Hội tụ tinh hoa, lan tỏa giá trị

Như một chuyến tàu đưa người trẻ trở về khám phá nét đẹp cổ xưa và mang giá trị tinh hoa văn hóa qua ngàn đời đến với hiện tại, nhiều không gian tương tác cho người yêu truyền thống được mở ra giữa thủ đô Hà Nội với mong muốn viết tiếp câu chuyện bản sắc Việt.

Nét đẹp trong kỹ thuật cổ xưa

Sáng cuối tuần, nhiều bạn trẻ tụ họp để cùng “chạm vào đất”. Dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ gốm Nguyễn Trường Sơn, các công đoạn để tạo nên một sản phẩm gốm theo phương pháp be chạch thủ công làng Bát Tràng đã được tái hiện.

“Khi phương tiện kỹ thuật chưa có như hiện tại, thợ gốm không chuốt trên bàn xoay như ngày nay, mỗi khi làm sản phẩm gốm cần có 2 người, một người xoay bàn, một người be chạch và chuốt. Làm gốm xưa vô cùng vất vả và tốn sức người, với các công đoạn vò đất loại bỏ hạt sạn và bóng khí, tạo độ dẻo, mịn cho đất trước khi làm gốm, rồi vê khối đất thành những dải đất nhỏ như con chạch, xếp chồng những dải này lên nhau theo vòng tròn, thành từng lớp để tạo sản phẩm theo ý muốn...” - nghệ sĩ Nguyễn Trường Sơn giải thích.

Trải nghiệm làm tranh mô phỏng nghệ thuật cổ Cảnh Thái Lam. Ảnh: Về Làng

Lịch sử hàng trăm năm với kỹ thuật làm gốm thủ công thô sơ nhưng cũng không kém phần tinh tế đã trở lại ấn tượng trong câu chuyện của những người trẻ hôm nay như thế. Mải miết vê chạch, xếp từng dải đất chồng lên nhau, rồi kết dính chúng thành một khối, chị Tô Hồ Thu (Hà Nội) và bạn là Việt kiều từ Ba Lan mới về thăm quê hương tham gia trải nghiệm hồ hởi chia sẻ: “chúng tôi chưa từng sang Bát Tràng và trải nghiệm làm gốm. Trước đây, tôi chỉ thấy làm gốm theo kiểu chuốt (vuốt) gốm trên bàn xoay, có thể làm rất nhanh để có một sản phẩm như vẫn thường xem qua ảnh và truyền hình. Khi làm theo phương pháp be chạch, hóa ra khó hơn mình nghĩ nhưng tôi thấy rất thú vị. Quá trình vê chạch và miết để lại các dấu vân tay của mình trên bình, lọ, nên mỗi sản phẩm là duy nhất với hoa văn đặc trưng”…

Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, “không gian vật lý trong nhiều xu hướng hiện nay được thay bằng không gian ảo; nhưng không gian thật tạo tương tác thực, hơn nữa vẫn lan tỏa trên không gian ảo, thì còn nhân thêm giá trị”.

Đây chỉ là một buổi trải nghiệm tại không gian Về Làng, 291 Đặng Tiến Đông, Hà Nội. Nhiều hành trình khác cũng được tổ chức để người trẻ tìm hiểu, khám phá giá trị đặc sắc lưu giữ trong nghề thủ công của ông cha như làm sơn mài phương pháp truyền thống có cẩn vỏ trứng, thếp bạc (vàng) trên vóc; hay làm tranh mô phỏng nghệ thuật cổ Cảnh Thái Lam (Pháp Lam), trải nghiệm làm sản phẩm mây tre, các quy trình nhuộm vải...

“Thời đại hiện nay những giá trị văn hóa, thủ công truyền thống đang bị mai một, lãng quên. Nếu chúng ta không có biện pháp gìn giữ, lan tỏa những điều đó đến cộng đồng thì chỉ vài năm nữa, chúng sẽ biến mất” - anh Ngô Quý Đức, người sáng lập dự án và không gian Về Làng chia sẻ.

