Học cách đánh giá và trân trọng bản thân, nhìn nhận những thành công nhỏ và tiến bộ trong hành trình Đại học

Vũ Hoàng Vân Anh (sinh năm 2003) quê Lạng Sơn, đang là sinh viên theo học chuyên ngành Truyền thông Đa phương tiện khóa 41 Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Thời cấp 3 Vân Anh học chuyên Anh khóa 30 Trường THPT Chuyên Chu Văn An - Lạng Sơn. Vân Anh chia sẻ với bạn đọc Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam về sự lựa chọn ngành và ngôi trường mà cô đang theo học.

Đây là một câu chuyện khá dài. Học viện Báo chí và Tuyên truyền không thực sự là nguyện vọng ban đầu của mình. Thời gian cấp ba, mình có ý định thi năng khiếu khối H (Văn, Vẽ hình họa, Bố cục màu) và chọn ngành Thiết kế đồ họa, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp là đích đến của mình. Mình đã đi học vẽ xuyên suốt 2 năm, từ cuối năm lớp 10 cho đến kỳ đầu tiên của lớp 12. Tuy nhiên, vì một số lý do, mình phải từ bỏ ngỏ ước mơ đó và chuyển hướng sang thi khối D (Toán, Văn, Anh).

Vũ Hoàng Vân Anh (sinh năm 2003) quê Lạng Sơn, đang là sinh viên theo học chuyên ngành Truyền thông Đa phương tiện khóa 41 Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Ý định chuyển khối thi xuất hiện vào lúc khá muộn nên mình đã phải suy nghĩ và đắn đo rất nhiều trong khoảng thời gian ấy. Tất nhiên, vì bản thân xuất phát là một học sinh chuyên Anh thì việc đổi khối thi như vậy không quá ảnh hưởng đối với việc học tập của mình. Câu chuyện lựa chọn chuyên ngành hiện tại thật ra cũng là một cơ duyên nhỏ. Mình biết tới Truyền thông Đa phương tiện của Học viện thông qua một bài viết PR ngành trong group trường cấp 3 từ một người đàn anh chung khối chuyên. Ban đầu cũng có chút tò mò nên bản thân mình cũng tìm hiểu kỹ và nhận ra ngành học này cũng bao gồm những gì mà mình muốn làm ban đầu. Cá nhân mình cũng hy vọng có thể tiếp tục theo đuổi thiết kế đồ họa thông qua một con đường khác. Vậy nên, Truyền thông Đa phương tiện tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền trở thành nguyện vọng cao nhất của mình.

Để nói về học tập thời sinh viên, hai năm đầu mình đều đạt danh hiệu sinh viên giỏi. Tuy không quá nổi trội về học tập nhưng mình cũng cố gắng tham gia các hoạt động ngoại khóa thường xuyên nhất. Hiện tại, mình đang là Phó chủ nhiệm CLB Tiếng Anh Học viện Báo chí và Tuyên truyền (EFC) và từng đảm nhiệm vị trí Trưởng đội Thiết kế của sự kiện Chào tân khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền Premiere 2023: Back To The Future.

Vân Anh chụp ảnh cùng CLB Tiếng Anh Học viện Báo chí và Tuyên truyền (EFC).

Hiện tại, Vân Anh đang là Phó chủ nhiệm CLB Tiếng Anh Học viện Báo chí và Tuyên truyền (EFC).

Về công việc, hiện tại mình đang là một Freelancer. Mình nhận làm thiết kế các ấn phẩm truyền thông và cũng như là quay dựng video. Vì tính chất công việc khá tự do, mình có thể làm việc linh hoạt giữa online và offline mà không bị áp lực về vấn đề thời gian. Mặc dù thu nhập dao động tùy tháng nhưng qua công việc thì mình được tiếp xúc với nhiều người hơn và từ đó mình tạo dựng được các mối quan hệ khác nhau, có thêm cơ hội hợp tác và phát triển.

Thời gian đầu lên năm nhất đại học, mình có trải qua áp lực đồng trang lứa. Lúc đó, mình là một người tự ti và ngại giao tiếp, điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến trải nghiệm học tập và cuộc sống của mình vào thời điểm đó.

