Khả năng quyết định năng lực cạnh tranh của quốc gia

Chính sách về thu hút nhân tài đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành khả năng của một quốc gia trong việc thu hút và giữ chân lao động có tay nghề từ khắp nơi trên thế giới. Những chính sách này có thể có tác động đáng kể đến năng lực cạnh tranh kinh tế, sự đổi mới và đa dạng của lực lượng lao động của một quốc gia...

Thu hút thông qua chính sách nhập cư và thị thực

Nhiều quốc gia đưa ra các loại thị thực hoặc lộ trình nhập cư thuận lợi dành cho người lao động có tay nghề. Những thị thực này thường yêu cầu các cá nhân phải đáp ứng một số tiêu chí nhất định, bao gồm trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc và trong một số trường hợp là sự tài trợ từ người sử dụng lao động. Chúng thường được cấp cho các cá nhân nhận được lời mời làm việc từ các nhà tuyển dụng địa phương. Các yêu cầu đối với các loại thị thực trên khác nhau nhưng thường liên quan đến việc chứng minh rằng người sử dụng lao động không thể tìm được ứng viên địa phương phù hợp cho vị trí việc làm. Một số quốc gia như Canada và Australia, sử dụng hệ thống nhập cư dựa trên điểm để đánh giá và lựa chọn những người nhập cư có tay nghề cao. Điểm được trao dựa trên các yếu tố như tuổi tác, trình độ học vấn, trình độ ngôn ngữ, kinh nghiệm làm việc, khả năng thích ứng và lời mời làm việc. Hệ thống Express Entry của Canada và SkillSelect của Australia là các ví dụ điển hình.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Thông thường, pháp luật về thu hút nhân tài thường tính đến nhu cầu thị trường lao động của một quốc gia. Chính phủ có thể xác định các ngành hoặc ngành nghề cụ thể đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt và ưu tiên các chính sách nhập cư để giải quyết những khoảng trống đó. Nói chung, các quốc gia thường có lộ trình cho cả cư trú tạm thời và thường trú. Những người lao động có tay nghề ban đầu có thể nhập cảnh bằng thị thực làm việc tạm thời (ví dụ H-1B của Mỹ), cho phép họ làm việc cho một chủ lao động cụ thể trong thời gian giới hạn, rồi sau đó chuyển sang thường trú hay nộp đơn xin quốc tịch nếu họ đáp ứng các tiêu chí nhất định. Nhiều nước cho phép người nhập cư có tay nghề bảo lãnh cho các thành viên gia đình của họ nhập cư, thúc đẩy đoàn tụ gia đình. Điều này có thể mở rộng cho anh, chị, em, cha mẹ và thậm chí cả ông, bà ở một số quốc gia. Đây có thể là yếu tố quan trọng để thu hút nhân tài.

Các quốc gia khác, chẳng hạn như Canada và Hà Lan, có chương trình thị thực đặc biệt để thu hút các doanh nhân và nhà đầu tư có thể đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và đổi mới. Các chương trình này thường yêu cầu các cá nhân phải đầu tư đáng kể hoặc bắt đầu kinh doanh ở nước sở tại, chủ yếu nhằm mục đích kích thích tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, nhiều nước đặt mục tiêu hợp lý hóa quy trình nhập cư cho những nhân tài có tay nghề cao hoặc chuyên môn, giúp các công ty dễ dàng tuyển dụng các chuyên gia trong các lĩnh vực như công nghệ hoặc học thuật. Thông thường, quy trình này thường ưu tiên xử lý các hồ sơ ứng tuyển dành cho những nhân tài được săn đón nhiều.

Mặc dù thành thạo ngôn ngữ của nước sở tại thường là yêu cầu đối với người nhập cư có tay nghề nhằm bảo đảm hội nhập hiệu quả vào cộng đồng địa phương và lực lượng lao động. Tuy nhiên, một số quốc gia có thể có các chương trình miễn trừ hoặc đào tạo ngôn ngữ cho những ứng viên chưa đáp ứng tiêu chí về ngôn ngữ. Mặt khác, nhiều nước lại tích cực thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập trong các chính sách thu hút nhân tài của mình bằng cách đưa ra những cân nhắc hoặc chương trình đặc biệt dành cho các nhóm thiểu số. Những nỗ lực nhằm thúc đẩy sự đa dạng và tạo ra môi trường hòa nhập có thể khiến một nơi trở nên hấp dẫn hơn đối với nhiều nhân tài.

Làm sao để giữ chân người tài?

Chính phủ và các tổ chức thường đầu tư vào các chương trình giáo dục và phát triển lực lượng lao động để nuôi dưỡng và giữ chân nhân tài địa phương. Điều này bao gồm các sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tăng khả năng tiếp cận giáo dục đại học và thúc đẩy đào tạo nghề.

Thu hút nhân tài không chỉ là cơ hội việc làm mà còn là mang lại chất lượng cuộc sống cao. Các yếu tố như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giao thông công cộng, an toàn và tiện nghi văn hóa đóng vai trò thu hút và giữ chân nhân tài. Các thành phố và khu vực đầu tư vào phát triển đô thị và tạo ra những cộng đồng sôi động, đáng sống thường thành công hơn trong việc thu hút và giữ chân nhân tài.

Môi trường kinh doanh thuận lợi là yếu tố quan trọng để thu hút doanh nhân và nhà đầu tư. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, giảm quan liêu và đưa ra các khuyến khích tài chính có thể thu hút nhân tài dưới hình thức khởi nghiệp và kinh doanh mạo hiểm.

Ngoài ra, nhiều khu vực tích cực thúc đẩy mạng lưới và hợp tác giữa các nhân tài. Điều này bao gồm việc thúc đẩy các trung tâm đổi mới, không gian làm việc chung và các cụm ngành nơi các chuyên gia có thể kết nối và cộng tác. Một số thành phố và khu vực tích cực quảng cáo mình là điểm đến hấp dẫn nhân tài. Họ phát triển các chiến dịch xây dựng thương hiệu nhằm làm nổi bật thế mạnh và nét độc đáo của họ. Một số chính phủ còn đưa ra các biện pháp khuyến khích tài chính để thu hút nhân tài, chẳng hạn như giảm thuế hoặc trợ cấp tái định cư cho những người lao động có tay nghề, doanh nhân và nhà đầu tư. Các quốc gia có thể tham gia hợp tác quốc tế để thu hút nhân tài toàn cầu. Ví dụ, các sáng kiến như Thẻ xanh châu Âu nhằm mục đích giúp các công dân ngoài EU có tay nghề cao làm việc và sinh sống ở châu Âu dễ dàng hơn.

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/kha-nang-quyet-dinh-nang-luc-canh-tranh-cua-quoc-gia-i345073/