Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, khóa XVII (mở rộng)

Trực tiếp - Ngày 9-4, tại Hội trường Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, khóa XVII (mở rộng). Các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Các đồng chí đại biểu dự hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại biểu Ban Đảng Trung ương; các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; lãnh đạo ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; các sở, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; lãnh đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND các huyện, thành phố.

8h00: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm quán triệt, triển khai bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự ngày 13/3/2024.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm quán triệt, triển khai bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị.

Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự hội nghị.

8h30: Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trình bày Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý I; phương hướng, nhiệm vụ quý II năm 2024.

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trình bày Báo cáo tại hội nghị.

Trong quý I năm 2024, ngay từ đầu năm Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là sớm chỉ đạo các buổi làm việc, các hội nghị chuyên đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời chỉ đạo chuẩn bị tốt các nội dung và điều kiện làm việc với Đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách bảo đảm chu đáo, hiệu quả; làm việc với một số cấp ủy huyện, các ngành của tỉnh về xây dựng nông thôn mới.

Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự hội nghị.

Kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, các chỉ tiêu cơ bản tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản phẩm (GRDP) quý I ước đạt 8,6% (xếp thứ 02/14 tỉnh trong khu vực trung du và miền núi Bắc bộ, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố); Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 5.447,3 tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ; triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất vụ Xuân đảm bảo tiến độ, khung thời vụ, tổ chức thành công "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Giáp Thìn năm 2024.

Các hoạt động lễ hội, văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi thu hút được nhiều khách du lịch trên địa bàn tỉnh; hoạt động thương mại, dịch vụ, bán lẻ hàng hóa tăng so với cùng kỳ... Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống Nhân dân được nâng lên.

Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh dự hội nghị.

Quốc phòng được tăng cường, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng; hoạt động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có chuyển biến tích cực, đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân tiếp tục được nâng lên.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và xây dựng nông thôn mới còn chậm. Thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn; việc triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn hạn chế, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước còn chậm; nhiều khó khăn, vướng mắc về quy hoạch xây dựng, giải phóng mặt bằng, giao đất thực hiện dự án... chưa được giải quyết kịp thời, hiệu quả.

Các đại biểu dự hội nghị.

Trong quý II, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

8h43: Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Trang trình bày Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng quý I, phương hướng nhiệm vụ quý II năm 2024.

Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Trang trình bày báo cáo tại hội nghị.

Quý I-2024, các cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban kiểm tra các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; ban hành Chương trình kiểm tra, giám sát và triển khai thực hiện các nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định; tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy để đánh giá tình hình, kết quả tham mưu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, giai đoạn 2021-2025...

Cấp ủy huyện và cơ sở thi hành kỷ luật đối với 33 đảng viên, có 12 cấp ủy viên (tăng 6 đảng viên so với cùng kỳ năm 2023); Ủy ban kiểm tra cấp huyện và cơ sở thi hành kỷ luật đối với 24 đảng viên, có 13 cấp ủy viên (tăng 8 đảng viên so với cùng kỳ năm 2023). Ủy ban Kiểm tra cấp tỉnh, cấp huyện đã ban hành Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 và tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh tài sản, thu nhập, trong đó Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã lựa chọn ngẫu nhiên 25 người để xác minh tài sản, thu nhập năm 2024...

Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh dự hội nghị.

Quý II năm 2024 cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp tiếp tục tập trung kiểm tra, giám sát đảm bảo mục tiêu Nghị quyết 56-NQ/TU ngày 29/12/2021 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, giai đoạn 2021-2025; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp năm 2024 đã đề ra...

8h59: Thảo Luận

Gợi ý thảo luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, ngay từ đầu năm cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, nỗ lực, khắc phục khó khăn, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, tập trung thực hiện quyết liệt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt được những kết quả quan trọng.

Các đại biểu dự hội nghị.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GRDP khá cao nhưng giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ, một số sản phẩm công nghiệp đạt thấp so với kế hoạch năm; một số chỉ tiêu còn đạt thấp; thu ngân sách trên địa bàn có một số khoản thu đạt thấp so với dự toán... Đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu của tỉnh đã đề ra.

Giám đốc Sở Công thương Hoàng Anh Cương phát biểu nêu rõ, trong quý I, tốc độ tăng trưởng về công nghiệp đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, giá trị sản xuất ngành công nghiệp thấp có nguyên nhân là do lượng điện sản xuất của Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang chưa như kỳ vọng; sản lượng bột Barit còn vướng một số thủ tục về gia hạn khai thác mỏ; sản lượng chè chưa đạt, do những tháng đầu năm chè chưa thu hái được nhiều... Xuất khẩu gặp khó khăn do ảnh hưởng chung của tình hình thế giới.

