Hoàn thiện hệ thống pháp luật kiểm toán để đảm bảo kiểm tra, giám sát tài chính, tài sản công

Trong năm 2023, Kiểm toán nhà nước đã tập trung thời gian, nguồn lực và có nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật kiểm toán.

Đưa pháp lệnh vào cuộc sống

Kiểm toán nhà nước là cơ quan chuyên môn do Quốc hội thành lập có chức năng đánh giá, xác nhận, kiến nghị việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực, tính giải trình, tính minh bạch của các đơn vị trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Vì thế, trong hoạt động của mình, Kiểm toán nhà nước luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, các luật, nghị quyết của Quốc hội để tổ chức triển khai thực hiện.

Trong năm 2023, Kiểm toán nhà nước đã tập trung thời gian, nguồn lực và có nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm toán, góp phần đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát tài chính, tài sản công.

Đáng chú ý, tại Phiên họp thứ 20, Quốc hội khóa XV, lãnh đạo Kiểm toán nhà nước đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hồ sơ Dự án Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Pháp lệnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/2/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2023.

“Ngay sau khi Pháp lệnh được thông qua, Kiểm toán nhà nước đã khẩn trương ban hành các hướng dẫn để hoàn thiện các văn bản của ngành, đảm bảo Pháp lệnh được đưa vào cuộc sống đúng thời hạn quy định”, đại diện Kiểm toán nhà nước khẳng định và thông tin thêm, đến ngày 30/11/2023, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành 15/16 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; ban hành 40/59 văn bản quản lý nhằm khẩn trương đưa Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước vào cuộc sống.

Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng thuộc Kiểm toán nhà nước đã hoàn thành công tác tham mưu rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước; theo dõi, đôn đốc việc xây dựng các văn bản của ngành theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý của Kiểm toán nhà nước và Kế hoạch triển khai thi hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước.

Lãnh đạo Vụ Pháp chế (Kiểm toán nhà nước) cho biết, trong năm 2023 đơn vị này được giao chủ trì xây dựng 12 văn bản bao gồm: 9 văn bản quy phạm pháp luật và 3 văn bản quản lý. Đây là các văn bản quan trọng góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản của Kiểm toán nhà nước, cụ thể hóa các quy định của Luật Kiểm toán nhà nước 2015 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.

“Đến nay, 100% văn bản đã được ban hành đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Trong đó, có những văn bản khó, phức tạp, lần đầu được Kiểm toán nhà nước ban hành như: Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; Hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước, Hướng dẫn xác định bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực Kiểm toán nhà nước”, lãnh đạo Vụ Pháp chế khẳng định.

Ngoài ra, năm 2023, Vụ Pháp chế đã thẩm định 176 dự thảo kế hoạch kiểm toán và 215 dự thảo báo cáo kiểm toán; tham mưu trả lời 25 văn bản kiến nghị kiểm toán đảm bảo chất lượng tiến độ theo quy định. Bên cạnh đó, Vụ cũng tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Kiểm toán nhà nước các vấn đề về công tác tố tụng, bảo vệ lợi ích của Kiểm toán nhà nước...

Năm 2024 Kiểm toán nhà nước sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác pháp luật

Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác pháp luật

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời bám sát mục tiêu chung của ngành, năm 2024 Kiểm toán nhà nước sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác pháp luật, công tác thẩm định kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán, trả lời kiến nghị kiểm toán; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy vai trò của các đơn vị tham mưu về công tác pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật.

Trên cơ sở đó, Kiểm toán nhà nước xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, trong đó: Bám sát chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, yêu cầu của Đề án: “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” và Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 để đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước theo kế hoạch; xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch tuyên truyền pháp luật năm 2024. Hoàn thành Thông tư liên tịch về việc phối hợp trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.

Xây dựng, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và văn bản phát luật của Kiểm toán nhà nước năm 2024 đảm bảo chất lượng và tiến độ; trọng tâm là rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản phát luật phù hợp với Quy định 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Thực hiện việc góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra thực hiện văn bản năm 2024 của Kiểm toán nhà nước. Rà soát, hệ thống hóa, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia và pháp điển hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Kiểm toán nhà nước.

Năm 2023, Kiểm toán nhà nước đã quyết liệt thực hiện xử lý các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đã tăng đáng kể. Tổng hợp sơ bộ đến 15/12/2023, số thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 về xử lý tài chính là 57.060,7/71.608,4 tỷ đồng, đạt 79,76% (cùng kỳ năm trước đạt 70,61%); các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 33 văn bản thay thế các văn bản không phù hợp (cùng kỳ năm 2022 là 25 văn bản); có 64/183 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.

Thùy Linh- Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoan-thien-he-thong-phap-luat-kiem-toan-de-dam-bao-kiem-tra-giam-sat-tai-chinh-tai-san-cong-300166.html