Khi công an xã tham gia bảo đảm an toàn giao thông

Theo quy định, từ ngày 15/9/2023, công an xã, phường, thị trấn (gọi chung là công an cấp xã) được phép dừng xe kiểm tra, xử lý vi phạm với xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe thô sơ khi không có cảnh sát giao thông (CSGT) đi cùng.

Quy định mới nêu rõ việc tuần tra, kiểm soát của công an cấp xã phải thực hiện theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành và phải báo cáo tình hình, kết quả hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cho CSGT. Công an cấp xã chỉ được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường xã và đường khác thuộc địa bàn khu vực quản lý. Thực tế khi triển khai, nhiều đơn vị cũng gặp khó khăn đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của công an cấp huyện.

Cảnh sát giao thông Công an huyện Tân Yên phối hợp cùng Công an thị trấn Nhã Nam kiểm tra vi phạm trật tự an toàn giao thông trên quốc lộ 17.

Gần 20 giờ nhưng tuyến đường tỉnh 295 qua huyện Hiệp Hòa vẫn có đông người xe, đặc biệt là đoạn ngã tư giao với đường vành đai IV thuộc xã Hương Lâm. Công nhân từ các khu, cụm công nghiệp, lao động tự do… đổ về khiến tuyến đường vốn to rộng trở nên chật hẹp. Giữa dòng xe máy, xe máy điện, ô tô đó, tổ công tác Công an huyện Hiệp Hòa phối hợp với Công an xã Hương Lâm vẫn tập trung làm việc.

Không ít trường hợp vi phạm bị cán bộ công an phát hiện, xử lý tại chỗ. Như nhiều người khác, anh N.T.G (SN 1972) ở xã Mai Đình (Hiệp Hòa) bị xử lý với nồng độ cồn trong hơi thở lên đến 0,409mg/l. Ngoài ra, hàng chục trường hợp khác bị lực lượng công an lập biên bản, tạm giữ phương tiện, giấy tờ vì các lỗi như vi phạm nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe…

Trong khi tổ công tác đang làm việc, một người đàn ông đi xe máy có dấu hiệu vi phạm bị cán bộ công an mời làm việc, qua đo khí thở, người này có nồng độ cồn khá cao nhưng có thái độ không hợp tác. Ngay lập tức, cán bộ Công an xã Hương Lâm hỗ trợ lực lượng CSGT Công an huyện Hiệp Hòa buộc người vi phạm phải chấp hành các biện pháp xử lý.

Đại úy Nguyễn Văn Học, Trưởng Công an xã Hương Lâm nói: “Trên địa bàn xã có một số tuyến đường huyết mạch, mật độ giao thông lớn, phức tạp, nhất là vào giờ cao điểm, từ đầu năm đến nay có 15 vụ tai nạn, va chạm giao thông. Thực hiện quy định mới, Công an xã đã được Công an huyện tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ xử lý trật tự an toàn giao thông (ATGT), khi có yêu cầu thì phối hợp với các tổ công tác làm nhiệm vụ trên các tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý. Điều này góp phần giảm đáng kể tình trạng vi phạm, nhất là nồng độ cồn”.

Nói về công tác hướng dẫn cho công an các xã, Thượng tá Đào Xuân Hưởng, Phó trưởng Công an huyện Hiệp Hòa cho biết, ngay từ đầu tháng 9, Công an huyện tổ chức tập huấn, quán triệt cho toàn bộ công an cấp xã về xử lý, bảo đảm ATGT. Trực tiếp Đội CSGT, trật tự Công an huyện phổ biến các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng công an cấp xã trong xử lý vi phạm trật tự ATGT; thực hành hiệu lệnh dừng xe, kiểm soát, thủ tục lập biên bản, xử lý vi phạm…

Một số lỗi khi phát hiện, công an cấp xã được dừng xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe thô sơ kiểm tra như: Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người, chở hàng hóa cồng kềnh, quá kích thước giới hạn; dừng, đỗ xe không đúng quy định; phóng nhanh, lạng lách, đánh võng; không có gương chiếu hậu ở bên trái; chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện...

Một số lỗi mà khi phát hiện, công an cấp xã được dừng và kiểm tra xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe thô sơ như: Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người, chở hàng hóa cồng kềnh, quá kích thước giới hạn; dừng, đỗ xe không đúng quy định; phóng nhanh, lạng lách, đánh võng; không có gương chiếu hậu ở bên trái; chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện và các vi phạm nghiêm trọng về trật tự ATGT, an ninh, trật tự xã hội.

Tuy nhiên, thực tế thực hiện nhiệm vụ cũng phát sinh nhiều khó khăn. Thiếu tá Phạm Văn Mạnh, Trưởng Công an thị trấn Nhã Nam (Tân Yên) cho rằng, hiện khối lượng công việc cần xử lý hằng ngày của công an cấp xã rất lớn trong khi lực lượng còn mỏng. Nhiều thời điểm, công an thị trấn có cán bộ đi học hoặc tăng cường cho các đội nghiệp vụ của Công an huyện nên áp lực công việc lớn. Điều này chi phối không nhỏ đến hiệu quả của công tác tham gia bảo đảm trật tự ATGT.

Chỉ khi các tổ tuần tra, kiểm soát của Công an huyện yêu cầu thì Công an thị trấn mới sắp xếp, bố trí lực lượng, giãn các việc khác để tham gia. Cùng chung phản ánh, Đại úy Nguyễn Văn Học nêu: “Điểm chung ở công an cấp xã là thiếu nhân lực và phương tiện, thiết bị phục vụ công tác. Đồng thời, nhiều cán bộ, chiến sĩ chưa có kỹ năng xử lý tình huống; nghiệp vụ còn hạn chế nên chưa thể độc lập thực hiện tuần tra, xử lý vi phạm, hiện chỉ tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở các khu vực lập chốt kiểm tra, xử lý vòng ngoài”.

Để khắc phục những hạn chế này, Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, đơn vị tiếp tục chỉ đạo công an các huyện, TP phổ biến, quán triệt những nội dung mới theo quy định của Bộ Công an về công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính cho công an các xã, phường, thị trấn để cán bộ, chiến sĩ nắm chắc, thực hiện đúng.

Thường xuyên kiểm tra, yêu cầu chỉ huy, cán bộ công an cấp xã chấp hành nghiêm quy trình, chế độ công tác, điều lệnh công an nhân dân; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt văn hóa ứng xử trong khi làm nhiệm vụ, không để xảy ra sai phạm, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác và hình ảnh công an nhân dân.

Bài, ảnh: Quốc Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/an-toan-giao-thong/413614/khi-cong-an-xa-tham-gia-bao-dam-an-toan-giao-thong.html