Hơn 10.000 ca đau mắt đỏ, Quảng Bình rốt ráo chống dịch

Các đơn vị y tế thực hiện giám sát, yêu cầu nhà trường cho trẻ mắc bệnh nghỉ học, điều trị tại nhà. Tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ. Cùng với đó, cung cấp thuốc kịp thời và sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân.

Rốt ráo phòng, chống dịch

Theo báo cáo của Trung tâm Mắt - Nội tiết tỉnh Quảng Bình, hiện tỉnh này ghi nhận hơn 10.000 ca đau mắt đỏ. Tại huyện Tuyên Hóa có 2.397 ca, huyện Lệ Thủy có 2.066 ca, Bố Trạch có 1. 820 ca, thị xã Ba Đồn 1.369 ca, một số địa phương khác số ca mắc dưới 1.000.

Quảng Bình ghi nhận hơn 10. 000 ca đau mắt đỏ.

Được biết, kể từ đầu tháng 9, Quảng Bình bắt đầu xuất hiện những ca bệnh đầu tiên ở huyện Tuyên Hóa và Bố Trạch, đến nay bệnh đau mắt đỏ xuất hiện ở hầu hết trên địa bàn 8/8 huyện, thị xã, thành phố.

Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ có nguy cơ gia tăng, để chủ động phòng, chống bệnh, không để bùng phát, lan rộng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vừa có ý kiến chỉ đạo các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, UBND huyện, thị xã, thành phố chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ.

ThS. BS. Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Mắt - Nội tiết tỉnh Quảng Bình cho biết, đường lây truyền chính của bệnh đau mắt đỏ là do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết như nước mắt, nước bọt, giọt bắn đường hô hấp của người bệnh qua việc bắt tay, sờ chạm, tiếp xúc gián tiếp qua các vật dụng cá nhân của người bệnh, bề mặt có virus, vi khuẩn gây bệnh.

Triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt, bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu là một mắt và sau lan ra mắt còn lại.

Ngành Y tế khuyến cáo người dân khi đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị, không tự ý mua thuốc điều trị (ảnh: N.H.).

Để chủ động phòng dịch bệnh đau mắt đỏ, BS. Ngọc khuyến cáo, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường, không dùng các vật dụng cá nhân chung như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính, gối…. "Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng, vệ sinh mắt, mũi, miệng hàng ngày bằng nước muối sinh lý và các dung dịch nhỏ mắt thông thường. Thường xuyên lau chùi các vật dụng trong gia đình, giữ môi trường xung quanh sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc với người bệnh và những người nghi bị bệnh đau mắt đỏ, khi nói chuyện, tiếp xúc phải đeo khẩu trang", Phó Giám đốc Trung tâm Mắt - Nội tiết tỉnh Quảng Bình chia sẻ.

Khi bị đau mắt đỏ không tự ý mua thuốc điều trị, không tự ý dùng những biện pháp của dân gian như xông lá trầu không hoặc đắp nước muối. Nên đi đến các cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị nếu bị đau mắt đỏ.

Theo BS. Nguyễn Văn Luyến, Trưởng Phòng khám Đa khoa, Trung tâm Mắt – Nội Tiết tỉnh Quảng Bình, các ca bệnh đau mắt đỏ đến khám tại trung tâm chưa phát hiện trường hợp nào biến chứng nặng. Nhận thức về bệnh đau mắt đỏ của người dân ngày càng cao, người dân chủ động tìm tới các cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và điều trị.

Theo BS. Nguyễn Văn Luyến, nhận thức về bệnh đau mắt đỏ của người dân ngày càng cao.

"Người dân đau mắt không còn tình trạng dùng các biện pháp dân gian như đắp lá trầu, xông... Họ chủ động các biện pháp phòng, chống lây nhiễm rồi tìm đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Những việc này nhằm hạn chế mức thấp nhất nguy cơ diễn tiến nặng, biến chứng gây nguy hại cho đôi mắt", BS. Luyến chia sẻ.

Ngành y tế hỗ trợ dập dịch tại học đường

Với thực trạng phần lớn trường hợp đau mắt đỏ được nghi nhận ở lứa tuổi học sinh, BS. Nguyễn Thị Linh Ngọc nhận định, trường học là môi trường thuận lợi cho dịch bệnh lây lan nếu không có các biện pháp phòng, chống phù hợp.

Phần lớn các trường hợp đau mắt đỏ được ghi nhận ở lứa tuổi học sinh.

Bởi trong quá trình học tập, trẻ thường xuyên tiếp xúc gần với nhau, cùng chơi, dùng chung nhiều vật dụng. Cùng với đó, trẻ thường hiếu động, sờ khắp nơi rồi vô thức sờ tay vào mắt, mũi, miệng. Nếu có trường hợp đau mắt đỏ, tỉ lệ lây truyền thường sẽ ở cấp số nhân.

Trước thực trạng đó, thời gian qua các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn Quảng Bình phối thực hiện giám sát, cách ly những ca mắc bệnh (trẻ mầm non, học sinh tiểu học mắc bệnh cho nghỉ học, điều trị tại nhà). Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tại trường học và cộng đồng. Cùng với đó, các cơ sở y tế cũng đã cung cấp thuốc kịp thời cho những trường hợp bị bệnh và sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân.

Ngành y tế hỗ trợ các trường học khử khuẩn phòng, chống dịch đau mắt đỏ.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện có gần 150 lượt học sinh được phát hiện mắc bệnh đau mắt đỏ. Nhằm tránh tình trạng dịch đau mắt đỏ tiếp tục lây lan rộng, nhà trường chủ động theo dõi tình trạng học sinh, giáo viên để có các biện pháp xử lý kịp thời. Tăng cường công tác vệ sinh môi trường, nhắc nhở học sinh vệ sinh cá nhân. Nhà trường cung cấp đủ nước sạch, xà bông, khăn lau cho học sinh.

Những trường hợp học sinh, giáo viên đau mắt đỏ nhà trường cho phép nghỉ học, khuyến cáo phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở y tế để có phương pháp điều trị phù hợp. Nhà trường vận động giáo viên thu xếp thời gian rảnh, ban đêm qua điện thoại, internet, phối hợp với phụ huynh ôn tập cho học sinh.

Các trường tăng cường hướng dẫn học sinh rửa tay bằng xà phòng để hạn chế nguồn lây bệnh đau mắt đỏ (ảnh: N.H.).

"Biết là sẽ vất vả cho giáo viên nhưng vì lợi ích của học sinh nhà trường vận động giáo viên hỗ trợ phụ huynh ôn tập bài cho học sinh phải nghỉ dài ngày trị bệnh đau mắt. Khi trẻ điều trị có tiến triển tốt, có thể đến lớp, nhà trường sẽ bố trí khu vực ngồi phù hợp, yêu cầu các cháu đeo khẩu trang, đeo kính để tránh tình trạng lây nhiễm cho bạn học", cô Hồng cho biết.

[VIDEO] 5 cách phòng bệnh đau mắt đỏ cần biết

Hùng Trần

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hon-10000-ca-dau-mat-do-quang-binh-rot-rao-chong-dich-169230919145501967.htm