Khẳng định vai trò của Công đoàn

Xác định xây dựng, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở là tiền đề quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội ở mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thời gian qua, các cấp Công đoàn huyện Thường Tín (Hà Nội) đã chủ động tham gia, phối hợp với chuyên môn phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Để thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, những năm qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Thường Tín đã chỉ đạo các cấp Công đoàn đẩy mạnh việc tuyên truyền, triển khai các quy định của pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp với chính quyền, chuyên môn tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định; phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc.

Các cấp Công đoàn huyện Thường Tín phối hợp tổ chức các buổi giao lưu, đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Tại Trường THCS Vân Tảo, những năm qua, Ban Chấp hành Công đoàn đã phối hợp với chuyên môn tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, viên chức, người lao động; thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức các hoạt động xã hội trong nhà trường. Theo bà Nguyễn Thị Son - Chủ tịch Công đoàn trường, Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là hoạt động thường niên của nhà trường, nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong công tác giáo dục của năm học trước. Đồng thời, nghiêm túc rút ra nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại, đề ra phương hướng hoạt động phù hợp cho năm học mới. Đây cũng là một hoạt động quan trọng nhằm phát huy quyền làm chủ của cán bộ, giáo viên, nhân viên. Từ đó, đề xuất ý kiến, bày tỏ nguyện vọng đối với cán bộ quản lý nhà trường để góp phần xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh.

Để công tác tổ chức Hội nghị được đảm bảo theo đúng quy định, hướng dẫn, hàng năm, Ban Chấp hành Công đoàn Trường THCS Vân Tảo đã phối hợp với Thủ trưởng cơ quan xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nội dung và các điều kiện để tổ chức hội nghị. Tạo thuận lợi để toàn thể giáo viên, nhân viên thảo luận; phát biểu ý kiến, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng; tập thể lãnh đạo nhà trường lắng nghe ý kiến đóng góp của giáo viên, nhân viên để giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của cá nhân. Thông qua Hội nghị, tập thể được phát huy; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, điều hành được nâng cao và có ý thức trách nhiệm, hiểu rõ hơn về quyền lợi, nghĩa vụ trong việc thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan; các ý kiến, kiến nghị, kịp thời được giải quyết; phong trào thi đua được đẩy mạnh; phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch đề ra phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế.

Đảm bảo quyền lợi người lao động

Hàng năm, thực hiện hướng dẫn của Ủy ban nhân dân và LĐLĐ thành phố Hà Nội, LĐLĐ huyện Thường Tín phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện xây dựng văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phối hợp với Công đoàn tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, viên chức, hội nghị người lao động; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định chi tiết khoản 3 điều 63 của Bộ Luật lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc”, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP “về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập”, Nghị định số 05/2015/NĐ-CP và Nghị định 148/2018/NĐ-CP “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động”, Nghị định 145/2020/NĐ-CP “Quy định chi tiết và hướng dân thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động”.

Kết quả, hàng năm, đã có 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; trên 70% doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động và xây dựng được Quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc; 100% đơn vị bầu Ban Thanh tra nhân dân. Thông qua việc tổ chức các Hội nghị đã phát huy được quyền làm chủ và trí tuệ của tập thể trong bàn bạc, góp ý, nhằm xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng vững mạnh.

Ngoài ra, LĐLĐ huyện cũng đã hướng dẫn, chỉ đạo Công đoàn cơ sở xây dựng nội dung, thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của Bộ luật Lao động; tổ chức lớp tập huấn thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể cho đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước. Thông qua việc thực hiện các quy định, thương lượng tập thể đã đi vào thực chất, chất lượng ngày một nâng cao; quyền lợi của công nhân lao động được đảm bảo tốt hơn.

Bên cạnh đó, hàng năm, LĐLĐ huyện tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Các Công đoàn cơ sở đã phối hợp tổ chức đối thoại giữa Công đoàn - Người sử dụng lao động - Người lao động để nắm diễn biến, tình hình tư tưởng, giải quyết những kiến nghị, những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của đoàn viên. Qua đối thoại, những ý kiến, kiến nghị của người lao động được tập hợp và kịp thời giải quyết. Qua đó, góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Kim Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khang-dinh-vai-tro-cua-cong-doan-160535.html