Hồng quân Liên Xô đánh chiếm trụ sở Quốc hội Đức Quốc xã thế nào 79 năm trước?

Đã có một trận chiến đẫm máu tại khu vực trụ sở Quốc hội phát xít Đức vào cuối tháng 4/1945 khi Hồng quân Liên Xô quyết tâm tiến công và chiếm bằng được nơi này, còn lính phát xít Đức thì nỗ lực cố thủ đến cùng.

Năm 1945, tòa nhà Quốc hội Đức không còn ý nghĩa quân sự và chính trị nào. Nhưng cả Đức và Liên Xô đều coi đây là biểu tượng lớn của chế độ Quốc xã và do vậy, một bên quyết giữ, một bên quyết tấn công đánh chiếm bằng mọi giá.

Pháo binh Hồng quân bắn phá trụ sở quốc hội Đức Quốc xã năm 1945. Ảnh: Sputnik.

Trung đoàn súng trường 756 của Hồng quân tham gia trận đánh vào trụ sở Quốc hội Đức Quốc xã (Reichstag). Đại tá Fyodor Zinchenko thuộc trung đoàn này nhớ lại khung cảnh của tòa nhà ấy vào ngày 29/4/1945: “Dưới những tia sáng cuối cùng của ngày tàn, một kết cấu to lớn, nặng nề và u ám hiện ra lờ mờ qua những đám khói. Mái vòm có gân phía trên lấp lánh những mảnh kính vỡ”.

Sau vụ hỏa hoạn năm 1933, tòa nhà Reichstag đánh mất tầm quan trọng chính trị của mình. Các cuộc họp của quốc hội Đức bắt đầu được chuyển sang tổ chức ở Nhà Opera Kroll nằm cạnh đó. Cuối cùng tất cả hội nghị như thế đều ngừng lại vào năm 1942. Trong trận chiến Berlin, không một quan chức cấp cao hoặc tướng lĩnh nào của Đức có mặt tại đây.

Tuy nhiên, Liên Xô vẫn xem trụ sở cũ của Quốc hội Đức Quốc xã như biểu tượng lịch sử của Đệ tam Đế chế (tức phát xít Đức). Đây là nơi chế độ này trỗi dậy và sau đó đón nhận thất bại cuối cùng.

Phát xít Đức cũng coi tòa nhà Reichstag là một trong các biểu tượng chính của chúng. Thế nên, chúng quyết bảo vệ nơi này đến cùng.

Chiến sĩ Hồng quân phất quân kỳ Chiến thắng trên nóc tòa nhà Reichstag. Ảnh: Sputnik.

Đòn bắn phá dữ dội

Lực lượng bảo vệ trụ sở cũ của Quốc hội Đức bao gồm các binh sĩ lực lượng vũ trang Đệ tam Đế chế (Wehrmacht), SS vũ trang, dân quân Volkssturm và thậm chí cả các học viên trường hải quân Rostock - tổng cộng trên 1.000 người. Các đơn vị Đức gần đó, sở hữu cả xe bọc thép, sẵn sàng hỗ trợ lực lượng đồn trú bất cứ lúc nào.

Vào trưa ngày 30/4/1945, Tập đoàn quân Xung kích số 3 của Liên Xô bắt đầu pháo kích tòa Reichstag. Hàng chục khẩu pháo và xe tăng bắn thẳng vào tòa nhà, chĩa nòng vào các cửa sổ là hỏa điểm của địch.

Kế đó là màn đấu súng bên trong Reichstag. Đại tá Hồng quân Zinchenko viết: “Bộ binh chuẩn bị xung phong. Họ chọn điểm tựa cho chân, khuỷu tay và bố trí vũ khí cá nhân ở vị trí thuận tiện. Bên trong tòa nhà này, cả xe tăng và trọng pháo sẽ không giúp được gì cho họ. Mọi thứ sẽ được quyết định bằng súng máy, súng trường và lựu đạn. Có thêm một băng đạn, một trái lựu đạn là có thêm lợi thế”.

Màn pháo kích dọn đường kéo dài 30 phút. Vào lúc 14h30, cuộc tiến công của bộ binh Liên Xô bắt đầu.

Ngay khi các chiến sĩ Hồng quân ồ ạt xông tới tòa nhà, hỏa lực dồn dập của địch giội xuống họ từ bên trong Reichstag cũng như từ các đại sứ quán nằm gần đó và từ cổng Brandenburg.

Khoảng cách giữa vị trí của Hồng quân và lối vào phía trước của tòa nhà Quốc hội Đức chỉ là 250m nhưng các chiến sĩ Hồng quân tiến được không quá 100m. Hỏa lực chế áp của Đức đã ghìm họ xuống đất, không thể nào ngẩng đầu lên được.

