Khám phá Đại đấu trường Colosseum La Mã, nơi 500.000 đấu sĩ từng bỏ mạng

Đấu trường La Mã ngoài công dụng chính là nơi cho các võ sỹ giác đấu và nô lệ có nguồn gốc tù binh chiến tranh thi đấu thì còn được dùng làm nơi biểu diễn công chúng, tập trận giả trên biển, săn thú, kịch cổ điển...

Trải qua hàng loạt những thăng trầm trong lịch sử, Đế chế La Mã cổ đại ngày nào giờ chỉ còn đọng lại những tàn tích hoang sơ.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một công trình kiến trúc hoành tráng, vững chắc với tên gọi là Đấu trường La Mã - Nơi được xem là “chứng nhân lịch sử” cho sự thịnh vượng của một Đế chế huy hoàng trong quá khứ.

Đại đấu trường La Mã (hay Đại hý trường La Mã) được biết đến đầu tiên dưới cái tên Amphitheatrum Flavium theo tiếng Latinh hoặc Flavio tiếng Ý, sau này gọi là Colosseum hay Colosseo, đây là chứng tích của một đế chế La Mã huy hoàng cổ đại.

Đấu trường La Mã ngoài công dụng chính là nơi cho các võ sỹ giác đấu và nô lệ có nguồn gốc tù binh chiến tranh thi đấu thì còn được dùng làm nơi biểu diễn công chúng, tập trận giả trên biển, săn thú, kịch cổ điển...

Đấu trường Colosseum vẫn được sử dụng gần 500 năm sau với những bằng chứng ghi chép được về trận đấu ở thế kỷ 6 – rất lâu sau khi Đế chế La Mã sụp đổ năm 476.

Người ta ước tính đã có khoảng 1.000.000 động vật và 500.000 người đã chết khi tham gia các hoạt động sinh tử nơi đây.

Các cuộc lễ hội diễn ra tại đấu trường này có thể diễn ra tới 100 ngày liên tục.

Cuộc đấu giữa các đấu sĩ cuối cùng diễn ra vào năm 435 sau công nguyên.

Điều đặc biệt là công dân La Mã không phải mất tiền khi vào Đại đấu trường này, đây được coi là một phương pháp nhằm lấy lòng người dân của giới cầm quyền La Mã.

Chỗ ngồi của đại Đại đấu trường Colosseum được phân theo cấp bậc với chỗ gần nhất là giới cầm quyền và chỗ xa nhất là dành cho phụ nữ.

Hàng ghế đầu tiên được làm bằng đá hoa cương - nơi gần sân khấu nhất để dành cho hoàng đế và các vị Senators. Kế tiếp là 14 hàng ghế làm bằng đá sa thạch dành cho các kỵ sĩ. Các hàng tiếp theo được chia làm ba khu.

Khu dưới dành cho những người giàu có, khu trên cùng dành cho những người nghèo khó. Hạng bét nhất trong đấu trường là ở trên cao và xa sân khấu nhất - khu vực dành cho dành cho phụ nữ với các hàng ghế gỗ.

Sinh mạng các đấu sĩ thua trận ban đầu là do giới cầm quyền La Mã thường là hoàng đế, hoặc các vị quan ... có mặt trên khán đài quyết định, tuy nhiên sau đó quyền quyết định được trao cho dân chúng có mặt trên khán đài.

Các đấu sĩ thường là tù binh, nô lệ, dân nghèo muốn kiếm tiền, tuy nhiên cũng có một số giới quý tộc nhà giàu muốn tìm kiếm vinh quang. Trong cuộc chiến ở đấu trường, phụ nữ được gọi là Gladiatrice, còn nam giới là Gladiator

Đại đấu trường Colosseum được xây dựng tại một khu đất bằng phẳng trên một sàn của thung lũng giữa đồi Caeli, đồi Esquiline và đồi Palatine vào khoảng năm 70 - 80 sau Công Nguyên dưới thời hoàng đế Vespasian.

Thiết kế ban đầu, đấu trường La Mã có tổng chu vi bên ngoài là 545m, chiều cao là 48m, chiều dài 189m, chiều rộng 156m.

Đặc biệt, cần phải dùng tới 100.000 m3 đá hoa cương được giữ với nhau bằng 300 tấn vòng kẹp sắt.

Đặc biệt không kém là mạng lưới đồ sộ của những đường hầm dưới lòng đất - nơi dành cho các đấu sĩ tôi luyện trước khi thi đấu.

Đấu trường La Mã có sức chứa hơn 50.000 người

Xây dựng đấu trường La Mã phải dùng tới hơn 25.000m khối vữa và sỏi để trộn thành một loại bê tông, đồng thời dùng hơn 1 triệu viên gạch kích cỡ khác nhau.

Số tiền dùng để xây đấu trường được lấy từ chiến lợi phẩm trong cuộc chiến với người Do Thái vào năm 66 tới 73, bao gồm khoảng 50.000 cân bạc và vàng đã được thu về từ ngôi đền tại Jerusalem.

Khu vực bên trong được thiết kế có 4 hàng cửa vòm cuốn bằng những trụ đá vuông và có chiều cao 48m được chia làm 3 tầng.

Mỗi hàng cửa vòm có tất cả 80 cửa để khán giả ra vào trong đấu trường. Nhờ đó mà người dân có thể nhanh chóng thoát khỏi đấu trường chỉ trong vài phút.

Một tấm vải bạt khổng lồ che nắng che mưa thường được căng ra bên trên để che chắn và trong các buổi trình diễn đêm cùng với một đèn chùm bằng sắt khổng lồ treo lơ lửng bên trên đấu trường.

Đấu trường đã có những sự thay đổi lớn trong thời kỳ Trung Cổ. Một nhà thờ nhỏ được xây dựng ở bên trong của đấu trường vào cuối thế kỷ VI, và sân đấu thì trở thành một nghĩa trang.

Nhiều khoảng không bên dưới những bậc thang được sử dụng làm chỗ ở hoặc xưởng thủ công, và người ta tiếp tục thuê nhà ở đó cho tới tận thế kỷ XII.

Năm 1349, một trận động đất lớn đã làm sụp đổ toàn bộ phần tường bên ngoài của mặt phía nam.

Qua hơn 2.000 năm, sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, những thay đổi ít nhiều đã được tạo ra và hình thành một đấu trường La Mã - Colosseum như ngày nay.

Đấu trường La Mã ngày nay chỉ giữ được chưa tới 1/3 cấu trúc ban đầu nhưng vẫn thu hút hàng triệu du khách tới thăm mỗi năm.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/kham-pha-dai-dau-truong-colosseum-la-ma-noi-500000-dau-si-tung-bo-mang-post566167.antd