Mỹ chật vật tìm nguồn cung tên lửa Patriot cho Ukraine

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Washington đang nỗ lực để đáp ứng các yêu cầu về vũ khí phòng không cho Ukraine, trong có việc cung cấp tên lửa Patriot.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói nước này đang làm mọi cách có thể để cung cấp các hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine. Trong khi Kiev yêu cầu ít nhất hai hệ thống Patriot trong thời gian tới để bảo vệ riêng Kharkov.

Tuy nhiên phía Mỹ chỉ có thể cung cấp cho Ukraine tối đa một hệ thống Patriot và phương án này vẫn đang trong giai đoạn xem xét.

“Chúng tôi đang tập trung nguồn lực vào việc chuyển giao Patriot và các hệ thống phòng không khác cho Ukraine”, ông Blinken nói trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba ở Kiev.

Hệ thống phòng không Patriot của quân đội Đức được triển khai tại sân bay Vilnius ở Litva trong một cuộc diễn tập phòng không của NATO. (Ảnh: Petras Malukas)

Hệ thống phòng không Patriot của quân đội Đức được triển khai tại sân bay Vilnius ở Litva trong một cuộc diễn tập phòng không của NATO. (Ảnh: Petras Malukas)

Cũng theo Ngoại trưởng Blinken, mặt trận Kharkov là một trong những ưu tiên cấp bách hiện tại, đồng thời nhấn mạnh rằng mọi kế hoạch tăng cường viện trợ cho Ukraine đang được thực hiện một cách khẩn trương.

Kharkov là thành phố lớn thứ hai của Ukraine và là phủ thủ của tỉnh Kharkov ở phía đông Ukraine. Kể từ ngày 10/5, quân đội Nga đã mở một chiến dịch quân sự mới ở khu vực này sau khi rút khỏi Kharkov vào tháng 9/2022.

Tính đến sáng 15/5, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã giành được quyền kiểm soát Glubokoye và Lukyantsy, hai ngôi làng gần biên giới Ukraine-Nga.

Trước tình hình chiến sự ở Kharkov, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 14/5 đã đề nghị phía Mỹ viện trợ khẩn cấp hai hệ thống phòng không Patriot.

Kể từ đầu cuộc xung đột, Mỹ đã viện trợ cho Ukraine một khẩu đội Patriot, còn Đức và Hà Lan đã chuyển giao cho Kiev một khẩu đội Patriot vào năm ngoái. Tuy nhiên tính đến năm 2023, quân đội Ukraine chỉ còn vận hành một khẩu đội Patriot, số còn lại bị hư hại hoặc phá hủy trong các cuộc tấn công của tên lửa siêu thanh Nga.

Mỗi khẩu đội Patriot có chi phí khoảng 1 tỷ USD, bao gồm một trạm radar, trạm điều khiển và các bệ phóng tên lửa di động xe tải cùng nhiều phương tiện hỗ trợ khác. Mặc dù gói viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ USD vừa được Quốc hội Mỹ thông qua có thể chi trả cho một số hệ thống tên lửa này nhưng Mỹ và các nước đồng minh hiện không sẵn có các khí tài dư thừa để chuyển đến Ukraine.

Theo số liệu do Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ tổng hợp năm ngoái, Mỹ có khoảng 60 khẩu đội Patriot đang hoạt động. Theo Raytheon, công ty cùng sản xuất hệ thống này với Lockheed Martin và đến 18 quốc gia khác vận hành Patriot, có khoảng 250 khẩu đội đang hoạt động trên khắp thế giới.

Tổng thống Zelensky trong một tuyên bố vào tháng trước rằng Ukraine sẽ cần 25 khẩu đội Patriot, mỗi khẩu đội có từ sáu đến tám bệ phóng. Tuy nhiên ông Zelensky sau đó sửa đổi con số này xuống còn “ít nhất là 7 hệ thống”.

Bình luận về vấn đề này, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định Washington sẽ không thực hiện bất cứ thỏa thuận nào có thể dẫn đến sự suy yếu an ninh của chính nước này.

Về phía Nga, nước này đã nhiều lần lập luận rằng không một hệ thống vũ khí nào của phương Tây có thể thay đổi kết quả cuộc xung đột Ukraine. Thay vào đó, điện Kremlin cảnh báo những vũ khí này sẽ chỉ kéo dài tình trạng đổ máu và làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.

Trà Khánh (Nguồn: russian.rt.com)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/my-chat-vat-tim-nguon-cung-ten-lua-patriot-cho-ukraine-ar871437.html