Học trò nói 'đi học mỏi chân', thầy bảo 'để thầy đến đón'

Sau Tết Nguyên đán, vì hoàn cảnh khó khăn, lo ngại dịch bệnh nhiều học sinh người dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa nghỉ học ở nhà.

- “Lần này là lần thứ 3, bây giờ mới gặp chị, gia đình cố gắng cho em đi học để biết cái chữ, cải thiện cuộc sống sau này. Mình đã khổ rồi, cho đời em nó khấm khá hơn, không đi học, không có chữ sau này làm kinh tế khó khăn lắm”.

- “Chị cũng nói con đi học chứ, mình đi làm mướn lo cơm gạo cho ăn đi học. Con nói đi sáng nào cũng xuống đó thì mỏi chân, không có xe đi. Thầy nói vậy có gì thì chở Cao Vũ đi học”.

Đó là trao đổi của thầy giáo Lê Thế Sáng, Trường THCS Cao Văn Bé với phụ huynh học sinh. Sau nhiều lần ngược núi, lần thứ 3, thầy giáo Lê Thế Sáng, mới gặp được mẹ của em Cao Vũ, học sinh lớp 6 của trường. Cao Vũ là 1 trong 2 học sinh chưa trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Sau Tết, trong lớp có một số em nghỉ học ở nhà theo cha mẹ lên rẫy đã được thầy vận động trở lại trường học.

Lần thứ 3 đến nhà, thầy giáo Lê Thế Sáng, Trường THCS Cao Văn Bé mới gặp được phụ huynh.

Trường THCS Cao Văn Bé, ở xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh là một trong những trường học ở địa bàn khó khăn nhất tỉnh Khánh Hòa. Trường chỉ có 300 học sinh, hầu hết là người dân tộc thiểu số như: Raglay, T’rin, Ê đê… Việc duy trì sĩ số học sinh là nhiệm vụ rất khó đối với nhà trường.

Sau Tết, các giáo viên nhiều lần vượt núi từ 5 - 10km đến từng gia đình thăm hỏi, động viên phụ huynh, học sinh thuyết phục các em ra lớp. Cô Nguyễn Thị Ngọc Linh, chủ nhiệm lớp 9/2, Trường THCS Cao Văn Bé cho biết, giáo viên chủ nhiệm phải đi vận động thật sớm để các em không đi làm việc khác mà ra lớp đầy đủ.

“6 giờ kém mình phải đi rồi, đi buổi tối không tiện. Vận động có những đoạn đường hẻo lánh, rất là sợ. Mình đi vào nhà mà có khi phụ huynh nằm ở trong nhà nhưng không ra tiếp giáo viên. Mình phải kiên trì, học sinh nghỉ học ngày thứ hai bắt đầu phải vào nhà liền để các em ra lớp”, cô Linh chia sẻ.

Thầy giáo Lê Thế Sáng, Trường THCS Cao Văn Bé đến tận nhà thuyết phục phụ huynh cho học sinh đến lớp.

Huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa có 38 trường học, với 10.000 học sinh. Hiện nay, tỷ lệ học sinh ra lớp của bậc mầm non, tiểu học đạt gần 100%, riêng khối trung học cơ sở khó khăn hơn, học sinh đến lớp đạt 95% tổng số học sinh.

Thầy Bùi Hữu Hóa, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến nay khoảng 60 học sinh vẫn chưa ra lớp. Các giáo viên phải thường xuyên liên hệ với Trưởng thôn, già làng để vận động phụ huynh, học sinh cho con em tới trường.

“Tận tụy đến với từng học sinh bởi vì tâm lý các em chểnh mảng, một phần các em cũng vì điều kiện kinh tế phải phụ giúp gia đình. Giáo viên ngoài trách nhiệm đứng lớp cần phải làm tốt việc thường xuyên thăm hỏi, động viên. Chú trọng đến những trường hợp gia đình quá khó khăn, chưa ham học, ta phải có nghệ thuật khéo léo, huy động tối đa học sinh ra lớp”, thầy Hóa cho hay.

Dạy học ở huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.

Học sinh người dân tộc thiểu số ở tỉnh Khánh Hòa đã và đang thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Để duy trì sĩ số, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, các trường phải báo cáo sĩ số hàng ngày, phân công giáo viên tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể từng em để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Bà Ka Tông Thị Mến, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết: Các trường cũng tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, vui chơi, giúp các em có niềm vui khi đến trường học.

“Địa hình trên địa bàn huyện xa xôi, cách trở, giáo viên rất vất vả để giúp các em trở lại trường học. Các thầy, cô giáo đã hết sức cố gắng, nỗ lực vận động các em học sinh đảm bảo sĩ số lên lớp cũng như chất lượng học tập. Còn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động, giúp các em học hành đến nơi đến chốn, đó là một trong những mục tiêu để giúp thoát nghèo”, bà Mến nói./.

Thái Bình/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/van-dong-hoc-sinh-dan-toc-mien-nui-ra-lop-post928098.vov