Giám đốc Sở Công thương Hoàng Anh Cương phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Tốc độ triển khai thành lập khu, cụm công nghiệp còn chậm, ngành đang nỗ lực khắc phục, tháo gỡ khó khăn để trình Thường trực thành lập mới 3 cụm công nghiệp trong quý II năm 2024. Về thương mại, ngành Công thương đang đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm OCOP, đồng thời nỗ lực phối hợp cùng các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp du lịch để quảng bá mạnh hơn nữa các sản phẩm hàng hóa của địa phương.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt cho biết, quý I giá trị ngành nông nghiệp của tỉnh tăng cao hơn 2,2 lần so với bình quân chung cả nước, đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, là điều kiện quan trọng để ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phát triển.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Thời gian tới, nhận định hiện tượng Enino sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, ngành đang có những phương án để đối phó với tình trạng hạn hán dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới đây. Đồng thời, tiếp tục có giải pháp ứng phó với thiên tai, lũ lụt, cháy rừng... Phấn đấu cao nhất mục tiêu đề ra đối với ngành Nông nghiệp.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Mạnh Duyệt cho biết, quy hoạch sử dụng đất của các huyện, thành phố đã được phê duyệt, các địa phương cần căn cứ để triển khai thực hiện. Cùng với đó, Luật Đất đai đã được phê duyệt, dự kiến sớm triển khai. Các địa phương cần rà soát, tổ chức thực hiện đảm bảo các quy định.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Mạnh Duyệt phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Liên quan đến đất đắp cho các công trình dự án, ngành đã rà soát và chuyển cho các huyện toàn bộ các điểm mỏ đã được phê duyệt để các địa phương căn cứ triển khai thực hiện các dự án. Các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực của ngành sẽ được Sở tập trung triển khai các giải pháp, tổ chức thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.

Giám đốc Ban Quản lý các công trình giao thông tỉnh Nguyễn Thiện Tuyên cho biết, đối với đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ đã được đưa vào vận hành hiệu quả, mỗi ngày lưu lượng từ 9 nghìn đến 10 nghìn xe di chuyển. Đối với các đường nhánh và các hạng mục phụ trợ, Ban đang phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thành trong tháng 4- 2024.

Giám đốc Ban Quản lý các công trình giao thông tỉnh Nguyễn Thiện Tuyên phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Đối với đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang đã được triển khai 51 mũi thi công trên toàn tuyến. Hiện nay các mũi thi công đang tổ chức thi công theo kế hoạch. Công tác giải phóng mặt bằng cũng đang được triển khai thực hiện quyết liệt, trong tháng 4 huyện Hàm Yên sẽ cơ bản bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Ban sẽ tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố để giải phóng mặt bằng, khi có mặt bằng sẽ bàn giao ngay cho các đơn vị thi công, đôn đốc các đơn vị tập trung máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư cho công trình.

Đối với cầu Xuân Vân cũng đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng nhưng còn vướng 3 hộ gia đình chưa đồng thuận, khó khăn cho việc triển khai đấu nối với QL 2C.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ma Quang Hiếu phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ma Quang Hiếu cho biết, Ban đã phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, Ban đã tham mưu, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua các nghị quyết để đảm bảo thực hiện giải ngân vốn đầu tư... Tuy nhiên tiến độ còn chậm ở thực hiện các tiểu dự án, trong khi nguồn vốn giải ngân còn rất lớn.

Trong đó có một số dự án giải ngân rất chậm như dự án Trường Đại học Tân Trào. Thời gian tới, cần tiếp tục có các giải pháp cụ thể hơn nữa về phân cấp, tháo gỡ khó khăn thực hiện giải ngân vốn. Ngoài ra vẫn còn có những vướng mắc về thể chế, dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện giải ngân.

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Trương Thế Hùng phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Trương Thế Hùng nêu: Tỷ lệ thực hiện so với dự toán trong quý I năm 2024 đạt thấp và thấp so với bình quân chung cả nước, đạt 19% dự toán chính phủ giao. Nguyên nhân là do dự toán thu của năm khá cao. Tình trạng nợ thuế của một số đơn vị, việc đấu giá thu tiền sử dụng đất chưa đáp ứng yêu cầu; đấu giá thu tiền thuê đất các huyện thực hiện đạt thấp; nguồn thu từ các doanh nghiệp Nhà nước chủ yếu sẽ tăng cao từ quý II và quý III; thu thuế trước bạ cũng thấp.

Để đạt được mục tiêu đề ra trong quý II, được dự báo rất khó khăn, nhưng ngành Thuế sẽ nỗ lực triển khai các giải pháp để hoàn thành kế hoạch đề ra. Ngành Thuế đề nghị các địa phương phối hợp với ngành trong việc triển khai các công việc liên quan đến nguồn thu ngân sách, nhất là việc đấu giá quyền sử dụng đất. Cùng với đó, các sở, ngành, các huyện thành phố đẩy nhanh tiến độ các dự án ngoài ngân sách để tạo nguồn thu cho năm 2024, 2025.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Trịnh Ngọc Tuấn phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Trịnh Ngọc Tuấn cho biết, nguồn vốn trên địa bàn tỉnh dồi dào, chính sách ưu đãi hấp dẫn, nhưng vẫn khó khăn về đầu ra. Như nguồn vốn cho vay đi lao động nước ngoài theo hợp đồng còn gặp khó khăn liên quan đến quy định về học nghề, các huyện, thành phố cần có giải pháp tạm ứng để các đối tượng vay, sau khi hoàn thành các chứng chỉ nghề ngân hàng sẽ giải ngân 100%. Hoạt động tín dụng đối với các dự án ngoài ngân sách thực tế có nhu cầu lớn, nhưng còn có rào cản về thủ tục, cần sớm có các giải pháp tháo gỡ thủ tục hành chính về đất đai...

