Iran lại phóng vệ tinh, Mỹ đứng ngồi không yên

Iran hôm 9-2 cho biết, nước này thành công trong việc phóng một vệ tinh vào không gian nhưng tên lửa đẩy đã không đạt được tốc độ cần thiết để đưa nó lên quỹ đạo. Đây là cú đánh mạnh vào chương trình không gian của nước Cộng hòa Hồi giáo vốn bị Mỹ cáo buộc là nhằm che đậy việc phát triển tên lửa đạn đạo.

Iran hôm 9-2 cho biết, nước này thành công trong việc phóng một vệ tinh vào không gian nhưng tên lửa đẩy đã không đạt được tốc độ cần thiết để đưa nó lên quỹ đạo. Đây là cú đánh mạnh vào chương trình không gian của nước Cộng hòa Hồi giáo vốn bị Mỹ cáo buộc là nhằm che đậy việc phát triển tên lửa đạn đạo.

Tên lửa Raad-500, một tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới của IRGC, được Iran công bố hôm 9-2. ẢNH: AFP

Vụ phóng tên lửa nhằm đưa vệ tinh viễn thông Zafar vào quỹ đạo được Iran thực hiện tại cơ sở vũ trụ Imam Khomeini tại tỉnh Semnan, cách thủ đô Tehran 230km về phía Đông Nam.

Vụ phóng được lên kế hoạch trong bối cảnh Iran chuẩn bị kỷ niệm 41 năm Cuộc cách mạng Hồi giáo 1979 và đây là dịp mà Tehran thường công bố các thành tựu về công nghệ, chương trình vũ trụ và hạt nhân của mình. Cơ quan Vũ trụ Iran (ISA) cho biết quốc vệ tinh Zafar, được sản xuất nội địa, được phóng bằng tên lửa đẩy Simorgh (Phoenix), nhưng sau đó tên lửa này đã không đạt được vận tốc cần thiết để đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Iran Ahmad Hosseini cho biết, ban đầu mà vệ tinh đã “thành công” và đi được “90% quãng đường”, đạt độ cao 540km. “Tên lửa Simorgh đã đẩy thành công vệ tinh Zafar vào vũ trụ. Thật không may, trong những giây phút cuối cùng, tên lửa không đạt được tốc độ cần thiết để đưa nó lên quỹ đạo”, ông Hosseini thông báo.

Tuy nhiên, ông khẳng định: “Chúng tôi đạt được hầu hết các mục tiêu mà chúng tôi có và dữ liệu đã được thu thập, và trong tương lai gần, bằng cách phân tích dữ liệu, chúng tôi sẽ thực hiện các bước tiếp theo”. Bộ trưởng Viễn thông Iran Mohammad Javad Azari Jahromi cũng thừa nhận, vụ phóng đã thất bại trong một bài đăng trên Twitter ngay sau đó: “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không ngừng lại! Chúng tôi sẽ có thêm nhiều vệ tinh Iran vĩ đại sắp tới!”.

“Thế hệ mới”

Iran cũng đã tiết lộ, một tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới và các động cơ thế hệ mới được thiết kế để đưa vệ tinh vào không gian.

Trang mạng của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết, tên lửa Raad-500 được trang bị động cơ Zoheir mới làm bằng vật liệu composite giúp chúng nhẹ hơn các mẫu tên lửa bằng thép trước đây. Các động cơ Salman của loại tên lửa này được làm bằng các vật liệu tương tự nhưng có “một vòi phun có thể di chuyển được” nhằm đưa các vệ tinh vào không gian, cho phép “khả năng cơ động vượt ra ngoài bầu khí quyển”.

Hồi tháng 1-2019, Tehran thông báo rằng, vệ tinh Payam của nước này đã không đạt được quỹ đạo, sau khi các nhà chức trách cho biết họ đã phóng nó để thu thập dữ liệu về môi trường ở Iran.

Mỹ sẽ làm gì?

Bất chấp vụ phóng vệ tinh Zafar cuối tuần qua thất bại, phía Mỹ vẫn lên án hành động này của Iran. Mỹ cáo buộc những vụ phóng vệ tinh của Tehran vi phạm nghị quyết của HĐBA LHQ cấm Iran thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến tên lửa đạn đạo được thiết kế với khả năng mang vũ khí hạt nhân. Washington cho rằng, Tehran có thể sử dụng tên lửa đẩy mang đầu đạn hạt nhân và toàn bộ dự án thực chất che đậy cho một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa.

Iran thẳng thừng bác bỏ cáo buộc dùng tên lửa đẩy cho mục đích quân sự. Giới chức nước này cho hay, sứ mệnh của vệ tinh Zafar là chụp ảnh trên mặt đất và thu thập dữ liệu cần thiết phục vụ nghiên cứu động đất cũng như ứng phó với các thiên tai khác. Tehran từ lâu đã phủ nhận việc theo đuổi mục tiêu chế tạo các vũ khí hạt nhân và nói việc sử dụng chúng là phản Hồi giáo. Chính phủ Iran cũng khẳng định, các cơ sở hạt nhân của họ đang nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Tuy nhiên, Mỹ và Israel từ chối rút lại các cáo buộc nhằm vào Iran. Thay vào đó, năm 2018, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế JCPOA đã ký với Iran từ năm 2015, đồng thời tái đặt các biện pháp trừng phạt bóp nghẹt nền kinh tế nước này. Đáp trả, Tehran dừng tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận, gần 2 năm sau khi ông Trump lần đầu tiên lên tiếng hoài nghi về sự tồn tại của JCPOA.

Vụ phóng vệ tinh của Iran hôm 9-2 diễn ra vào thời điểm căng thẳng đang gia tăng giữa Tehran và Washington, sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ hôm 3-1 đã giết chết tướng quân hàng đầu của Iran Qasem Soleimani ở Baghdad. Iran đã trả đũa những ngày sau đó bằng cách bắn tên lửa vào quân đội Mỹ đóng tại Iraq. Các lực lượng phòng thủ của nước này đã được chuẩn bị để trả đũa Mỹ khi họ vô tình bắn hạ máy bay của Ukraine chỉ vài phút sau khi máy bay cất cánh từ Tehran vào ngày 8-1.

Chương trình vũ trụ của Iran khiến nhiều quốc gia phương Tây lo ngại vì công nghệ được sử dụng trong tên lửa vũ trụ cũng có thể được sử dụng trong tên lửa đạn đạo. Pháp hôm 10-2 cũng lên án việc Iran phóng vệ tinh Zafar lên vũ trụ, đồng thời kêu gọi Tehran tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế về chương trình tên lửa đạn đạo gây tranh cãi của nước này.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_220122_iran-lai-phong-ve-tinh-my-dung-ngoi-khong-yen.aspx