Khai thác trái phép đất san lấp mặt bằng: Kịp thời ngăn chặn, xử lý dứt điểm

Thời gian gần đây, hoạt động khai thác đất san lấp mặt bằng (SLMB) trái phép trên địa bàn tỉnh Bắc Giang diễn biến khá phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Đáng ngại là tình trạng này chưa được xử lý triệt để.

Thất thoát tài nguyên đất

Theo quy định của pháp luật, trước khi tổ chức, cá nhân khai thác đất SLMB vận chuyển ra bên ngoài để thi công công trình cần hoàn thiện hồ sơ xin cấp có thẩm quyền cấp phép. Đồng thời căn cứ theo khối lượng đất sẽ khai thác, doanh nghiệp, cá nhân được cấp phép thực hiện nghiêm nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước là nộp tiền thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Quy định là vậy nhưng gần đây, một số cá nhân ngang nhiên huy động nhiều xe tải, máy xúc đất cỡ lớn múc đồi vườn, vận chuyển đi bán để trục lợi. Nhiều trường hợp đánh cắp tài nguyên đất vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ để trốn tránh lực lượng chức năng kiểm tra.

Khu vực khai thác đất trái phép tại thôn Cẩy, xã Hương Sơn (Lạng Giang).

Ngày 29/3 vừa qua, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) phối hợp với Công an huyện Lục Ngạn bắt quả tang trường hợp khai thác đất SLMT trái phép tại thôn Biềng, xã Nam Dương. Tại thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Quang Bình ở thôn Từ Xuyên, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) sử dụng máy xúc múc 7m3 đất lên xe ô tô BKS 99C-093.61 do ông Phạm Quang Huy, trú tại thôn Thủ Dương, xã Nam Dương điều khiển nhưng không có giấy phép khai thác khoáng sản.

Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng phát hiện trên sông Lục Nam qua xã Mỹ An (cùng huyện Lục Ngạn) cách khu vực khai thác đất không xa có 2 tàu thủy đang dừng đỗ, trên tàu đều có vài trăm m3 đất nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Lực lượng chức năng lập biên bản, sự việc đang được xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng trong tháng 3 vừa qua, theo phản ánh của người dân, tại thôn Kim Xa, xã Cẩm Lý (Lục Nam) xảy ra tình trạng khai thác đất SLMB trái phép trên diện tích khá rộng. Tuy nhiên, qua trao đổi với đại diện lãnh đạo UBND xã Cẩm Lý, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Lục Nam được biết, tại thôn Kim Xa không có bất cứ tổ chức, cá nhân nào được cấp phép khai thác đất.

Việc khai thác, vận chuyển đất tại khu vực trên từng diễn ra trong tháng 1/2021, huyện đã xử phạt cá nhân vi phạm nhưng đến tháng 3 năm nay lại tái diễn. Tình trạng khai thác đất SLMB trái phép còn xảy ra tại thôn Cẩy, xã Hương Sơn (Lạng Giang). Đêm 25/3 vừa qua, lực lượng chức năng phát hiện tại thửa đất của gia đình ông Đặng Văn Đông có máy xúc đang xúc đất lên xe ô tô tô BKS 98 C-155.66, trên xe có khoảng 8 m3 đất. Lực lượng chức năng đã lập biên bản đối với cá nhân vi phạm.

Quản chặt, tránh tái diễn

Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng và nguồn tin của phóng viên, những tháng đầu năm nay, có hàng chục trường hợp khai thác đất SLMB trái phép tại các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế… Nhiều diện tích vườn đồi đã bị san phẳng từ hoạt động này. Hậu quả là tài nguyên đất bị thất thoát, ngân sách bị thất thu, phá vỡ cảnh quan, ô nhiễm môi trường. Đó là chưa kể tại một số khu vực khai thác đất trái phép không tuân thủ việc cắt tầng, nguy cơ sạt lở đất, đe dọa tính mạng người dân sinh sống ở khu vực xung quanh.

UBND huyện Lục Nam yêu cầu người đứng đầu các xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tái diễn mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm.

Được biết, tình trạng khai thác đất SLMB trái phép đã diễn ra nhiều năm trước, đến nay tuy giảm song vẫn diễn biến khá phức tạp. Thực tế, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều dự án trọng điểm đang được triển khai, cần lượng lớn đất SLMB.

Tranh thủ cơ hội này, nhiều trường hợp vì lợi nhuận bất chính ngang nhiên đánh cắp tài nguyên, vi phạm pháp luật. Nhiều ý kiến còn cho rằng tại một số địa phương để hoạt động khai thác đất trái phép kéo dài, thậm chí xử phạt xong lại tái diễn là do chính quyền cấp xã, cơ quan chức năng các huyện chưa làm tròn trách nhiệm quản lý. Thậm chí có nơi có biểu hiện làm ngơ, biết mà không xử lý hoặc có xử phạt song buông lỏng khâu hậu kiểm dẫn đến tái diễn vi phạm.

Lý giải về việc chậm phát hiện vi phạm ở xã Cẩm Lý, ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã cho rằng khu vực khai thác đất nằm xa trung tâm xã, nơi hẻo lánh nên khó phát hiện. Lý do này không chính đáng vì hoạt động khai thác đất diễn ra tại thôn Kim Xa khá rầm rộ. Mỗi ngày tại khu vực này còn có hàng chục lượt xe ô tô ra vào vận chuyển đất thì không thể có chuyện chính quyền địa phương không nắm bắt được.

Đó còn chưa kể theo quy chế phối hợp trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh ban hành vào tháng 8 năm ngoái thì các cơ quan liên quan là Sở TN&MT, Công an, UBND cấp huyện đều được giao nhiệm vụ cụ thể trong quản lý hoạt động khoáng sản. Do đó để xảy ra tình trạng đánh cắp tài nguyên đất thì có một phần trách nhiệm của các bên liên quan.

Để chấn chỉnh hoạt động khai thác đất SLMB trái phép, ông Ngô Văn Xuyên, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, tới đây Sở tăng cường cử cán bộ kiểm tra tại các huyện, đề nghị xử lý kịp thời vi phạm. Đối với các trường hợp khai thác đất trái phép ở Lục Nam, Sở đã có văn bản đề nghị UBND huyện báo cáo sự việc, xử lý nghiêm hành vi vi phạm và kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND các xã để xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép kéo dài. Công an tỉnh đang tập trung cao kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, xem xét tịch thu phương tiện sử dụng trong hoạt động khai thác đất trái phép.

Cùng đó, nhiều ý kiến đề nghị các huyện sau khi kiểm tra, xử phạt vi phạm cần đo đạc diện tích đã khai thác trái phép, tính toán khối lượng đất bị đánh cắp để truy thu thuế, phí tài nguyên, tiền cấp quyền khoáng sản. Theo ông Hoàng Văn Toán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam, trước những vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, huyện đang chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định.

UBND huyện đã ban hành công văn chỉ đạo các xã tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm trong khai thác khoáng sản trái phép. Huyện yêu cầu người đứng đầu chính quyền các xã: Chu Điện, Tam Dị, Cẩm Lý... chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tái diễn mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm, gây thất thu thuế và ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.

Bài, ảnh: Minh Linh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/356468/khai-thac-trai-phep-dat-san-lap-mat-bang-kip-thoi-ngan-chan-xu-ly-dut-diem.html