Ấp ủ nhiều năm với nghề thủ công truyền thống, tháng 9.2022, không gian Về Làng tại Hà Nội được mở ra, trở thành gạch nối giữa các làng nghề với công chúng. Như ngôi nhà của thủ công mỹ nghệ Việt Nam, nhiều sản phẩm trong đó có đồ chơi truyền thống, mây tre đan, khảm trai, gốm, lụa… cũng được trưng bày, giới thiệu.

Nâng niu và có thể kể nhiều câu chuyện thú vị về từng món đồ thủ công trong không gian này, anh Ngô Quý Đức cho biết: những buổi giới thiệu nghề thủ công ngay tại Hà Nội sẽ giúp mọi người hiểu thêm về làng nghề và tự làm ra sản phẩm của riêng mình.

Được thiết kế phù hợp với đông đảo đối tượng, nên dù đang trong thời gian thử nghiệm, chương trình đã thu hút khá đông người đăng ký tham dự. Điều đó cho thấy sức hút của nghề thủ công truyền thống vẫn vô cùng mạnh mẽ, nếu chọn đúng nét đặc sắc và phô diễn chúng.

Với sự hỗ trợ của các nghệ nhân, thợ thủ công - những người được coi như “phần hồn” của làng nghề, Về Làng kỳ vọng giúp các bạn trẻ hiểu về nghề truyền thống, qua đó lan tỏa giá trị, truyền cảm hứng chung tay lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc.

Dệt nên chất Việt

“Ở làng nghề dệt lụa đũi Nam Cao, huyện Kiến Xương, Thái Bình, điểm đặc sắc là các kén tằm được nấu và vùi từ 3 - 5 tiếng, để sợi tơ mềm trước khi nghệ nhân kéo và se hoàn toàn bằng tay. Công đoạn này thật sự tốn nhiều công sức, phải do người có tay nghề thành thục thực hiện và trung bình mỗi ngày, mỗi người kéo được từ 0,5 - 0,7 lạng, nhiều nhất là 1 lạng sợi…” - chị Lương Thanh Hạnh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Lụa đũi Nam Cao giới thiệu về nghề dệt truyền thống cho du khách tới thăm tại Không gian trưng bày và giới thiệu lụa tại Nhà A5, số 2 Hoa Lư, Hà Nội.
Trong không gian đầy màu sắc của những tấm lụa, đũi tơ tằm, khách tham quan vừa được nghe kể về làng quê có nghề dệt lịch sử hàng trăm năm với những kỹ thuật độc đáo được truyền lại, vừa được chạm vào nong tằm đang rào rào ăn lá dâu, để rồi cần mẫn nhả tơ, cầm trên tay những kén tròn, bó tơ trắng, tơ vàng óng mượt. Sự kỳ công để tạo nên một tấm lụa, mảnh đũi đã được thể hiện phần nào, với nhiều công đoạn từ nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải... Tỷ mỉ se từng sợi tơ, quay guồng, các nghệ nhân của quê lúa Thái Bình cho biết: cùng là tơ tằm, ươm tơ bằng máy cho ra sản lượng cao và sợi đều, ươm thủ công cho ra sợi lớn hơn. Các sợi tơ được se lại, sau đó được dệt trên khung. Làm hết công suất mỗi ngày một người dệt được 3 - 4m vải. Sau đó, tùy loại vải sẽ được làm mềm, trước khi nhuộm với các nguyên liệu tự nhiên... Thành phẩm là các tấm lụa mịn mềm, còn đũi thô nhưng không ráp. Tùy các loại sợi, cách dệt, mật độ dệt khác nhau sẽ cho ra các loại vải đũi hay lụa vô cùng đa dạng. Nghề ươm tơ dệt lụa tại Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử, là kết tinh của đất trời, thấm đượm công sức, tài hoa của các nghệ nhân. Đã có nhiều làng nghề dệt nổi tiếng như làng Vạn Phúc, rồi thủ phủ tơ tằm Bảo Lộc, làng dệt Nha Xá, lụa Tân Châu, lụa đũi Nam Cao… Tuy nhiên, chưa nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ biết đến lụa, cách tạo ra lụa và phân biệt được lụa tơ tằm thật và giả. Đó cũng là lý do không gian trưng bày sản phẩm và các workshop tìm hiểu lụa, trải nghiệm dệt lụa tơ tằm, sáng tạo với lụa… được mở ra dành cho công chúng và du khách tới Hà Nội, và cả TP. Hồ Chí Minh. Năm 2022, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, không chỉ du khách, mà cả thanh niên làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, học sinh, sinh viên trong và ngoài nước, thậm chí các gia đình cũng hào hứng đến khám phá cách dệt lụa, đũi cũng như tìm hiểu văn hóa đồng bằng Bắc Bộ. Nhiều người đã nghe nói tới con tằm nhả tơ, nghề canh cửi nhưng lần đầu biết lá dâu, con tằm, sợi tơ mỏng manh mà bền chắc, thử quay guồng, kéo sợi…Ngoài trải nghiệm tại Hà Nội, các chuyến đi kết nối du khách về làng quê Thái Bình cũng được tổ chức, để mọi người thấy đây không chỉ là quê lúa, mà còn xanh mướt nương dâu, có thể tận mắt thấy vất vả của nghề nuôi tằm như câu ca dao Nuôi lợn ăn cơm nằm/ Nuôi tằm ăn cơm đứng, các bà, các cô miệt mài kéo tơ, nối sợi, xuyên thoi dệt, cảm nhận sự rộn rã từ âm thanh lách cách của khung dệt…

