Hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng nanoxenlulo

Đại học Bách Khoa Hà Nội và Công ty CelluFAB đã hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất và ứng dụng nanoxenlulo.

Một doanh nghiệp của Hàn Quốc là CelluFAB Co.Ltd, có trụ sở tại thành phố Chuncheon, tỉnh Gangwon, hoạt động trong lĩnh vực phát triển công nghệ sản xuất và ứng dụng các sản phẩm sinh học để giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu, đã bắt đầu triển khai các hoạt động hợp tác tại Việt Nam trong năm 2023.

Lễ ký Biên bản ghi nhớ và Thỏa thuận Hợp tác giữa Đại học Bách khoa Hà Nội và Công ty CelluFAB thông qua Dự án do KOICA tài trợ

Một trong những định hướng hợp tác là thông qua các dự án về phát triển công nghệ và sản xuất, ứng dụng các sản phẩm nguồn gốc tự nhiên, tận dụng và tái chế chất thải của các quá trình sản xuất, nhằm khai thác các tiềm năng hiện có của Việt Nam, phục vụ nhu cầu xã hội và công nghiệp hiện đại, trong khuôn khổ Chương trình Đổi mới công nghệ của Chính phủ Hàn Quốc, nhằm giải quyết các vấn đề xã hội ở các quốc gia tiếp nhận hỗ trợ, thông qua áp dụng công nghệ tân tiến được tạo ra bởi các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Khởi đầu là sự hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội bằng ký kết các Biên bản ghi nhớ và Thỏa thuận hợp tác giữa các bên từ đầu năm 2023 về hoàn thiện công nghệ sản xuất nanoxenlulo từ bã mía và ứng dụng làm phụ gia bê tông đúc, do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ.

Cũng trong năm 2023, một loạt các hoạt động giữa các bên đã được triển khai, như trao đổi các các đoàn công tác Việt Nam - Hàn Quốc, tổ chức hội thảo trao đổi học thuật và giới thiệu công nghệ, thành lập Phòng thí nghiệm chung “CH Nanocellulose R&D Lab” tại Trường Hóa và Khoa học sự sống, một Trường thành viên của Đại học Bách khoa Hà Nội, tài trợ thiết bị nghiên cứu cho Phòng thí nghiệm và triển khai thử nghiệm sản phẩm nanoxenlulo tại Hàn Quốc. Dự kiến từ năm 2024 sẽ xây dựng dây chuyền sản xuất thử nghiệm nanoxenlulo tại Việt Nam.

Khí nhà kính chủ yếu bao gồm CO2, CH4; NOx, O, các khí CFC, khi kết hợp với hơi nước là dạng khí có khả năng hấp thụ các bức xạ hồng ngoại trong dải bước sóng của Trái Đất gây ra, được phản xạ từ bề mặt Trái đất khi được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời, rồi phân tán nhiệt lại cho Trái Đất và gây nên hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiệt độ, vi khí hậu của Trái đất, là một trong những nguyên nhân gây ra sự biến đổi và ô nhiễm môi trường toàn cầu.

Vì vậy, để cùng chung tay bảo vệ môi trường, thông qua thực hiện những cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, sự hợp tác toàn diện và hỗ trợ kịp thời của các nước phát triển đối với các nước đang phát triển là thiết thực, hướng tới những mục tiêu chung.

Bà Choi Je Yoon - Phó Giám đốc KOICA phát biểu tại Lễ bàn giao thiết bị tài trợ cho phòng thí nghiệm "CH Nanocellulose R&D" tại Đại học Bách khoa Hà Nội

Giảm phát thải khí nhà kính thông qua ứng dụng nanoxenlulo hay các sản phẩm khác từ sinh khối có thể mang lại nhiều điều thú vị và hiệu quả to lớn trong tương lai. Chẳng hạn, các kết quả bước đầu ứng dụng thử nghiệm nanoxenlulo chế tạo từ bã mía làm phụ gia bê tông bền tại Công ty sản xuất bê tông khối lớn nhất Hàn Quốc, là Daechang Co.Ltd cho thấy, nanoxenlulo tăng được độ bền của bê tông lên 10-12%, giảm được lượng xi măng trong bê tông khối, nhờ đó mà giảm được phát thải khí nhà kính của quá trình sản xuất xi măng.

Bên cạnh đó, bê tông khối sẽ dễ dàng phân hủy hơn khi phá dỡ và không còn sử dụng nữa, nhờ đó mà giảm được ảnh hưởng của lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng đối với môi trường đất và nước.

Một số sản phẩm khác dự kiến sẽ được phát triển công nghệ sản xuất ứng dụng tại Việt Nam và Hàn Quốc, như ứng dụng nanoxenlulo cho sản xuất bao bì phân hủy sinh học, tấm trang trí phân hủy sinh học thay thế thạch cao, hay làm chất độn mỹ phẩm, ứng dụng lignosunfonat thu hồi từ quá trình chế biến bã mía làm chất kết dính gia cố nền đường giao thông, chống sạt lở đất, phụ gia sơn phủ, thức ăn chăn nuôi… cũng là những sản phẩm dự kiến của giai đoạn hợp tác tiếp theo.

Ngoài bã mía ra, các nguồn nguyên liệu sinh khối tiềm năng khác của Việt Nam cũng sẽ được nghiên cứu sử dụng. Tất cả đều trực tiếp hay gián tiếp cải thiện quá trình sản xuất để giảm phát thải khí nhà kính.

Sự hợp tác giữa một đại học hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật đa ngành với doanh nghiệp nước ngoài, thông qua kết nối các tổ chức nghiên cứu và chuyển giao công nghệ khác, các tổ chức hợp tác và Chính phủ Hàn Quốc cùng với các doanh nghiệp Việt Nam, kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng thông qua tái chế chất thải nông nghiệp, giúp giải quyết vấn xã hội trong nông nghiệp và giảm phát thải khí nhà kính đối với các lĩnh vực ứng dụng sản phẩm của công nghệ được tạo ra.

Việt Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hop-tac-trong-nghien-cuu-ung-dung-nanoxenlulo-286054.html