Kể lại chiến công của người lính bằng ngôn ngữ xiếc

Những chiến công, những câu chuyện, chân dung người lính được kể bằng ngôn ngữ xiếc đã thổi một làn gió mới, sinh động lên sân khấu, tạo thành thương hiệu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, mang lại cảm xúc và ý nghĩa sâu sắc cho đông đảo khán giả.

Viết tiếp trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc

NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, việc tôn vinh hình ảnh người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là trách nhiệm của người làm sân khấu nghệ thuật, viết tiếp trang sử hào hùng, vẻ vang của thế hệ cha ông.

Nhiều năm nay, Liên đoàn Xiếc đã xây dựng nhiều chương trình “Đi cùng năm tháng” với các chủ đề: “Sống mãi với Điện Biên”; “Ký ức Trường Sơn”; “Biển đảo là quê hương”; “Vùng trời bình yên”...

Giá trị nghệ thuật và tính hấp dẫn của chương trình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của công chúng và hơn thế, còn thu hút được sự tham gia ủng hộ, đóng góp của nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp để trao tặng các phần quà tới các cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng, các thương, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam…

Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong chương trình “Sống mãi với Điện Biên”.

“Thông qua ngôn ngữ xiếc, thế hệ trẻ sẽ cảm nhận sâu sắc tinh thần hy sinh, chấp nhận gian khổ của cha anh qua các hình tượng nhân vật anh bộ đội, cô gái xung phong, chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển sống động trên sân khấu”, NSND Tống Toàn Thắng nhấn mạnh.

Trong số những chương trình có thể kể đến hoạt cảnh “Cúc ơi!” tưởng nhớ 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, đã được trao giải Xuất sắc tại Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật Sân khấu toàn quốc năm 2023.

Hoạt cảnh được dàn dựng khéo léo, sôi động qua tiết tấu âm nhạc hào hùng và sự xuất hiện của những nữ nghệ sĩ xiếc trong trang phục bộ đội, thực hiện các động tác kỹ thuật xiếc điêu luyện như dùng những cây tre múa, xếp hình; Các cô gái đi thăng bằng trên chiếc cầu bắc qua suối, trổ tài nhào lộn, uốn dẻo, đu dây, sức mạnh đôi tay...

Hình ảnh xúc động nhất chính là khoảnh khắc tái hiện sự hy sinh của 10 cô gái bằng tiết mục đu lụa trên cao, từng người bay lên bằng những dải lụa, tạo nên ấn tượng và xúc cảm mạnh mẽ trong lòng khán giả.

Hay như hoạt cảnh “Lê Anh Nuôi” được xây dựng với sự tham gia của các diễn viên “đặc biệt” dê và lợn. Cùng với các chiến sĩ anh nuôi, tiếp phẩm, sự xuất hiện của những con vật gần gũi, thân thuộc được huấn luyện trở thành những diễn viên xiếc tài năng, mang tới tiếng cười thú vị cho khán giả.

Hoạt cảnh “Vết chân tròn trên cát” thể hiện hình tượng người lính Cụ Hồ với tinh thần “tàn mà không phế”. Anh thương binh đi một chân nhưng trổ tài dạy xiếc cho các em với các thể loại tiết mục như tung hứng, đi xe đạp một bánh...

Trong số đó không thể không kể đến “Nơi đảo xa” với hình ảnh người chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển luôn kiên cường chắc tay súng bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc...

Chiếc cột - đạo cụ biểu diễn xiếc được hình tượng hóa như những chiếc cột buồm. Các động tác thể hiện sức mạnh và khéo léo được các chiến sĩ trổ tài thi đấu, thông qua các kỹ năng và kỹ thuật xiếc tạo cho người xem sự ngạc nhiên, thán phục trước tài nghệ của các chiến sĩ hải quân…

NSND Tống Toàn Thắng biểu diễn trong chương trình “Đi cùng năm tháng”.

Biến sân khấu xiếc thành sa bàn lớn toàn cảnh về chiến thắng Điện Biên

NSND Tống Toàn Thắng cho biết, dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chương trình nghệ thuật “Sống mãi với Điện Biên” năm nay sẽ tiếp tục được dàn dựng và ra mắt công chúng vào ngày 4/5.

Chương trình được đầu tư lớn, tái hiện hoạt cảnh về chiến thắng chấn động địa cầu bằng ngôn ngữ xiếc và âm nhạc.

Theo đó, những nghệ sĩ xiếc sẽ dàn dựng sân khấu thành một sa bàn lớn, toàn cảnh về chiến thắng Điện Biên cùng các hoạt cảnh về trận chiến cam go và hào hùng của các chiến sĩ Điện Biên bên cạnh các tiết mục biểu diễn đặc sắc của các tài năng nghệ thuật xiếc.

“Sống mãi với Điện Biên” được kết hợp giữa nghệ thuật xiếc, âm nhạc, hình tượng nhân vật, đặc biệt có sự kết hợp của dàn hợp xướng, các ca sĩ thể hiện qua từng lời ca sẽ minh họa rõ hơn và đem đến cảm xúc dâng trào khi thưởng thức chương trình.

“Từ kịch bản đến khâu dàn dựng được chuẩn bị kỹ lưỡng, tạo thành những điểm nhấn trong chương trình. Khán giả sẽ được tương tác với không gian 3 chiều cùng các nghệ sĩ trong vai các anh bộ đội Điên Biên.

Từ trên vị trí của khán giả nhìn xuống như một thung lũng thu nhỏ, các hoạt cảnh sẽ tái hiện lại những trận chiến cam go và hào hùng của các chiến sĩ Điện Biên qua: “Hò kéo pháo”; “Qua miền Tây Bắc”; “Giải phóng Điện Biên”; “Trên đồi Him Lam”; “Hành Quân xa”; “Bộ đội về làng”; “Bế Văn Đàn sống mãi”… với các loại hình xiếc độc đáo cùng các ca sĩ, tốp ca, nghệ sĩ múa”, NSND Tống Toàn Thắng cho biết.

Khẳng định thành công qua “Sống mãi với Điện Biên” - thương hiệu nổi tiếng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng cho biết, các nghệ sĩ sẽ đem đến cho khán giả một chương trình mang ý nghĩa lịch sử, đặc biệt giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi dậy lòng yêu nước trong nghệ sĩ trẻ và khán giả.

Thành công của chúng tôi chính là khi khán giả đón nhận một cách sòng phẳng trên sân khấu, minh chứng cho sự đầu tư bài bản, từ kết hợp hài hòa giữa âm nhạc, sân khấu, phong cách trình diễn cũng như chất liệu của xiếc đã được chuyển hóa thành ngôn ngữ của nghệ thuật, chạm đến trái tim khán giả.

Năm 2023, khi tham dự chương trình “Sống mãi với Điện Biên”, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (SN 1922), nhân chứng lịch sử đã bày tỏ niềm vui và tự hào, vui vì không ngờ có nhiều thế hệ, đặc biệt là các bạn trẻ đến xem một chương trình về đề tài lịch sử như vậy và mừng vì cuối cùng đã có người mang những người lính năm xưa ra ánh sáng...”, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ.

Minh Vũ

Báo Lao động Xã hội
Kỷ niệm 49 năm Ngày 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/ke-lai-chien-cong-cua-nguoi-linh-bang-ngon-ngu-xiec-20240430105700125.htm