Họa sĩ Xuân Sơn với tình yêu dành cho Danh thắng Ngũ Hành Sơn

Không chỉ được biết đến là Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật Trúc Văn, họa sĩ Xuân Sơn (1957) còn được đồng nghiệp và người mê tranh đặt cho biệt danh Con của Thần Núi. Với tình yêu đặc biệt dành cho danh thắng Ngũ Hành Sơn, thông qua nét cọ tài hoa, đầy sự sáng tạo của mình, nét đẹp lịch sử, văn hóa về vùng đất linh thiêng Ngũ Hành đã được ông khắc họa đậm nét, đầy ấn tượng vào trong từng tác phẩm của mình...

Họa sĩ Xuân Sơn bên những tác phẩm tâm huyết vẽ về danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Niềm đam mê bất diệt

Là người con của Đà Nẵng, nên khi bén duyên với nghề cầm cọ, ông muốn đưa những giá trị tốt đẹp của quê hương đến với tất cả bạn bè khắp nơi. Từ những năm cấp 2, cấp ba, khi còn là cậu học sinh rụt rè, trầm lặng, ông đã âm thầm chọn cho mình con đường hội họa, thể hiện cảm xúc của mình một cách tự nhiên, chân thật nhất qua từng nét vẽ, phác thảo những bức tranh đầu tiên của riêng mình. Để rồi bốn mươi năm sau, ông sở hữu hơn 50 bức tranh, và cái tên Đỗ Xuân Sơn được mọi người biết đến nhiều hơn.

Mang trong mình dòng máu nghệ sĩ bay bổng, nay đây mai đó, trên cuộc hành trình đầy đam mê dành cho hội họa, ông luôn nhận được sự hậu thuẫn đắc lực từ vợ là chị Cẩm Vân. Mái nhà nhỏ nơi gia đình ông ở tại con hẻm đường 2- 9 cũng chính là nơi hội ngộ của bạn bè văn nghệ sĩ bốn phương. Đó vừa là nhà, vừa là nơi được thiết kế với không gian quán cà-phê nhỏ tại phòng khách có tên gọi rất mộc mạc mà cũng rất đỗi nên thơ: Lá Trúc. Quanh nhà được trang trí bằng những bức tranh, bức thư pháp của ông và bạn bè. Với ông, CLB Mỹ thuật Trúc Văn là nơi để mình và đồng nghiệp sống trọn với niềm đam mê cầm cọ.

Họa sỹ Xuân Sơn không xem vẽ là nghề hái ra tiền, mà trên hết, đó là nghiệp, là niềm đam mê bất diệt đã ăn sâu vào máu thịt ông. Đó không chỉ là sự sáng tạo của người nghệ sĩ mà còn chứa đựng cả một vùng ký ức lịch sử, văn hóa. Mỗi bức tranh của ông là sự tìm tòi, nghiên cứu rất kỹ về dòng chảy thời gian của mảnh đất ông đặt chân đến. Như tác phẩm Dòng sông di sản (vẽ tháng 3-2017, chất liệu sơn dầu), để bức tranh này đến được với công chúng, ông đã du hành từ sông Cổ Cò đi về phía Hội An và từ Hội An ra lại Ngũ Hành Sơn. Ông thả mình trôi về quá khứ, cảm nhận sự nhộn nhịp xô bồ của thương buôn khắp nơi đổ về Phố Cổ. Sau đó tìm đọc tư liệu về những nét văn hóa đặc sắc, những dấu ấn lịch sử còn ghi chép lại. Để rồi, từ bàn tay tài hoa của mình, ông sắp xếp nét vẽ sao cho vừa cân xứng hài hòa nhưng không quá khô cứng, vừa cho người xem sống lại với chiều dài của văn hóa lịch sử, vừa tái hiện được cái hồn của non nước Việt Nam.

