Khám phá vườn sâm Lai Châu, nơi ươm mầm khát vọng đổi đời của vùng biên viễn

Ở một nơi cao hơn 1.500m so với mực nước biển, tại bản Sin Chải, kế bên núi Đá Trắng cao nhất xã Giang Ma, Tam Đường, có một vườn ươm mang theo khát vọng vươn lên của tỉnh Lai Châu. Trên một diện tích 3.000m2, hàng nghìn cây sâm Lai Châu đang được ươm trồng, trước khi phủ xanh những cánh rừng Lai Châu trong tương lai.

14 năm trước, đoàn nghiên cứu của thạc sỹ Phạm Quang Tuyến thuộc Viện Nghiên cứu Lâm sinh - Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam trong một lần đến Mường Tè để điều tra thực vật quý hiếm đã phát hiện ra sâm Lai Châu, khi ấy được đồng bào dân tộc gọi là tam thất đen.

“Đoàn nghiên cứu sớm nhận ra đây là loại dược liệu quý hiếm, khác hẳn với tam thất bắc bình thường”, thạc sỹ Phạm Quang Tuyến chia sẻ, “Vì vậy, đã đề nghị với ban lãnh đạo tỉnh Lai Châu đưa vào đề tài nghiên cứu. Ban đầu với mục đích bảo tồn, bởi loại cây này đã được đưa vào Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (2007), mọi bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh”.

Theo nghiên cứu, hàm lượng saponin trong các mẫu sâm Lai Châu thu ngoài tự nhiên trung bình khoảng 23% - 27%, hàm lượng saponin toàn phần tăng dần theo số năm tuổi, đặc biệt hàm lượng MR2 chiếm 4 - 6%. Sâm Lai Châu có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, có tác dụng gần giống với tác dụng của nhân sâm.

Sau quá trình nuôi trồng hiệu quả cũng như nhận thấy lợi ích của sâm Lai Châu mang lại, lãnh đạo tỉnh Lai Châu quyết tâm đẩy mạnh phát triển cây dược liệu này nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.

Nhiều năm qua, thạc sỹ Phạm Quang Tuyến cùng những người tâm huyết đã nghiên cứu, ươm trồng sâm Lai Châu tại 4 điểm ở Lai Châu. Một trong số đó thuộc bản Sin Chải, kế bên núi Đá Trắng cao nhất xã Giang Ma, Tam Đường, nơi có độ cao 1.500m so với mực nước biển, có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để cây phát triển. Trên một diện tích hơn 2 héc ta, khu vực ươm cây giống rộng khoảng 3.000m2. Được biết, hiện đây là vườn ươm quy mô, hiện đại nhất tỉnh Lai Châu. Mới đây, một phái đoàn của Hàn Quốc đã tới Lai Châu, đánh giá cao chất lượng sâm Lai Châu, khen ngợi mô hình phát triển và đề nghị hợp tác.

Thạc sỹ Phạm Quang Tuyến cũng cho biết, mặc dù biết sâm Lai Châu có giá trị kinh tế lớn nhưng tỉnh Lai Châu không vội vàng đốt cháy giai đoạn. Thay vào đó, trải qua từng bước một để hướng tới phát triển bài bản và bền vững.

Thạc sỹ Phạm Quang Tuyến nói rằng nếu như ở nơi khác 1 héc ta thu hoạch được 1 tấn thành phẩm, thì tại Lai Châu, với mô hình hiện tại, có thể thu hoạch tới 3 tấn. Lai Châu cũng ban hành tiêu chuẩn để sản lượng đi đôi với chất lượng, nhằm xây dựng thương hiệu sâm Lai Châu có uy tín trên thị trường, hướng tới trở thành “quốc bảo” của Việt Nam.

Những khay ươm cây giống nhằm đảm bảo cho ra những cây sâm Lai Châu chất lượng cao, giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh hay bị ảnh hưởng bởi độc tố bên ngoài.

Mỗi khay được gieo 100 hạt, đạt tỷ lệ sinh trưởng 90-95%.

Một cây sâm bình thường phải mất 5 năm mới có hạt, nhân ra cây giống mới.

Sâm Lai Châu cùng chi với tam thất nhưng có nhiều khác biệt, mặt sau của lá không có lông, củ đen hơn tam thất.

Thạc sỹ Phạm Quang Tuyến và cây sâm Lai Châu phát triển khỏe mạnh, có thể được mang ra trồng ngoài tự nhiên, trên những cánh rừng Lai Châu.

Sâm Lai Châu được kỳ vọng sẽ giúp Lai Châu cũng như đồng bào trong tỉnh có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Mọi bộ phận của Sâm Lai Châu đều có thể dùng làm thuốc. Sâm Lai Châu được các chuyên gia nghiên cứu đánh giá là Sâm quý và giá trị hàng đầu thế giới.

Vườn ươm tại bản Sin Chải nhìn từ trên cao.

Với một vườn ươm như thế này chỉ gieo trồng chưa được nửa hécta. Trong tương lai, tỉnh Lai Châu cần thêm 500 vườn ươm tương tự để phát triển vùng sâm tập trung trên 3 nghìn hécta. Muốn đạt được điều đó, bên cạnh nguồn lực nội tại của tỉnh cần thêm sự chung tay của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thanh Hải - Dương Triều

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/kham-pha-vuon-sam-lai-chau-noi-uom-mam-khat-vong-doi-doi-cua-vung-bien-vien-post1519529.tpo