Tìm hiểu về tơ lụa. Ảnh: Hanhsilk

Những nét đẹp, sáng tạo của cha ông được truyền lại, tạo nên một chất liệu hiếm có, từng chinh phục được khách hàng nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng có thời gian, lụa đũi Nam Cao còn rất ít người duy trì, khung cửi nằm yên trong góc nhà, thậm chí bị phá bỏ. Luôn trăn trở bảo tồn, phát triển nghề cổ truyền, bên cạnh khôi phục khung dệt, kết nối các bà, các chị để tạo ra sản phẩm chất lượng, tìm kiếm thị trường, “cô gái lụa” Thanh Hạnh cũng ước mơ lan tỏa lụa - nét tinh túy và niềm tự hào của làng nghề Việt và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ mang tinh hoa văn hóa Việt đến bạn bè quốc tế.

Ngôi nhà chung của người yêu di sản

Như một điểm hẹn vào dịp cuối tuần, nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa, người yêu di sản cùng hòa trong tiếng nhạc cổ truyền, hay chia sẻ mối quan tâm chung về di sản văn hóa Việt. Những vấn đề của di tích, văn hóa Việt được đưa ra thảo luận, trao đổi giữa các diễn giả, và công chúng.

Sau một thời gian tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi và thu hút hàng chục nghìn thành viên trên mạng xã hội, Không gian văn hóa Đình làng Việt đã ra mắt tại Hà Nội từ giữa năm 2022, tại khu tập thể Trung Tự. Giống với chức năng là mái nhà chung, là sợi dây gắn kết cộng đồng của ngôi đình làng, nơi đây dành cho tất cả những ai muốn chia sẻ tình yêu văn hóa dân tộc.

Không gian văn hóa Đình làng Việt. Ảnh: Hiếu Shin

“Trước kia, Đình làng Việt hoạt động chủ yếu trên internet, chia sẻ thông tin, kiến thức về đình làng (kiến trúc, chạm khắc trang trí, về lịch sử, văn hóa xung quanh những ngôi đình Việt). Sau một thời gian hoạt động đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng, số thành viên nhóm tăng lên nhanh chóng, nhiều hình ảnh đẹp cùng thông tin về các ngôi đình cổ trong cả nước được thành viên ở các địa phương đưa lên. Nhưng giai đoạn này đã khác - nhiều hội nhóm được mở ra, làm thay công việc lưu giữ, quảng bá di sản đình làng Việt mà Câu lạc bộ dự định ban đầu. Bởi vậy, các thành viên trong nhóm nhận thấy cần phải làm việc cụ thể hơn, khó hơn” - nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ, họa sĩ Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt chia sẻ.

