Hợp tác khí hậu – cây cầu mới cho quan hệ Mỹ - Trung

Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry vừa bắt đầu chuyến công du Trung Quốc kéo dài 4 ngày từ 16-19.7 để bàn chuyện hợp tác đối phó tình trạng nóng lên toàn cầu trong bối cảnh hai nước đang đầu tư mạnh vào năng lượng sạch, cũng như đối mặt tác động của thời tiết cực đoan.

Mối quan tâm chung

Theo Bloomberg, chuyến đi, đánh dấu việc hai nước nối lại đàm phán khí hậu sau gần 1 năm đình trệ, sẽ là phép thử cho khả năng hai nước có lượng phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới hợp tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu bất chấp những căng thẳng gần đây trong những lĩnh vực khác.

Đặc phái viên Khí hậu John Kerry bắt đầu thăm Trung Quốc, nối lại đàm phán khí hậu. Ảnh: NYT

“Chúng tôi cần sự hợp tác thực sự”, ông Kerry nói trong một cuộc phỏng vấn. “Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và chúng tôi cũng là hai nước phát thải lớn nhất. Rõ ràng là chúng ta có trách nhiệm đặc biệt trong việc tìm ra tiếng nói chung”.

Đây là chuyến đi Trung Quốc thứ ba của ông Kerry với tư cách là đặc phái viên về khí hậu. Ông Kerry cho biết ông dự kiến gặp người đồng cấp Trung Quốc Xie Zhenhua và các quan chức khác “ở cấp cao nhất” trong tuần này.

Theo Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, hai bên sẽ trao đổi những vấn đề như: giảm khí thải methane gây hiệu ứng nhà kính, hạn chế sử dụng than và phá rừng, cũng như giúp các nước nghèo đối phó biến đổi khí hậu.

Giới quan sát cho rằng Bắc Kinh có thể lên tiếng phản đối việc Mỹ áp đặt thuế quan và các biện pháp hạn chế nhập khẩu nhằm vào vật liệu tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Mỹ nhiều khả năng thúc giục Trung Quốc củng cố các cam kết theo Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu ký kết năm 2015.

Phát biểu trước chuyến đi, ông Kerry cho biết sẽ trao đổi thẳng thắn với giới chức nước chủ nhà, đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên đạt tiến triển về vấn đề giảm khí thải methane, đẩy nhanh chuyển hướng khỏi than đá và sử dụng năng lượng tái tạo.

Một số chuyên gia nhận định chuyến đi của ông Kerry có thể không mang đến kết quả đột phá tức thì nhưng có thể mở đường cho những tuyên bố hoặc cam kết sau này. Trước mắt, hai nước có thể nối lại hoạt động của nhóm công tác chung về hợp tác khí hậu và cam kết tiếp tục liên lạc.

Ngoài ra, chuyến thăm được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy các mục tiêu tham vọng hơn trước khi các hội nghị khí hậu được Liên Hiệp Quốc bảo trợ diễn ra vào cuối năm nay. Trước đó, các cuộc đàm phán Mỹ - Trung Quốc đã góp phần đặt nền móng cho Hiệp định Paris, theo đó đặt ra mục tiêu giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Mỹ và Trung Quốc hiện có một số điểm chung liên quan đến vấn đề khí hậu. Họ cũng hai nhà đầu tư lớn nhất vào năng lượng sạch và cam kết cộng tác về lĩnh vực này trong tuyên bố chung đưa ra năm 2021. Các chính sách của họ có tác động to lớn đến việc liệu thế giới có ngăn chặn được những hậu quả tồi tệ nhất của sự nóng lên toàn cầu hay không.

Tuy nhiên, có sự chia rẽ sâu sắc về tốc độ mà mỗi quốc gia nên ngăn chặn lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch vốn là nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu.

