Kế hoạch kinh doanh ảm đạm của chuỗi nhà sách Fahasa

Công ty Cổ phần Phát hành sách TP. HCM – Fahasa vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mục tiêu doanh thu, lợi nhuận khiêm tốn trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Fahasa năm nay đặt mục tiêu thu về 2.600 tỷ đồng, thấp hơn 30% so với kết quả doanh thu 3.700 tỷ đồng năm 2019. Đây là doanh số thấp nhất của chuỗi nhà sách này tính từ năm 2016.

Đặc biệt, Fahasa chỉ đề ra chỉ tiêu lợi nhuận 3 tỷ đồng. Con số này bằng 10% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất trong nhiều năm qua của chuỗi nhà sách này. Doanh nghiệp dự kiến cũng không chia cổ tức. Năm 2019, tỷ lệ cổ tức của Fahasa là 14%.

Fahasa cho biết dịch bệnh Covid-19 khiến các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, hoạt động suy giảm nặng nề và khó dự đoán thời gian hồi phục.

Công ty phải triển khai nhiều giải pháp ứng phó để tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh, tiết kiệm chi phí, thực hiện các công tác chuyên môn nghiệp vụ, bảo đảm việc làm và hỗ trợ đời sống người lao động.

Fahasa cho biết trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát kết thúc sớm trong 6 tháng đầu năm và thị trường phục hồi tốt trong 6 tháng cuối năm, HĐQT công ty sẽ xem xét điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và cổ tức năm 2020 theo hướng tích cực.

Trước đó, trong năm 2019, Fahasa đạt doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục nhờ phát triển mạng lưới, tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí hoạt động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả.

Công ty cho biết trong năm qua đã đầu tư lớn về nguồn lực để tổ chức các nhà sách có quy mô lớn, hiện đại với nhận diện hình ảnh mới, hàng hóa mới, ứng dụng công nghệ hình thành nhà sách thông minh.

Ngoài ra, Fahasa tiếp tục mở rộng ra thị trường quốc tế. Tháng 11/2019, gian hàng sách Việt Nam của Fahasa khai trương tại nhà sách Kyobo – Seoul. Các gian hàng sách Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc được công ty đánh giá hoạt động khá thành công.

Ngoài ra, chuỗi nhà sách này cũng tiếp tục đầu tư mạnh cho kênh thương mại điện tử. Kênh bán hàng trực tuyến của Fahasa sau 3 năm hoạt động đã tăng trưởng doanh thu cao và được dự báo ngày càng phát triển, chiếm vai trò quan trọng hơn trong hoạt động chung của doanh nghiệp.

Trong cơ cấu sở hữu của Fahasa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phạm Minh Thuận là cổ đông lớn nhất với 37,8% cổ phần. Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn quản lý 30,5% vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Chuỗi nhà sách này còn một cổ đông lớn là Phó chủ tịch Lê Thị Thu Huyền sở hữu 5,1% cổ phần.

Việt Đức

Theo Zing

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ke-hoach-kinh-doanh-am-dam-cua-chuoi-nha-sach-fahasa-20180504224237858.htm