sinh vì không đảm bảo chất lượng so với bản chính thức về hình ảnh, màu sắc, nếu in màu thì rất tốn kinh phí.

Tại Trường PTDT bán trú THCS Pa Cheo (huyện Bát Xát), năm học 2021 - 2022 có 285 học sinh, trong đó 77 học sinh lớp 6 được học môn Tài liệu giáo dục địa phương. Thầy giáo Trần Văn Long, giáo viên Ngữ văn được phân công dạy môn Tài liệu giáo dục địa phương cho biết: Đến thời điểm này, tôi đã dạy được 20 tiết môn Tài liệu giáo dục địa phương. Ngoài khó khăn do không có sách giáo khoa thì đối với giáo viên, đây là môn mới, chưa có hướng dẫn cụ thể nên chưa thống nhất việc soạn giáo án và kiểm tra, đánh giá học sinh. Trong quá trình dạy, tôi phải tìm thêm tài liệu, hình ảnh, video liên quan đến các chủ đề để học sinh dễ hiểu.

Việc triển khai dạy môn Tài liệu giáo dục địa phương cho học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 6 ở nhiều địa phương khác cũng đang gặp không ít khó khăn, còn chậm và lúng túng. Theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát, phòng đã triển khai cho các trường dạy môn Tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 từ ngày 25/10/2021, còn lớp 1, lớp 2 dạy từ ngày 1/11/2021. Đối với huyện Bảo Thắng, việc dạy môn này cho khối lớp 1, lớp 2 cũng mới thực hiện từ đầu học kỳ II. Đối với huyện Mường Khương, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết do chưa có sách giáo khoa nên thời gian qua chỉ dạy tích hợp với các môn khác. Việc tập huấn cho đội ngũ giáo viên cũng chậm.

Thực hiện chỉ đạo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay, ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai đã hoàn thành việc biên soạn bộ sách Tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 6. Lào Cai cũng là một trong số ít tỉnh trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt sách Tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 6 để triển khai dạy bắt đầu từ năm học 2021 - 2022.

Dù sách đã được duyệt nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thể in cho học sinh học. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sự chậm trễ xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc về việc thẩm định giá sách, đấu thầu in sách. Thời gian qua, nhiều trường không thể phô tô sách cho học sinh học vì lo vấn đề bản quyền và kinh phí.

Ông Bùi Xuân Tiệp, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngày 12/9/2021, sở đã có văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2 và lớp 6, năm học 2021 - 2022. Trong thời gian chờ phát hành sách, các nhà trường, giáo viên sử dụng bản PDF tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2 và lớp 6, tuyệt đối không cắt ghép, thay đổi nội dung, không chia sẻ dưới mọi hình thức, không vi phạm bản quyền theo quy định của pháp luật.

Đối với lớp 1, lớp 2, việc tổ chức dạy lồng ghép, tích hợp nội dung tài liệu giáo dục của địa phương vào chương trình các môn học khác, hoạt động trải nghiệm để phù hợp với đặc điểm tâm lý, trình độ phát triển nhận thức của học sinh. Đối với lớp 6, sẽ đảm bảo dạy 35 tiết/năm học. Việc bố trí thời gian dạy do các trường chủ động, các chủ đề có thể linh hoạt đảo, đổi vị trí. Tuy mỗi trường phân công giáo viên có đủ năng lực giảng dạy, nhưng đối với lớp 6 phải có giáo viên dạy môn Ngữ văn tham gia.

Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc dạy học nói chung trên địa bàn tỉnh đang được đẩy nhanh tiến độ nhằm đảm bảo kế hoạch năm học. Tuy nhiên, mong muốn của thầy và trò các trường là Sở Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương in sách giáo khoa chính thức để việc dạy học đảm bảo kế hoạch và chất lượng. Ngành giáo dục tỉnh cũng cần có hướng dẫn cụ thể hơn đối với việc soạn giảng, kiểm tra, đánh giá môn học, tăng cường tập huấn để tháo gỡ vướng mắc cho các giáo viên trực tiếp giảng dạy.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/352082-kho-khan-trong-trien-khai-day-tai-lieu-giao-duc-dia-phuong