Hoa ban trong đời sống và văn hóa dân tộc Thái

Với đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc, hoa ban có từ trong câu truyện cổ ngàn đời đến đời sống thường ngày, từ tiềm thức đến hiện tại, từ món ăn, đến những lễ hội, câu dân ca, tục ngữ, lời thơ thấm đượm trữ tình, trở thành một biểu tượng đẹp trong văn hóa Thái.

Lễ hội hoa ban xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ.

Nếu hoa đào gắn liền với vùng rẻo cao của đồng bào Mông, thì hoa ban thường gắn với những bản làng với những nếp nhà sàn xinh xắn của đồng bào dân tộc Thái. “Ban” trong tiếng Thái có nghĩa là “ngọt”, vừa là danh từ, vừa là tính từ. Cứ mỗi độ tháng ba về, sắc ban lại phủ trắng những triền đồi, khe suối, uốn lượn theo các cung đường, trong sân, ngoài ngõ, bên hiên nhà sàn, đâu đâu cũng thấy hoa ban. Cứ thế, hoa ban gắn bó đời đời, kiếp kiếp với cuộc sống thường nhật của đồng bào Thái.

Hoa ban gắn liền với đời sống văn hóa và tín ngưỡng của đồng bào Thái, là lễ vật không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống mùa xuân, lễ Xên bản xên mường đầu năm, nghi lễ cầu mưa, lễ hội Xên Lẩu nó, cúng măng rừng... Cành ban là vật trang trí cho ngày hội thêm phần trang trọng, làm đẹp cho không gian văn hóa vừa là vật phẩm mà đồng bào Thái sử dụng để gửi gắm khát vọng, mong muốn một năm mới thuận lợi, vạn điều may mắn.

Trong đời sống ẩm thực, hoa ban là nguyên liệu chế biến thành món ăn đậm đà hương vị núi rừng. Bà Lò Thị Thương, bản Cọ, phường Chiềng An, Thành phố, chia sẻ: Hoa ban có vị ngọt thanh, rất hợp để làm món nộm với măng đắng, rau rừng có vị chát nhẹ, giúp dung hòa hương vị món ăn. Hoa ban còn được dùng cho các món xào, nấu canh, làm gia vị. Chế biến hoa ban phải khéo, căn lửa vừa, nấu nhanh để cánh hoa không bị nát, giữ được màu sắc, độ giòn ngọt tự nhiên mới chuẩn vị.

Hoa ban nở rộ vào đầu tháng 3 dương lịch, đồng bào Thái xem mùa ban để tính nông lịch hằng năm, phát nương vào lúc hoa nở và tra hạt vào lúc hoa tàn. Hay nhìn ban nở để đoán về mùa vụ trong năm. Cứ năm nào hoa ban nở đều khắp đôi bờ suối, cả đồi, cả rừng, là báo hiệu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Thế nên, trong tiềm thức, bà con luôn mong những mùa ban nở rộ, phủ trắng mọi cánh rừng khi xuân về, với niềm hy vọng cả năm no ấm, đủ đầy, hạnh phúc.

Là người nghiên cứu lâu năm về văn học, tri thức dân gian dân tộc Thái, Nghệ nhân nhân dân Lò Văn Lả, phường Tô Hiệu, Thành phố, cho biết: Hoa ban xuất hiện nhiều trong ca dao, dân ca, tục ngữ Thái, đặc biệt là các tích chuyện cổ của dân tộc. Hoa ban đi vào văn học dân gian như một hình tượng quen thuộc, đã là người con của dân tộc Thái thì bất cứ ai cũng thuộc hoặc biết đến ít nhiều.

Sự tích hoa ban gắn với câu truyện cổ “Chàng Khôm - Nàng Ban” của dân tộc Thái, kể về tình yêu đôi trẻ bị ngăn cấm, về khát vọng có được hạnh phúc, tự do mà đánh đổi cả cuộc đời để giữ trọn lời thề hẹn lứa đôi. Hoa ban là hiện thân của nàng Ban xinh đẹp, trinh trắng, biểu tượng cho ước vọng về tình yêu thủy chung, son sắt, về cuộc sống hạnh phúc vẹn toàn. Hoa ban cũng từ đó đi vào câu khắp giao duyên trai gái: “Đôi ta yêu nhau không tính mùa ban nở/ Không thấy ngày ban tàn/ Không tính tháng không tính năm/ Mãi mãi như mùa ban đầu đôi ta yêu nhau”, “Ta yêu nhau khi ban còn đơm nụ/ Ta yêu nhau khi ban nở trên cành/ Ban sẽ héo mong ban trở lại cành/ Ban sẽ rụng mong ban rụng về gốc”...

Thiếu nữ dân tộc Thái bên hoa ban.

Hoa ban cũng đi vào ca dao, tục ngữ được bao thế hệ đúc kết từ trong cuộc sống thực gắn bó với núi rừng và những mùa ban. Đó là kinh nghiệm sản xuất “Quả ban tách mới đốt/ Quả ban mọc mầm mới tra nương”. Hay thể hiện ước vọng từ chính cuộc sống đời thường: “Mẹ nuôi con nhỏ vất vả/ Nuôi con út mong con khôn lớn thành người/ Con khỏe con đẹp mãi như cây hoa ban”... mong muốn có được sức sống mãnh liệt, bất chấp điều kiện khô cằn nơi núi đồi, khe đá mà bám rễ trưởng thành như cây ban.

Trong văn học dân gian, hoa ban là hình tượng đẹp đẽ nhất, thể hiện cho khát vọng về cuộc sống tự do, tình yêu mãnh liệt mà thuần khiết, trong sáng mà cao quý đến vô ngần. Hoa ban cũng đi vào những tác phẩm thơ, ca hiện đại mà mỗi tác giả gửi gắm cả tâm tình, nhớ thương vùng trời Tây Bắc, như Giáo sư Tô Ngọc Thanh nói: “Ở nước ta nhiều nơi có hoa ban, nhưng không nơi nào hoa ban lại nhiều và trắng trong, trinh bạch như ở Tây Bắc. Vì thế, mặc nhiên hoa ban đã trở thành biểu tượng của vùng đất ngút ngàn trùng xa này”.

Thanh Đào

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/hoa-ban-trong-doi-song-va-van-hoa-dan-toc-thai-gWY7x00Ig.html