Thế giằng co như vậy kéo dài vài tiếng đồng hồ. Các chiến sĩ Xô viết nhích từng bước để bắn trả địch. Họ bò sát đất và nấp trong các hố bom, hố đạn pháo hoặc ẩn sau các xe thiết giáp bị hỏng và nhờ đó tiến dần tới tòa nhà và thực hiện cuộc đột phá cuối cùng.

Lính bộ binh Mikhail Bondar nhớ lại: “Quân Quốc xã bắn như mưa vào đội hình chúng tôi. Nhưng không vì thế mà cuộc tiến công của chúng tôi suy yếu. Toàn bộ các binh sĩ trên một diện rộng đồng loạt xung phong. Chỉ còn cách 50m, 30m, 20m rồi cuối cùng chúng tôi tới được cầu thang rộng dẫn đến lối vào chính của Reichstag. Cảnh tượng rất đặc biệt. Những dòng người chuyển động, những tiếng kêu la, những lệnh chỉ huy. Thương binh kêu gọi quân y giúp đỡ. Những người trúng đạn ngã vật về phía sau…”.

Cuộc chiến đẫm máu bên trong trụ sở Quốc hội Đức

Binh sĩ Liên Xô tập trung xử lý hai bên cánh gà của lối vào, họ quăng liên tiếp lựu đạn vào ô cửa rồi xông vào bên trong. Đến tối 30/4, giao tranh dữ dội bắt đầu bên trong tòa nhà.

Đại tá Zinchenko viết tiếp: “Hành lang, các sảnh và các căn phòng bên trong ngập tràn tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ và tiếng kêu thét của binh sĩ hai phe trong trận chiến sinh tử. Lửa cháy khắp nơi, khói bốc mịt mù”.

Lính phát xít Đức chống trả quyết liệt bên trong Reichstag. Quân Đức từ khu vực cổng Brandenburg cũng phản kích trợ chiến cho đồng bọn. Dẫu vậy, chiến sĩ Hồng quân vẫn cố gắng bám trụ được tại tầng 1. Bên trong căn phòng trước kia của các trợ lý cho Hoàng đế Đức, lực lượng Hồng quân lập một chốt chỉ huy và lắp dây điện thoại. Họ cũng thiết lập một bệnh viện dã chiến nhỏ ngay cạnh đó.

Một trong những nhiệm vụ chủ chốt đặt ra cho lực lượng Hồng quân đánh chiếm trụ sở Quốc hội Đức là treo lá quân kỳ đỏ lên mái tòa nhà. Để đạt mục đích này, các nhóm xung kích của Hồng quân tìm cách bí mật di chuyển lên tầng 2 và leo thẳng lên mái nhà.

Cuối cùng, vào lúc hoàng hôn, dưới hỏa lực địch bắn tới từ các tòa nhà bên cạnh, các chiến sĩ Hồng quân đã cắm được quân kỳ màu đỏ lên nóc Reichstag. Lá Quân kỳ Chiến thắng chính thức do các trinh sát Mikhail Egorov và Meliton Kantaria thuộc Trung đoàn súng trường 756 treo lên.

Lá cờ của quân đội Xô viết được đặt gần nhóm tượng trên mái. Sau khi kết thúc chiến sự tại đây, nó được di chuyển lên vị trí cao hơn trên mái vòm.

Chế độ Đức Quốc xã đầu hàng

Sau một khoảng nghỉ ngắn vào ban đêm, giao tranh khốc liệt lại tiếp diễn sang ngày 1/5, tạo ra lớp khói bụi dày đặc trong tòa nhà Quốc hội Đức. Lính Đức buộc phải rút dần vào tầng hầm. Phải đến 15h hôm đó, lửa mới được dập tắt sau khi bùng cháy có thể do giao tranh hoặc do phía Đức cố tình phóng hỏa để chặn quân Liên Xô.

Vào lúc 19h ngày 1/5, Hồng quân hoàn thành bao vây kín tòa nhà Reichstag và quân Đức đồn trú tại đây không còn hy vọng nhận được sự yểm trợ từ bên ngoài. Phía Đức đề nghị đàm phán, mặc cả các điều kiện để đầu hàng. Nhưng phía Hồng quân đưa ra câu trả lời dứt khoát - họ chỉ chấp nhận Đức đầu hàng hoàn toàn vô điều kiện.

300 lính Đức còn sống sót (trong tổng số hơn 1.000 quân bảo vệ Reichstag) đã đầu hàng vào sáng sớm ngày 2/5/1945. Cũng vào tầm đó, toàn bộ lực lượng Đức đồn trú ở thủ đô Berlin ngưng kháng cự.

Hơn 2.500 lính Đức đã tử trận trong trận chiến ở Reichstag và khu vực phụ cận. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có con số thống kê về tổn thất của Hồng quân trong những trận chiến này.

Xem thêm:

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Russia Beyond

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ho-so/hong-quan-lien-xo-danh-chiem-tru-so-quoc-hoi-duc-quoc-xa-the-nao-79-nam-truoc-post1093123.vov