Góp ý dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Chiều 14.5, bà Hoàng Thị Thanh Thúy – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh lấy ý kiến góp ý đối với dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh lấy ý kiến góp ý đối với dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được thiết kế gồm 5 chương, 8 mục, 61 điều. Trên cơ sở những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong thực tiễn đã được tổng kết, đánh giá, dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, cá nhân, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại hội nghị, đại biểu góp ý: Điều 1 phạm vi điều chỉnh, bên cạnh nội dung được nêu “Luật này quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn và quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn”, đại biểu đề nghị bổ sung thêm “theo dõi, giám sát việc thực hiện quy hoạch” bởi đây là điều người dân rất quan tâm.

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị quy định tại Điều 28 dự thảo Luật nên mang tính mở để việc thực hiện được đồng bộ với Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 25.10.2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, qua đó bảo đảm phù hợp cho việc bố trí nguồn lực, nhân lực ngành Y tế.

Bà Hoàng Thị Thanh Thúy– Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Bà Hoàng Thị Thanh Thúy– Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Tại Khoản 5 Điều 18 về trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị và nông thôn có đề cập đến trách nhiệm của UBND cấp xã, theo ý kiến đại biểu nên giao lại cho thẩm quyền của cấp huyện thực hiện vì ở cấp xã còn khó khăn về nguồn nhân lực, trình độ năng lực... nên khó triển khai thực hiện.

Về thời hạn, thời kỳ quy hoạch, Khoản 5 Điều 21 và Khoản 4 Điều 22 của dự thảo Luật xác định: “Thời hạn quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã, đô thị mới dự kiến trở thành thành phố, thị xã từ 20 đến 25 năm”; “Thời hạn quy hoạch chung thị trấn, đô thị mới dự kiến trở thành thị trấn từ 20 đến 25 năm”. Trong khi đó, Luật Đất đai từ Điều 37, Điều 38, Điều 39, Điều 40 quy định thời kỳ quy hoạch sử dụng đất xác định là 10 năm; nội dung quy hoạch định hướng cũng 10 năm.

Lãnh đạo UBND thành phố Tây Ninh phát biểu tại hội nghị.

Lãnh đạo UBND thành phố Tây Ninh phát biểu tại hội nghị.

Mới đây nhất, Luật Đất đai năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua (chưa có hiệu lực) quy định quy hoạch tỉnh thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là 10 năm, tầm nhìn sử dụng đất 20 năm. Như vậy, giữa các loại quy hoạch về thời kỳ, thời hạn chưa giống nhau, đại biểu kiến nghị nên điều chỉnh thời hạn của luật đồng bộ với thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp.

Phát biểu tại hội nghị, bà Hoàng Thị Thanh Thúy– Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận các ý kiến của đại biểu, đồng thời đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, góp ý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Các ý kiến sẽ được tổng hợp, làm cơ sở để Đoàn ĐBQH tham gia thảo luận tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Trúc Ly

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/gop-y-du-an-luat-quy-hoach-do-thi-va-nong-thon-a172792.html