Khó đòi tiền doanh nghiêp "quỵt" thuế

(VnMedia) - Với hơn 1.000 doanh nghiệp nợ đọng hàng nghìn tỉ đồng tiền thuế thì việc đòi nợ thuế của ngành hải quan còn nhiều gian nan, nhất là khi hải quan lại không có trong tay chế tài đủ mạnh để xử lý.

Bài 1: Hàng nghìn doanh nghiệp trốn thuế rồi bỏ trốn Hiện nay, công tác đòi nợ thuế của Cục hải quan TPHCM mới chỉ dừng lại ở những diện nợ mới phát sinh (sau luật quản lý thuế 2007), còn phần lớn các vụ việc truy tìm doanh nghiệp nợ thuế bỏ trốn cũng chỉ dừng lại ở mức xác minh doanh nghiệp, tình trạng người đại diện pháp luật còn việc thu hồi được tiền thuế cho ngân sách nhà nước là rất ít. Bởi trên thực tế các doanh nghiệp sau khi nhập khẩu hàng hóa, hết thời gian ân hạn thuế thì giải tán, bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh để trốn tránh trách nhiệm nghĩa vụ thuế với nhà nước. Số nợ thuế lại chủ yếu phát sinh từ nhiều năm trước. Trong khi đó, quyền hạn của công chức hải quan chỉ dừng lại ở mức độ giới hạn, không có chức năng thẩm quyền để mở rộng điều tra. Tuy nhiên, việc chuyển các vụ việc nợ thuế của doanh nghiệp bỏ trốn cho cơ quan Công an- nơi có thẩm quyền điều tra trong thời gian qua cũng chưa có kết quả khả quan. Điển hình, tại chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 4 qua quá trình đốc thu xác minh có 140 công ty nợ thuế, đã bỏ trốn khỏi nơi đăng ký kinh doanh. Cơ quan Hải quan đã triển khai nhiều biện pháp nhưng không liên lạc được với giám đốc công ty để thu hồi nợ nên đã hoàn tất hồ sơ đề nghị chuyển cho cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến nay công tác mới chỉ thực hiện ở khâu hoàn tất hồ sơ, còn việc chuyển cho cơ quan công an chưa thực hiện được do chưa có quy chế cụ thể. Chính vì thế, theo nhận định của lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM số nợ thuế gần 500 tỉ đồng của hơn 1.000 doanh nghiệp nợ thuế bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh tại cục Hải quan TPHCM khó có khả năng thu hồi. Ngoài ra, theo chi cục Hải quan TPHCM các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo điều 93 Luật quản lý thuế hiện nay còn nhiều hạn chế, kết quả đạt được không cao. Chẳng hạn như biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại kho bạc nhà nước, ngân hàng chỉ thực hiện được đối với những doanh nghiệp có khoản tiền gửi tại ngân hàng, tổ chức tín dụng và tài khoản phần lớn không có tiền. Việc phối hợp xác minh thông tin về tài khoản, số tiền trong tài khoản của doanh nghiệp bị cưỡng chế hiện chưa thực hiện được. Biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập, kê biên tài sản, thu tiền, tài sản khác của đối tượng… cơ quan hải quan đều không thực hiện được vì không có thông tin. Nhằm hạn chế nợ thuế, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước, Cục Hải quan TPHCM kiến nghị việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành theo quyết định hành chính thuế liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành như Công an, ngân hàng, thuế nên cần có quy chế phối hợp từ cấp bộ, cấp tổng cục của các cơ quan này. Theo Cục trưởng Cục thuế TPHCM Nguyễn Đình Tấn hiện tại trên địa bàn TPHCM cũng có hàng nghìn doanh nghiệp nợ thuế bỏ trốn khỏi nơi đăng ký kinh doanh mà Cục thuế chưa tìm được. Từ thực tế này, ông Tấn cho rằng cơ quan quản lý cần phải siết chặt trong việc kiểm tra hồ sơ cấp phép đặc biệt là lý lịch của người chịu trách nhiệm trước pháp luật. Anh Đào

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=26&newsid=201525