Ngũ Hành Sơn - nguồn cảm hứng vô tận

Chọn cho mình lối khai phá riêng với dòng tranh mang tính thiền, Ngũ Hành Sơn đã trở thành một nguồn cảm hứng vô tận để họa sĩ Xuân Sơn sáng tác. Tình yêu ông dành cho mảnh đất linh thiêng này rất lớn, ông muốn gửi gắm đến mọi người về "vùng đất báu vật" của Đà Nẵng, đau đáu ước mơ đưa hình ảnh Ngũ Hành Sơn đến với bạn bè quốc tế. Chính vì lẽ đó mà người đời đã ưu ái dành cho ông cái tên là "con của Thần Núi".

Trước khi cầm cọ vẽ về mảnh đất linh thiêng này, ông luôn tìm hiểu kỹ lưỡng từng dấu tích, từng câu chuyện lịch sử, cảm nhận và hiểu rõ nó nhất trước khi đưa tác phẩm đến với mọi người. Từ lối tư duy sáng tạo riêng biệt của bản thân, ông đưa nét đẹp của Ngũ Hành qua đầu cọ uyển chuyển, mềm mại nhưng không kém phần bí ẩn, hùng vĩ, từ đó mang hơi thở nghệ thuật vào thực tại, chuyển tải hết hồn cốt của mỗi ngọn núi, phiến đá vào tranh.

Theo đuổi chủ đề này một cách thủy chung và đầy sáng tạo, họa sĩ đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm có giá trị như: Truyền thuyết Ngũ Hành, Dấu tích Chămpa, Non nước Huyền Trân, Bia Phổ Đà Sơn, Ngũ Hành Sơn vùng đất thiêng... Năm 2013, lần đầu tiên ông tổ chức triển lãm tranh với chủ đề "Chắp tay hoa" tại TP Hồ Chí Minh. Đến năm 2016, ông tiếp tục hành trình giới thiệu văn hóa của mảnh đất quê hương với chủ đề "Dấu ấn Ngũ Hành Sơn" tại làng lụa Hội An và tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra ông còn tham dự nhiều cuộc triển lãm chung tại TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt và Đà Nẵng. Các cuộc triển lãm đều nhận được sự quan tâm đón nhận nồng hậu của mọi người. Như nhà sử học Lê Duy Anh từng nói, những tâm huyết của họa sĩ Xuân Sơn trong những cuộc triển lãm luôn giúp mọi người hiểu nhiều hơn về những dấu tích có giá trị lịch sử được lưu giữ lại tại vùng đất tâm linh Ngũ Hành Sơn.

Về phần mình, ông cảm thấy hạnh phúc vì đã mang được giá trị lịch sử, bề dày trầm tích văn hóa tâm linh của Ngũ Hành Sơn đi khắp nơi, để mọi người hiểu rõ và dành tình cảm đặc biệt đến nơi đây. "Qua những tài liệu đọc được về Ngũ Hành Sơn, tôi thấy được đây là một di sản hiếm có, chứa đựng được chiều sâu văn hóa, lịch sử và tâm linh. Hy vọng nơi đây sẽ được quảng bá đến với mọi người. Và tôi mong muốn tại Ngũ Hành Sơn có một góc nhỏ nghệ thuật để tất cả những người văn nghệ sĩ yêu thích mảnh đất này có dịp chia sẻ, trao đổi với nhau qua những tác phẩm nghệ thuật cũng như giá trị của di sản Ngũ Hành Sơn" - họa sĩ Xuân Sơn bày tỏ.

Dù đã có cho mình kho tàng tác phẩm về Ngũ Hành Sơn, khai thác rất sâu về lịch sử, văn hóa tâm linh, nhưng với họa sĩ Xuân Sơn, vùng đất này luôn bí ẩn, là đề tài vô tận và ngày càng có sức hút lớn đối với họa sĩ. Và tình yêu mà ông dành cho vùng đất tâm linh Ngũ Hành Sơn là một tình yêu đặc biệt, như suối nguồn không bao giờ vơi cạn.

Công Hạnh - Minh Duyên

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/hoa-si-xuan-son-voi-tinh-yeu-danh-cho-danh-thang-ngu-hanh-son-post276089.html