Tăng áp lực ngoại giao để yêu cầu ngừng bắn tại Dải Gaza

Liên hợp quốc và các quốc gia đang gia tăng mạnh mẽ áp lực, tạo ra một 'sóng thần ngoại giao' yêu cầu các bên trong cuộc xung đột quân sự tại Dải Gaza phải lập tức ngừng bắn nhân đạo trong bối cảnh Israel đang quyết mở cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn vào thành phố Rafah ở miền Nam Dải Gaza nhằm 'xóa sổ' lực lượng Hamas.

Người Palestine đối mặt với “thảm họa nhân đạo kinh hoàng”

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 12-5 đã một lần nữa hối thúc các bên lập tức dừng cuộc chiến tranh trên Dải Gaza, trả tự do cho các con tin và gia tăng viện trợ nhân đạo cho vùng lãnh thổ Palestine đang bị quân đội Israel bao vây. Những ngày qua, người đứng đầu Liên hợp quốc đã liên tục lên tiếng thúc giục các bên liên quan cấp bách ngừng bắn tại Dải Gaza, nơi đang diễn ra xung đột quân sự khốc liệt giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, trong đó chủ yếu là thường dân Palestine.

Hàng triệu thường dân Palestine đối mặt với thảm họa nhân đạo kinh hoàng nếu Israel tấn công trên bộ vào Rafah

Trong video phát biểu gửi tới hội nghị các nhà tài trợ quốc tế diễn ra tại Kuwait ngày 12-5, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhắc lại lời kêu gọi lập tức ngừng bắn nhân đạo, trả tự do vô điều kiện cho các con tin và tăng viện trợ nhân đạo khẩn cấp. Tổng thư ký Antonio Guterres cũng nhấn mạnh thêm, lệnh ngừng bắn mới chỉ là khởi đầu, còn chặng đường dài trước mắt để tái thiết mọi thứ từ đống đổ nát và nỗi đau của cuộc chiến hiện nay. Ông khẳng định, cuộc chiến trên Dải Gaza đã gây ra nhiều nỗi đau không thể tưởng tượng, phá hủy cuộc sống của nhiều người, khiến các gia đình ly tán và làm gia tăng số người vô gia cư, đói khổ và sang chấn tinh thần.

Người đứng đầu tổ chức lớn nhất hành tinh về hòa bình và an ninh liêp tiếp lên tiếng kêu gọi về một lệnh ngừng bắn ngay lập thức tại Dải Gaza khi mà quân đội Israel đang ráo riết dọn đường cho một chiến dịch tấn công quy mô lớn trên bộ vào Rafah. Thành phố nằm ở phía Nam Dải Gaza này hiện là nơi ẩn náu của khoảng 1,4 triệu người Palestine từ nhiều khu vực khác ở miền Bắc và miền Trung Dải Gaza đổ dồn về để tránh cuộc tấn công khốc liệt của Israel trong suốt nửa năm qua trong xung đột với Phong trào Hồi giáo Hamas.

Chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định, sẽ mở chiến dịch tấn công trên bộ vào Rafah - thành phố mà họ cho rằng có một lượng lớn các tay súng của Phong trào Hồi giáo Hamas từ khắp nơi trên Dải Gaza về ẩn náu khi quân đội Israel tiến hành các chiến dịch truy quét khốc liệt hơn nửa năm qua - nhằm “xóa sổ” Hamas như tuyên bố từ khi phát động các cuộc tấn công quy mô lớn sau vụ tấn công bất ngờ của Hamas sang lãnh thổ Israel ngày 7-10-2023 khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và khoảng 200 người bị bắt làm con con.

Nhằm chuẩn bị cho chiến dịch tấn công trên bộ, ngày 12-5, Israel tiếp tục không kích Dải Gaza sau khi mở rộng lệnh sơ tán thường dân tại thành phố Rafah bất chấp cộng đồng quốc tế phản đối chiến dịch quân sự tới các vùng phía Đông của thành phố vốn đã khiến một cửa khẩu đóng vai trò quan trọng trong việc đưa hàng tiếp tế từ Ai Cập vào Dải Gaza phải đóng cửa. Quân đội Israel từ ngày 7-5 vừa qua đã cho xe tăng tiến vào cửa khẩu của thành phố Rafah.

Israel vào ngày 11-5 cho biết, khoảng 300.000 người Palestine đã rời thành phố Rafah để đến “khu vực nhân đạo” ven bờ biển thuộc thị trấn Al-Mawasi kể từ khi lệnh sơ tán lần đầu tiên được ban bố vào ngày 6-5. Tuy nhiên, nhóm viện trợ và quan chức Liên hợp quốc cảnh báo, khu vực này đã quá đông đúc và chưa sẵn sàng tiếp nhận dòng người đổ về.

