Học từ những chương trình giao lưu quốc tế

Đi nước ngoài miễn phí, được trau dồi tiếng Anh, rèn luyện góc nhìn đa chiều, cạnh tranh… là những lý do khiến nhiều bạn trẻ đăng ký chương trình trao đổi, giao lưu quốc tế.

Mỗi chuyến đi là một bài học từ cuộc sống. Tham gia các chương trình trao đổi, giao lưu quốc tế, người trẻ tiếp xúc với thế giới để mở mang đầu óc, nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, kiến thức và hành vi.

Những chuyến đi đầy cơ hội

Trong năm 2015, Nguyễn Vĩnh Bảo (SN 1994) có bốn chuyến xuất ngoại đến Australia, Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Trong đó, Bảo tham dự ba hội nghị quốc tế. Ban tổ chức chương trình đài thọ toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở cho chàng trai năng động.

Cũng chọn giao lưu quốc tế là cơ hội mở mang tầm mắt, Phạm Giang (SN 1991) từng tham gia nhiều chương trình như Loyola Exchange Program 2011-2012, Interfaith Summit 2012, JENESYS 2.0 2013, SSEAYP 2013, Vietnam Youth Model of United Nations 2014, Lifestyle of ASEAN - Korea Exhibition 2015.

Theo Giang, những điều quan sát về cuộc sống và xã hội ở nơi mình tới giúp có cái nhìn thực tế và sự trải nghiệm lý thú. Mỗi chuyến đi là bài học thực tế sinh động.

Nguyễn Vĩnh Bảo tại Hội nghị Sinh viên lãnh đạo trẻ tiềm năng lần thứ năm.

Trưởng thành trong những chuyến đi cũng là mong muốn của Lương Mạnh Hà (SN 1993). Sau một thời gian tự ti và hoài nghi về khả năng bản thân khi nhập học Đại học Ngoại thương Hà Nội, Nam sinh yêu thích du lịch này mạnh dạn ứng tuyển vào các chương trình dành cho giới trẻ tại nước ngoài.

Sau đó, chàng trai Ngoại thương có cơ hội tham quan nhiều quốc gia khi dự các sự kiện Google Student Ambassador Program 2013 (Indonesia), CIMB Young Leaders’ Summit 2014 (Malaysia), International SOS Summit 2015 (Hoa Kỳ)…

Còn Vũ Thị Thanh Phát (SN 1994), đang học Đại học Luật TP HCM và làm việc tại dự án Today’s Voice thuộc UNESCO – CEP lại chọn những chương trình hướng về cộng đồng ASEAN. Phát từng tham gia dự án Global Citizen – Sunshine 4 project (Indonesia). Gần đây, bạn trở thành đại diện Việt Nam cho chương trình Model ASEAN meeting tại Malaysia. Chương trình diễn ra dưới hình thức một kỳ họp thượng đỉnh ASEAN giả định.

Bài học kinh nghiệm đắt giá

Chỉ có trải nghiệm thực tế mới biết được khó khăn khi bắt tay vào đăng ký những chương trình giao lưu quốc tế. Những bước đơn giản như viết đơn đăng ký, tự làm CV cũng khiến các bạn sinh viên gặp khó khăn.

“Hầu hết chương trình chỉ nêu tiêu chí lựa chọn và mình phải thiết kế một bản CV riêng. Tại Việt Nam, sinh viên chưa được hướng dẫn và việc giới hạn số chữ sẽ khiến nhiều bạn lúng túng” – Thanh Phát chia sẻ.

Vĩnh Bảo thì cho rằng, việc một tuần nhận nhiều email báo không được chọn là chuyện bình thường. Bạn nên bổ sung những mặt chưa được và sửa chữa theo góp ý của những người đã đánh trượt mình. Điều quan trọng, theo Bảo, số lần thất bại sẽ tỷ lệ thuận với thành công.

Giang Phạm cũng từng không qua được vòng phỏng vấn SSEAYP năm 2012 nhưng đã kiên trì chuẩn bị kỹ càng hơn và trở thành đại diện Việt Nam nổi tiếng trên chuyến tàu năm 2013.

Giang chia sẻ thêm, việc đầu tư kỹ cho bài luận rất quan trọng. Những chương trình mà ban tổ chức đài thọ toàn bộ chi phí luôn có sự cạnh tranh lớn giữa các ứng viên, cần chuẩn bị tốt để không bất lợi khi phỏng vấn.

Còn Phan Trâm Anh (SN 1994), đại biểu Việt Nam cùng 74 lãnh đạo trẻ trên toàn thế giới, tham dự chương trình Trường học Mùa hè Liên Hợp Quốc năm 2015 tại New York, Mỹ, tâm sự, tham gia các chương trình giao lưu quốc tế, sinh viên là đại diện cho đất nước mình, phải có góc nhìn khác và năng lực cạnh tranh cao.

Trâm Anh đã xác định rõ tâm thế và chuẩn bị kỹ càng, tập trung cao độ, và thể hiện trưởng thành hơn trong nhận thức suốt hơn một tuần ở Mỹ.

Bạn Lương Mạnh Hà đưa ra lời khuyên “phải hiểu rõ về bản thân”. Trước hết, các bạn trẻ thử dành thời gian nhìn lại những việc mình từng làm, khám phá điều yêu thích hoặc thế mạnh của bản thân. Hà hiểu về mình thông qua bài trắc nghiệm tính cách, từ đó có thể đưa ra những định hướng phù hợp.

Là thời điểm thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN – AEC, sự hội nhập của Việt Nam diễn ra mạnh mẽ, Hà cho rằng, mỗi người trẻ hoàn toàn có thể chọn cho mình một chương trình giao lưu quốc tế và giành cơ hội học hỏi kinh nghiệm.

“Tham dự những cuộc chơi lớn để biết mình là ai, đến và đang ở đâu, mình sẽ làm được gì để bớt 'anh hùng bàn phím' và 'ảo tưởng sức mạnh', từ đó hàng động nhiều hơn” – Thanh Phát nêu quan điểm.

Yến My – Diệp Uyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hoc-tu-nhung-chuong-trinh-giao-luu-quoc-te-post612890.html