Mình phải thừa nhận cảm giác không đủ tự tin để tham gia vào các hoạt động xã hội và tìm hiểu bạn bè mới đã khiến mình tự ti hơn trong những ngày đầu mới bước chân lên Hà Nội. Mình luôn lo lắng về việc bị chỉ trích hoặc bị xa lánh khi gặp gỡ những người mới. Mình thường so sánh bản thân với các bạn học qua thành tích học tập và thành tích ngoại khóa. Khi thấy người khác đạt được thành công hoặc được công nhận, mình cảm thấy tự ti và nghi ngờ về khả năng của mình. Vô hình chung thì bản thân mình đã tự tạo ra một áp lực lớn để phải thành công và chứng tỏ mình trước trước người khác.

Về công việc, Vân Anh đang là một Freelancer.

Tuy nhiên, từng ngày trôi qua, mình đã dần vượt qua nỗi sợ hãi và tự ti ấy. Mình nhận ra rằng mỗi người đều có điểm mạnh và yếu riêng, và không cần phải so sánh mình với ai khác. Mình đã học cách đánh giá và trân trọng bản thân, nhìn nhận những thành công nhỏ và tiến bộ của mình trong hành trình đại học.

Việc tham gia vào các hoạt động ngoại khóa và tìm kiếm cơ hội giao tiếp mới cũng đã giúp mình vượt qua nỗi sợ ngại ban đầu. Bằng cách tham gia vào các câu lạc bộ và dự án xã hội, mình đã gặp được nhiều người bạn mới có cùng sở thích và quan điểm. Dần dần, mình đã cải thiện kỹ năng giao tiếp và trở nên tự tin hơn trong việc giao tiếp với người khác. Sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè có lẽ là hậu phương lớn nhất. Họ đã khuyến khích và tin vào khả năng của mình, giúp mình vượt qua những khó khăn và phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Mình đã học được rằng tự tin hay khả năng giao tiếp không phải là những điều mang đến từ bên ngoài, mà là những kỹ năng và tư duy mà chúng ta có thể nâng cao và phát triển theo thời gian. Quan trọng nhất, việc vượt qua nỗi sợ và tự ti đòi hỏi sự kiên nhẫn.

Theo mình, việc sống có ích cho xã hội không nhất thiết phải là việc lớn lao, mà cũng có thể là những hành động nhỏ như tạo niềm vui và sự động viên cho những người xung quanh, lắng nghe và chia sẻ thời gian với những người cô đơn, hay đơn giản là lan tỏa tinh thần lạc quan và tích cực trong cuộc sống hàng ngày. Hiện tại, mình đang cố gắng mỗi ngày để trau dồi bản thân nhiều hơn nữa.

Trước đây, mình từng thực hiện một dự án truyền thông nhằm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho những người chịu ảnh hưởng của bạo lực ngôn từ. Tuy chưa thật sự tạo được sức ảnh hưởng quá lớn nhưng mình cũng rất trân trọng những phản hồi tích cực về dự án khi chuyên mục Confession được phát hành. Có những câu chuyện được gửi về, kể về những trải nghiệm khó khăn và đau lòng của những người đã trải qua bạo lực ngôn từ. Những câu chuyện này thực sự làm cho mình nhận ra rằng ngôn từ có thể gây tổn thương sâu sắc và ảnh hưởng lớn đến tâm lý của con người đến nhường nào. Bởi vậy, bản thân mình luôn cố gắng truyền tải thông điệp về tình yêu thương, sự thông cảm và tôn trọng trong mỗi bài viết thuộc chuyên mục Confession.

Tham gia các hoạt động xã hội giúp Vân Anh dần hoàn thiện bản thân.

Dự án này không chỉ giúp những người chịu ảnh hưởng cảm thấy được quan tâm và có sự hỗ trợ, mà còn lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của nâng cao nhận thức về bạo lực ngôn từ. Tuy dự án có quy mô nhỏ, nhưng mình hi vọng rằng nó đã góp phần nhỏ bé trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi cách tiếp cận của mọi người đối với vấn đề bạo lực ngôn từ.

Sự phản hồi tích cực từ những người đã đọc và chia sẻ câu chuyện của họ là nguồn động lực và khích lệ lớn đối với mình. Nó cho thấy rằng những hành động nhỏ có thể lan truyền thông điệp tích cực và tạo ra sự thay đổi nhỏ trong xã hội. Vì vậy, mình tiếp tục tìm kiếm những cách khác nhau để đóng góp và sống có ích cho cộng đồng xung quanh mình.

Tú Chân (Ghi)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/hoc-cach-danh-gia-va-tran-trong-ban-than-nhin-nhan-nhung-thanh-cong-nho-va-tien-bo-trong-hanh-trinh-dai-hoc-post1592654.tpo