Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng giữa hạn mặn ở Sóc Trăng

Tại tỉnh Sóc Trăng, tình hình mặn xâm nhập đang diễn biến khá gay gắt. Song, nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con nông dân ở địa phương vẫn xây dựng được nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập ổn định giữa mùa khô, hạn mặn và thiếu nước ngọt.

Những ngày cuối tháng 2/2024, ngay giữa vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn, mặn xâm nhập thuộc huyện Long Phú, thế nhưng 10 công đất trồng dưa leo của gia đình anh Nguyễn Tiền Khanh, ở ấp Cái Xe, xã Tân Thạnh vẫn xanh tươi, cho thu hoạch trái bán mỗi ngày.

Anh Khanh chia sẻ, vùng này chỉ có thể sản xuất 2 vụ lúa, mùa khô, mặn xâm nhập, thường xuyên thiếu nước ngọt nên phần lớn bà con hạn chế sản xuất lúa Đông xuân muộn (vụ thứ 3). Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, anh và các thành viên trong gia đình đã bàn nhau và quyết định chuyển đổi từ sản xuất lúa sang trồng màu.

Anh Khanh nhấn mạnh, để sản xuất được quanh năm, kể cả mùa khô, gia đình đã dành gần 3.000 mét vuông đất để đào ao, chứa nước ngọt, đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho cây màu, đồng thời đầu tư thêm hệ thống tưới tiêu tiết kiệm. Sau nhiều năm chuyển đổi, mô hình giúp gia đình có thu nhập quanh năm.

Anh Nguyễn Tiền Khanh đang chăm sóc diện tích trồng dưa leo

"Anh em chúng tôi trồng diện tích tầm 10.000 mét vuông, dưa leo đang phát triển tốt và đang thu hoạch. Mùa hạn mặn này thì anh em có dự trữ nước trong ao, tận dụng các mương liếp, chứa từ mùa mưa cho tới nay, chứ không có lấy nước nhiễm mặn từ bên ngoài vào. Dữ trữ nước để tưới tiêu cũng thoải mái. Ngoài ra còn ứng dụng kỹ thuật tưới đường ống tiết kiệm nên cũng hạn chế mất nước hơn" - anh Khanh cho biết.

Để khai thác hiệu quả thế mạnh sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua, tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để bên cạnh thích ứng với biến đổi khí hậu, còn hướng tới phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng, hình thành các mô hình sản xuất hiệu quả, mạng lại lợi nhuận kinh tế cao.

Điển hình như ở xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, bà con địa phương này đã xây dựng và thực hiện khá thành công mô hình trồng dưa hấu dưới chân ruộng giữa mùa khô hạn. Hằng năm, sau khi kết thúc vụ lúa Đông Xuân, bà con nông dân tìm kiếm những mẫu ruộng ở vùng đất gò, cao để đầu tư trồng dưa hấu.

Cây dưa leo xanh tốt giữa mùa khô, mặn xâm nhập ở xã Tân Thạnh, huyện Long Phú

Đang chăm sóc 6 công cây dưa hấu trồng dưới chân ruộng đã hơn tháng tuổi, ông Thạch Giàu ở ấp Sóc Bưng, chia sẻ, cứ bước mùa khô là ông lại chọn vài công đất để trồng dưa hấu. Năm ngoái, nhờ dưa hấu trúng mùa, được giá, ông kiếm lợi nhuận gần 50 triệu đồng/công sau 2 tháng trồng và chăm sóc.

Ông Giàu chia sẻ thêm: "Làm ruộng thì tôi bơm nước đầy, còn dưa hấu mình chỉ cần tưới nước mỗi ngày, một ngày tưới 2 lần, đủ nuôi sống cây dưa là được".

Theo nhiều nông dân có kinh nghiệm đưa cây màu xuống chân ruộng, với lợi thế là cây trồng dễ tiêu thụ, cho năng suất, dưa hấu được xem là cây trồng thích hợp cho việc sản xuất nông nghiệp mùa khô trên đất trồng lúa. Cách chuẩn bị đất cũng đơn giản, nông dân chỉ cần chọn đất phù hợp, sau đó, cắt rạ, xới đất và tiến hành gieo trồng, một số hộ thì đào thêm rãnh dẫn nước ngọt vào phục vụ tưới tiêu, hộ khác thì sử dụng máy bơm tưới trực tiếp. Mỗi ngày chỉ cần tưới 2 lần, nên cũng không đòi hỏi nhiều nước như trồng lúa.

Nhiều bà con chọn cây dưa hấu trồng dưới chân ruộng vào mùa khô thay vì trồng lúa

Ông Lê Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên cho biết, mô hình trồng màu, đặc biệt là dưa hấu dưới chân ruộng tại địa phương đã thực hiện được nhiều năm và khẳng định được hiệu quả kinh tế, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập. Năm nay, bà con tiếp tục gieo trồng trên diện tích 22ha cây dưa hấu dưới chân ruộng.

"Chúng tôi thường xuyên vận động bà con vừa thực hiện 2 vụ lúa, 1 vụ màu để đảm bảo nguồn nước trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập, hạn hán" - ông Quang chia sẻ.

Đào rãnh lấy nước tưới cho cây dưa hấu

Đưa cây dưa hấu xuống trồng dưới chân ruộng mùa khô đã góp phần thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, nhất là tình trạng thiếu nước ngọt tưới tiêu vào mùa khô hạn, vừa tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân trong những lúc nông nhàn vừa tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Hiệu quả kinh tế của mô hình đã thu hút càng nhiều hộ nông dân tại Sóc Trăng tham gia sản xuất.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/hieu-qua-tu-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-giua-han-man-o-soc-trang-post1079512.vov