Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam: Công bố dự thảo quy chế với 8 nhiệm vụ

Một trong những nhiệm vụ của Hội đồng DN hàng đầu Việt Nam là phát triển lực lượng DN dân tộc quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt.

Phát triển lực lượng doanh nghiệp dân tộc

Ngày 8/3, tại Quảng Ninh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức cuộc họp Hội đồng Doanh nghiệp (DN) hàng đầu Việt Nam. Tại cuộc họp, Hội đồng đã đưa ra bản dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động với 7 chương và 18 điều, trong đó đưa ra 8 nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, bao gồm: Thứ nhất, nghiên cứu, đề xuất các chính sách mới, mang tính đột phá để hình thành, phát triển lực lượng doanh nghiệp dân tộc hàng đầu quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức cuộc họp Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam

Thứ hai, tập hợp, kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam phát triển vững mạnh thông qua các hoạt động truyền thông, xúc tiến thương mại và đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm kiến tạo chuỗi giá trị, nghiên cứu và phát triển, kết nối hợp tác với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Thứ ba, nghiên cứu, đề xuất và triển khai các hoạt động dẫn dắt, hỗ trợ chuỗi cung ứng ngành và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành.

Thứ tư, tham vấn cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ban Chấp hành VCCI về xây dựng môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp; đề xuất các giải pháp và chính sách phát triển các ngành kinh tế, lĩnh vực trọng điểm quốc gia nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế.

Thứ năm, định hướng, khuyến khích các doanh nghiệp lớn, đầu ngành tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh của ngành, của doanh nghiệp, góp phần xây dựng, lan tỏa đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh Việt Nam trong thời kỳ mới.

Thứ sáu, tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cao cấp dành riêng cho lãnh đạo các doanh nghiệp đầu ngành Việt Nam. Thứ bảy, tổ chức các hoạt động xã hội, hoạt động văn hóa, thể thao, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần, bồi dưỡng thế hệ kế cận cho đội ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp thành viên và gia đình. Thứ tám, thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Chấp hành, Ban Thường trực VCCI giao.

Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam ra mắt vào tháng 4/2023, với 21 thành viên, quy tụ doanh nhân đứng đầu các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam ở nhiều lĩnh vực như: Công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Hội đồng có 3 đồng chủ tịch gồm: Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI; ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn THACO và ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT.

Sứ mệnh của Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam là tập hợp, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (Ảnh minh họa)

Tiêu chí nào để doanh nghiệp là thành viên của Hội đồng?

Sứ mệnh của Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam là tập hợp, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, hình thành đội ngũ doanh nghiệp dẫn dắt cho các ngành, góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam cho biết: Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam là cơ quan của Ban Chấp hành VCCI, có chức năng tập hợp, liên kết, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp lớn, đầu ngành Việt Nam, mở rộng mối quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế, phát huy vai trò của các doanh nghiệp đầu ngành trong phát triển các ngành, các địa phương, dẫn dắt các doanh nghiệp trong ngành, tham gia phát triển cộng đồng doanh nghiệp và góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững…

Dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động cũng dành một chương về thành viên của Hội đồng. Theo đó, để trở thành thành viên, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như: Thuộc nhóm 10 doanh nghiệp dẫn đầu (TOP 10) của một ngành, lĩnh vực kinh doanh. Nếu doanh nghiệp hoạt động đa ngành, cần có ít nhất 1 ngành nằm trong TOP 10. Doanh nghiệp có quy mô lớn, đáp ứng tiêu chí cụ thể về vốn chủ sở hữu, doanh thu, lợi nhuận, lao động...

Doanh nghiệp hoạt động ngành nghề có vai trò quan trọng trong nền kinh tế hoặc đối với đời sống nhân dân, sẵn sàng tham gia gánh vác trách nhiệm dẫn dắt đối với sự phát triển của ngành, kinh doanh tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm xã hội.

Cá nhân người lãnh đạo đại diện doanh nghiệp tham gia Hội đồng phải có uy tín tốt trong ngành, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, gương mẫu trong thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc công nhận thành viên mới vào Hội đồng cần có sự đồng thuận của trên 70% số thành viên hiện hữu và được Chủ tịch VCCI phê duyệt, ra quyết định công nhận.

Hội đồng cũng quy định về việc loại bỏ thành viên cũ, theo đó doanh nghiệp bị loại khỏi Hội đồng khi vi phạm pháp luật hoặc 3 năm liên tiếp không đạt các tiêu chí thành viên. Khi tham gia Hội đồng, doanh nghiệp thành viên được hưởng các quyền lợi như: Tạo điều kiện kết nối, hợp tác với lớn khác ở trong và ngoài nước. Được mời tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trong và ngoài nước do VCCI tổ chức.

Theo ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, dự thảo quy chế hoạt động học tập mô hình của một số quốc gia trên thế giới, điển hình là Keidanren của Nhật Bản.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoi-dong-doanh-nghiep-hang-dau-viet-nam-cong-bo-du-thao-quy-che-voi-8-nhiem-vu-307526.html