Một không gian vật lý đã được hình thành từ sự chung tay đóng góp của những người yêu văn hóa truyền thống, từ địa điểm tới trang thiết bị, kinh phí duy trì hoạt động. Nơi đây vẫn quy tụ những gì Đình làng Việt đã làm lâu nay trên không gian mạng: quảng bá về áo dài ngũ thân, tranh dân gian; tọa đàm, giao lưu về âm nhạc truyền thống và các vấn đề về di tích, văn hóa Việt…

Anh Lê Xuân Khoa, điều hành tổ chức các chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống tại Không gian văn hóa Đình làng Việt cho biết: thời điểm trước Covid-19, trong các chuyến điền dã, Giáo phường đình làng Việt mời nghệ sĩ chuyên nghiệp và người yêu thích nghệ thuật dân gian biểu diễn ngay ở sân đình cho dân làng thưởng thức nhiều bộ môn như chèo, chầu văn, xẩm, quan họ, ca trù, ca Huế… Đến khi dịch bệnh hoành hành, hoạt động diễn xướng và điền dã không thường xuyên, Đình làng Việt quay lại theo kiểu nhóm nhỏ, trực tuyến. Khi dịch được kiểm soát, Không gian văn hóa Đình làng Việt trở thành không gian chung để mọi người sinh hoạt, đặc biệt vào cuối tuần. Ngoài diễn xướng còn có các tọa đàm chủ đề chuyên sâu về di sản, âm nhạc.

“Mọi người có điểm luyện tập, hàng tháng biểu diễn, vừa diễn xướng vừa giới thiệu cho công chúng những nét đặc trưng của âm nhạc truyền thống, không gian diễn xướng của từng loại hình... Các buổi trò chuyện diễn ra gần gũi, dân giã, tạo sự tương tác, đồng cảm giữa khán giả và người biểu diễn. Nhóm Âm nhạc dân gian của Đình làng Việt chủ yếu là các thành viên không được đào tạo chính quy, nhưng là người có đam mê, thực hành và tự tìm hiểu, nghiên cứu. Như TS. Trần Đoàn Lâm chuyên đệm đàn, KTS. Trần Hữu Hùng chơi được nhiều nhạc cụ, nghệ nhân ca trù Thu Hằng, Hoàng Khoa ở Hải Phòng… tạo ra màu sắc cho nhóm diễn xướng” - anh Lê Xuân Khoa cho biết.

Trong xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, họa sĩ Nguyễn Đức Bình cho rằng, có những việc không thể làm trực tuyến. Hiện tại các thành viên Câu lạc bộ cố gắng mỗi tháng tổ chức một buổi sinh hoạt học thuật, biểu diễn âm nhạc. "Nếu nhìn về ngôi đình truyền thống, bên cạnh không gian văn hóa tâm linh, đình làng gắn kết với người Việt bởi đó là nơi mọi người cùng đến chia sẻ với nhau. Gắn kết cộng đồng cũng là tiêu chí của Không gian văn hóa Đình làng Việt, từ đó mong muốn lan tỏa giá trị của cha ông trong đời sống hiện đại".

Những năm trước, Đình làng Việt vẫn tổ chức chương trình Tết Việt tại các ngôi đình cổ như đình làng So ở Quốc Oai; đình làng Lệ Mật ở Lệ Mật, Long Biên; đình Kim Ngân, Hoàn Kiếm… tái hiện không gian Tết Việt bằng những hoạt động như gói bánh chưng, dựng cây nêu… Tết Việt - Tết phố năm 2023 sẽ diễn ra tại đình Kim Ngân, phố cổ Hà Nội, ngoài phần lễ là các hoạt động giới thiệu nghệ thuật dân gian 3 miền, như ca Huế, múa xòe, hát xoan, múa hát cửa đình, đờn ca tài tử Nam Bộ... Bên cạnh đó, Không gian văn hóa Đình làng Việt sẽ tổ chức canh hát ca trù đầu năm mới.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/hoi-tu-tinh-hoa-lan-toa-gia-tri-i313822/