Khánh Hòa: Thời tiết bất lợi là nguyên nhân khiến tôm hùm chết

Nhiệt độ nước tăng cao so với cùng kỳ, mật độ tôm hùm nuôi dày, giai đoạn thời tiết chuyển mùa góp phần làm sức đề kháng của tôm giảm, tôm yếu và dễ mắc bệnh.

Tháng 4/2024, nhiều hộ nuôi tại khu vực xã Vạn Thạnh và Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa có xảy ra tình trạng tôm hùm bông chết rải rác với dấu hiệu đen mang, đỏ thân.

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (Viện III) đã tiến hành khảo sát, quan trắc đột xuất vùng nuôi tôm hùm lồng, kết quả cho thấy nhiệt độ nước các vùng khảo sát thời gian qua cao hơn so với cùng kỳ, nguy cơ gia tăng khả năng phát triển của các tác nhân gây bệnh cho tôm hùm.

Ngoài ra, phát hiện tác nhân gây bệnh đen mang (nấm Fusarium sp) ở các mẫu thu được, có thể tác nguyên gây khó khăn cho việc hô hấp tôm hùm bông, làm tôm thiếu oxy và chết rải rác; vi khuẩn Vibrio alginolyticus trong các mẫu tôm rất có thể là tác nhân thứ phát góp phần gây hiện tượng tôm chết.

Tôm hùm bông bị đen mang ở Vạn Thạnh (bên trái) và tôm hùm xanh có biểu hiện thiếu oxy (không bị đen mang) ở Vạn Hưng (bên phải). Ảnh: Viện III

Ngành chức năng cũng cho rằng hàm lượng oxy hòa tan trong nước ở tầng đáy thấp, nhiệt độ nước tăng cao so với cùng kỳ năm 2023, việc thả tôm với mật độ dày, giai đoạn thời tiết đang chuyển mùa đã góp phần làm sức đề kháng của tôm giảm, tôm yếu và dễ mắc bệnh.

Theo đó, Viện III đã khuyến cáo người nuôi tăng cường che mát lồng, bè nuôi khi có nắng nóng; thu gom vỏ nhuyễn thể lúc sơ chế và sau khi tôm ăn xong nhằm hạn chế quá trình kỵ khí ở đáy và bồi lắng đáy thủy vực nuôi.

Đồng thời, san thưa mật độ nuôi tôm nhằm giảm thiểu thiệt hại; tăng cường lặn theo dõi tôm nuôi, khi phát hiện tôm có dấu hiệu bệnh cần có thuốc điều trị và các giải pháp kỹ thuật phù hợp;...

Tại xã Vạn Thạnh có gần 900 hộ nuôi với hơn 34.500 ô lồng các loại, trên 90% là nuôi tôm hùm bông. Còn ở xã Vạn Hưng, có khoảng 4.200 lồng, chủ yếu nuôi tôm hùm xanh.

Tôm hùm bông được các hộ nuôi bằng lồng chìm (3,8x3,8x1,2m) và lồng nổi (4x4x4m), mật độ từ 100 - 120 con/lồng. Tôm hùm xanh được nuôi bằng lồng nổi (4x4x4m) là chủ yếu, mật độ 200 - 300 con/lồng.

Từ tháng 4 trở lại, hộ nuôi tôm hùm ở địa phương phát hiện tôm chết rải rác, tôm hùm bông chết với dấu hiệu đen mang, đỏ thân; còn tôm hùm xanh chết biểu hiện đen mang, đỏ thân và nghi bệnh sữa. Tình trạng này kéo dài, có thể khiến người nuôi lỗ hàng trăm triệu đồng.

Ngay khi phát hiện tình trạng trên, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Khánh Hòa đã hướng dẫn các hộ nuôi giảm khẩu phần ăn, tiến hành sục khí ôxy với lồng nuôi còn tôm; đồng thời thường xuyên đo các yếu tố môi trường, đặc biệt là ô xy để kịp thời phát hiện các biến đổi về yếu tố môi trường để có biện pháp xử lý.

Theo dự báo, đến hết tháng 6/2024, một số thông số môi trường tiếp tục biến động bất lợi như nhiệt độ nước, NH4+-N, mật độ vi khuẩn Vibrio spp tăng cao rất dễ xảy ra hiện tượng phù dưỡng thủy vực, nguy cơ dẫn đến sự nở hoa của tảo, làm ôxy hòa tan giảm mạnh vào thời điểm nắng nóng gay gắt.

Đức Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khanh-hoa-thoi-tiet-bat-loi-la-nguyen-nhan-khien-tom-hum-chet-318226.html