Khác biệt về tốc độ

Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Biden đã cam kết cắt giảm khoảng một nửa lượng khí thải vào năm 2030. Đạo luật Giảm lạm phát được Quốc hội thông qua vào năm ngoái đầu tư ít nhất 370 tỷ USD vào năng lượng gió, mặt trời và năng lượng sạch khác. Kết hợp với các giới hạn ô nhiễm nghiêm ngặt hơn đối với ống xả và ống khói do Tổng thống Biden đề xuất, luật này có thể đưa Hoa Kỳ có bước tiến ấn tượng với mục tiêu của mình.

Lượng khí thải của Trung Quốc tiếp tục tăng nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, nước này sẽ đạt mức ô nhiễm carbon cao nhất vào năm 2030 và đặt mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2060. Trung Quốc đốt nhiều than hơn cả phần còn lại của thế giới cộng lại. Năm ngoái, nước này đã phê duyệt nhiều nhà máy điện than mới hơn bất kỳ lúc nào trong bảy năm qua.

Nhưng các nhà khoa học cảnh báo rằng các quốc gia công nghiệp hóa phải từ bỏ nhiên liệu hóa thạch ngay bây giờ để tránh những hậu quả thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu.

Ông Kerry cho biết ông sẽ hối thúc Trung Quốc đẩy nhanh việc loại bỏ than đá, chống nạn phá rừng và đưa ra kế hoạch giảm phát thải khí methane, một loại khí nhà kính mạnh rò rỉ từ các giếng dầu và khí đốt. Đó là những vấn đề mà Trung Quốc cho biết họ sẽ giải quyết theo thỏa thuận chung năm 2021 với Hoa Kỳ mà cho đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Ông Kerry nói: “Chúng tôi đang thực sự tìm kiếm một số hành động cụ thể thúc đẩy mọi thứ vận động. Nếu chúng ta không thể khiến Trung Quốc hợp tác với chúng ta một cách tích cực để giải quyết thách thức này, thì tất cả chúng ta đều sẽ phải đối mặt với một vấn đề lớn hơn”.

“Viên ngọc quý”

Thom Woodroofe, một thành viên cao cấp tại Viện Chính sách xã hội châu Á, cho biết việc chính thức thiết lập lại các cuộc thảo luận về khí hậu thường lệ sẽ là “viên ngọc quý” trong bất kỳ kết quả nào từ chuyến đi của ông Kerry.

“Ngay bây giờ, chúng ta chỉ còn một vấn đề địa chính trị nữa là kết thúc các cuộc đàm phán về khí hậu”, ông Woodroofe nói, đồng thời lưu ý rằng phải mất một năm để “quay trở lại vị trí cũ” sau khi Trung Quốc tạm dừng các cuộc đàm phán ngoại giao về các vấn đề quân sự, ma túy và biến đổi khí hậu sau chuyến đi Đài Loan của Chủ tịch Quốc hội Mỹ Pelosi. Trong số ba lĩnh vực trên, Trung Quốc chỉ đồng ý khôi phục các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu.

Cuộc đàm phán cũng được nối lại trong bối cảnh cả hai nước hiện cũng đối mặt tác động của thời tiết cực đoan. Thủ đô Bắc Kinh vừa trải qua ngày nóng nhất trong tháng 6 từng được ghi nhận với nhiệt độ lên đến 41,1 độ C. Trong khi đó, theo đài CNN, một đợt nắng nóng đang hoành hành ở Mỹ, với nhiệt độ ở miền Tây Nam có lúc tăng lên đến 49 độ C.

Theo một số nhà phân tích, nhiều kỷ lục nhiệt độ cao đã liên tục bị phá thời gian qua. Điều đó càng đòi hỏi Mỹ và Trung Quốc nhanh chóng nối lại hợp tác trong vấn đề khí hậu bởi cuộc khủng hoảng này sẽ không đợi cho đến khi hai nước cải thiện được quan hệ.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/hop-tac-khi-hau--cay-cau-moi-cho-quan-he-my-trung--i336386/