Chiến dịch tấn công trên bộ của quân đội Israel vào Rafah được cảnh báo sẽ dẫn tới một thảm họa nhận đạo với thường dân Palestine như từng xảy ra ở nhiều thành phố, thị trấn tại Dải Gaza đã phải hứng chịu “mưa bom bão đạn” của Israel trong hơn nửa năm qua. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 10-5 vừa qua cảnh báo, nguy cơ xảy ra “thảm họa nhân đạo kinh hoàng” nếu Israel triển khai chiến dịch tấn công trên bộ quy mô toàn diện ở Rafah.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng cảnh báo, khoảng 600.000 trẻ em ở Rafah đứng trước nguy cơ thảm họa một khi quân đội Israel triển khai chiến dịch quân sự trên bộ vào thành phố này. Theo UNICEF, chiến dịch quân sự đó sẽ gây tổn thất ở mức cao đối với dân thường, hủy hoại cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu còn sót lại vốn rất cần thiết cho cuộc sống của người dân và trẻ em ở Rafah.

“Chốt hãm” mỏng manh ngăn xung đột leo thang

Chiến dịch tấn công trên bộ của Israel đang chực chờ xảy ra khi mà vòng đàm phán mới nhất giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas tại Thủ đô Cairo của Ai Cập từ ngày 7 đến 9-5 vừa qua đã thất bại. Một nguồn tin cấp cao của Ai Cập cho biết, phái đoàn Israel đã cố gắng nêu ra những điểm gây tranh cãi khác trong cuộc đàm phán với sự hiện diện của các nhà trung gian hòa giải Ai Cập, Qatar và Mỹ. Theo đó, Israel phản đối một điều khoản cụ thể trong thỏa thuận liên quan đến việc Hamas thả 33 người bị giam giữ bất kể tình trạng của họ. Tel Aviv yêu cầu 33 người được thả phải đáp ứng các tiêu chí nhất định. Trong đó, những người bị giam giữ được trả tự do phải còn sống và phải bao gồm phụ nữ, trẻ em, người già và nữ quân nhân thuộc các nhóm tuổi cụ thể.

Phía Israel cũng nhất quyết giảm số lượng người Palestine được trả tự do để đổi một con tin Israel được phóng thích. Trong khi lực lượng Hamas đề xuất thả 3 người bị giam giữ hàng tuần, thì Israel yêu cầu thả hàng ngày.

Khi đàm phán thất bại, “chốt hãm” cuối cùng để ngăn Israel phát động chiến dịch tấn công trên bộ quy mô lớn vào thành phố Rafah chỉ còn áp lực quốc tế với các bên tham gia cuộc xung đột. Cùng với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, nhiều quốc gia đã mạnh mẽ hối thúc phải lập tức ngừng bắn nhân đạo tại Dải Gaza, đặc biệt là ngừng tấn công trên bộ vào Rafah, nơi đang có hàng triệu thường dân Palestine mà chủ yếu là phụ nữ và trẻ em lánh nạn.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cam kết sẽ tiếp tục gây sức ép với Tel Aviv và tham vấn Mỹ cũng như các quốc gia có ảnh hưởng khác nhằm chấm dứt ngay lập tức chiến sự, sớm mở lại cửa khẩu Rafah và những cửa khẩu quan trọng khác vào Dải Gaza.

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Stephane Ségournet của Pháp đã bàn về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza, những diễn biến gần đây trong nỗ lực hòa giải và vòng đàm phán mới nhất do Cairo tổ chức. Hai Ngoại trưởng kêu gọi ngừng bắn ở Gaza và tiếp tục tăng cường các động thái quốc tế nhằm hối thúc các bên đạt được thỏa thuận và hướng tới một lệnh ngừng bắn lâu dài. Hai bên cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc mở tất cả các cửa khẩu biên giới giữa Israel và Dải Gaza, nối lại việc đưa viện trợ nhân đạo vào dải đất đang bị phong tỏa này.

Đặc biệt, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden những ngày qua liên tục phát đi những thông điệp, đồng thời có những động thái được cho chưa từng thấy từ trước tới nay nhằm ngăn Israel mở chiến dịch tấn công trên bộ vào thành phố Rafah. Mối quan hệ đồng minh thân thiết giữa Mỹ và Isarael đã xấu đi khi chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhất quyết tiến hành chiến dịch tấn công vào Rafah bất chấp áp lực từ Washington. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã chỉ trích việc Israel sử dụng vũ khí Mỹ trong cuộc xung đột ở Dải Gaza, thậm chí cảnh báo là sẽ dừng cung cấp đạn pháo và các vũ khí khác cho Israel nếu nước này tấn công Rafah.

Cộng đồng quốc tế đang gây áp lực ngoại giao mạnh mẽ, song theo giới quan sát, có thể là vẫn quá mỏng manh trước nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn vào Rafah.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tang-ap-luc-ngoai-giao-de-yeu-cau-ngung-ban-tai-dai-gaza-post576259.antd