Đồng chí Trần Viết Cương, Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang cho biết, quý I năm 2024, các chỉ tiêu của thành phố đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên còn một số tồn tại như: công tác giải phóng mặt bằng một số công trình trọng điểm còn chậm; thu ngân sách trên địa bàn đạt 194 tỷ…

Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang Trần Viết Cương phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Thành phố đề nghị các đồng chí lãnh đạo các sở, ngành có liên quan xem xét: Tư vấn đơn giá để đấu giá quyền sử dụng đất, mong các ngành có giải pháp có đơn giá đúng đủ để thu hút các nhà đầu tư tham gia đấu giá. Luật Nhà ở có hiệu lực, các dự án đầu tư trên địa bàn phường, các nhà đầu tư sẽ phải xây thô, chi phí của nhà đầu tư bỏ ra lớn sẽ ảnh hưởng đến tài chính của các nhà đầu tư; người dân cũng phải ở theo mẫu xây sẵn… dẫn đến thị trường bất động sản của thành phố gặp khó khăn.

Thành phố cũng đề nghị, 2 tiêu chí chưa đạt trong xây dựng đô thị loại II là đường giao thông và khu xử lý rác thải, vậy đề nghị các ngành quan tâm đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung trên địa bàn…

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vân Đình Thảo phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Đồng chí Vân Đình Thảo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong quý II cũng sẽ còn rất nhiều khó khăn, vì vậy, chúng ta phải bám sát vào tình hình chung của khu vực và địa phương để có những giải pháp cụ thể trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu tăng trưởng đạt trên 9% trong quý II. Hiện nay, UBND tỉnh đã họp thường kỳ hằng tuần để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án… Trong đó, tập trung vào các dự án trọng tâm, trọng điểm.

Trong quý I có gần 100 doanh nghiệp được thành lập mới, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng, hoạt động hiệu quả. Đồng chí mong muốn các huyện, thành phố là các chủ đầu tư quan tâm chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án… Tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong quý I cũng cơ bản đáp ứng tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang khẳng định, trong quý I các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thực hiện rất khả quan. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả trong quý II và những tháng tiếp theo cần tập trung đánh giá cụ thể các số liệu, các chỉ tiêu trong quý I chưa thực hiện hiệu quả để có giải pháp thực hiện ngay.

Về giải ngân vốn đầu tư, các cấp các ngành cần bám sát vào Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại kỳ họp chuyên đề để tổ chức thực hiện. Đối với thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong quý I đã tập trung thực hiện hồ sơ thủ tục, và triển khai các nguồn vốn chuyển tiếp năm 2023 thì ngay từ tháng 4 phải đẩy nhanh thực hiện giải ngân. Đề nghị các huyện, các chủ đầu tư chú trọng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về giải ngân nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, các địa phương sớm hoàn thành các thủ tục công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn nhấn mạnh, việc những bất cập thu ngân sách và nâng cao tỷ lệ cho vay của các ngân hàng, UBND tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để thực hiện hiệu quả.

Tiến độ thành lập các khu, cụm công nghiệp chậm trong quá trình triển khai có nhiều vướng mắc có nhiều nguyên nhân. Đối với thành lập khu công nghiệp, thẩm quyền phê duyệt của Chính phủ, hồ sơ thủ tục tục còn phải tiếp tục hoàn thiện. Đối với cụm công nghiệp, thẩm quyền của tỉnh, trong khi cần phải có quy hoạch chi tiết, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, do đó cần có đủ thời gian để tổ chức triển khai thực hiện. UBND tỉnh cũng sẽ rà soát lại quỹ đất của khu, cụm công nghiệp hiện có để tập trung giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp hiện có.

Ngoài ra một số dự án đầu tư cũng gặp khó khăn trong quá trình triển khai, trong đó có nguyên nhân chủ quan liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quan tâm, giải quyết các công việc của nhà đầu tư. Còn có tâm lý sợ sai, né tránh, đùn đẩy trong thực hiện hiệm vụ của một số cán bộ. Tỉnh sẽ quyết liệt trong việc triển khai thực hiện các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

11h30: Kết thúc Chương trình làm việc buổi sáng. Buổi chiều Báo Tuyên Quang online tiếp tục cập nhật các nội dung chương trình làm việc.

Ngọc Hưng - Phạm Huyền - Huy Hoàng - Thanh Thủy

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/hoi-nghi-bch-dang-bo-tinh-lan-thu-18-khoa-xvii-mo-rong-190342.html