Sóc Trăng quyết tâm 'giải cơn khát' nước sạch cho người dân nông thôn

Việc cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh cho người dân sử dụng và 'giải cơn khát' nước sạch được Sóc Trăng đặc biệt quan tâm, nhất là vào thời điểm nắng hạn, xâm nhập mặn kéo dài. Vấn đề trên được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe cho người dân khu vực nông thôn.

Kỳ 2: Thực trạng cung cấp nước sạch ở nông thôn Sóc Trăng

Sử dụng nước sạch là nhu cầu cơ bản, không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của con người. Do đó, việc cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng đối với các đơn vị liên quan nhằm đảm bảo sức khỏe, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội... Thế nhưng, điều này, thời gian qua, ở nhiều địa phương, nhiều người dân vẫn chưa hài lòng.

Thời gian qua, mặc dù các cấp chính quyền đã quan tâm đầu tư xây dựng các trạm cấp nước tập trung để phục vụ đời sống dân sinh nhưng một số địa phương ở vùng nông thôn sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Châu Thành (Sóc Trăng) vẫn phải sử dụng nguồn nước lấy trực tiếp từ kênh, rạch không đảm bảo vệ sinh để sử dụng. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều hộ dân thuộc ấp Hòa Quới, xã An Ninh, huyện Châu Thành phải sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh để phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Vì chưa có hệ thống nước máy nên những hộ có hoàn cảnh khó khăn thường lấy trực tiếp từ nước kênh, rạch để sinh hoạt, tắm rửa, giặt giũ.

Chị Lý Thị Thết, ngụ ấp Hòa Quới, xã An Ninh, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) sử dụng nước từ con kênh trước nhà để giặt quần áo. Ảnh: PON LƯ

Chị Lý Thị Thết, ngụ ấp Hòa Quới, xã An Ninh, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) sử dụng nước từ con kênh trước nhà để giặt quần áo. Ảnh: PON LƯ

Đang múc từng thùng nước từ dưới kênh đổ vào lu để sinh hoạt, chị Lý Thị Thết, ngụ ấp Hòa Quới chia sẻ: “Dù biết nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi đành chấp nhận sử dụng. Còn nấu ăn, uống thì mua nước đóng bình, với giá từ 10.000 - 12.000 đồng/bình. Cả nhà xài tiết kiệm lắm, 3 ngày hết 1 bình”. Cùng chung hoàn cảnh, gia đình chị Lý Thị Phương và bà Lý Thị Sà Mỹ (năm nay ngoài 70 tuổi) cũng chỉ biết "nhắm mắt" sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Bà Sà Mỹ tâm sự: “Hằng ngày, ông chồng thì đi mò ốc dưới kênh rạch được vài ký, tôi đem đi bán được vài chục ngàn đồng để mua gạo, nước bình nấu ăn, uống thôi. Tôi sinh sống ở đây mấy chục năm nay nhưng chưa bao giờ có nước sạch để sử dụng. Nước sinh hoạt hằng ngày chủ yếu là múc từ con kênh trước nhà, sau đó lấy phèn chua xử lý cho trong để tắm, giặt quần áo. Khi tới mùa mưa thì tranh thủ hứng nước mưa để nấu ăn, uống”.

Bà Lý Thị Sà Mỹ, ngụ ấp Hòa Quới, xã An Ninh, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) tích trữ nước mưa nấu ăn, uống. Ảnh: PON LƯ

Bà Lý Thị Sà Mỹ, ngụ ấp Hòa Quới, xã An Ninh, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) tích trữ nước mưa nấu ăn, uống. Ảnh: PON LƯ

Khi chúng tôi hỏi về việc tiếp cận với nguồn nước máy từ hệ thống xử lý nước sạch của địa phương, bà Sà Mỹ ngậm ngùi: “Điều này hơi khó vì lý do là nhà tôi và một số hộ dân ở đây còn thưa thớt, cách xa hệ thống trạm cấp nước vài km cho nên phải chấp nhận sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh”.

Đồng chí Lâm Cưl - Bí thư Chi bộ ấp Hòa Quới, xã An Ninh cho biết: “Năm nay, do thời tiết nắng hạn kéo dài, nên ở đây có hơn 20 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Các hộ đa số có hoàn cảnh khó khăn, nên không có cách nào khác phải múc nước sông, kênh xử lý phèn chua để sinh hoạt qua ngày. Mấy năm trước, ngành chức năng có đến khảo sát theo đường lộ đal một lần, nhưng có lẽ các hộ dân sinh sống ở đây thưa thớt, đầu tư nhiều kinh phí nên từ đó đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Chúng tôi cũng xin kiến nghị đến lãnh đạo cấp trên có phương án hỗ trợ, giúp đỡ các hộ có nước sạch sử dụng”.

Còn tại xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, hiện một số người dân tại ấp Khu II hùn tiền kéo nước sạch về nhà sử dụng, trong đó có hộ mới sử dụng nước sạch lần đầu, có hộ thì thay thế hệ thống ống cũ. Theo anh Phương Văn Ở, ấp Khu II, mấy tháng nay, nếu không trữ nước sẵn thì sáng không có nước rửa mặt, đánh răng. Bởi nước quá yếu dù nhà anh cách trạm cấp nước không xa. “Nguyên nhân do hệ thống ống nước trước đó nhỏ và đầu tư đã lâu, số người dân sử dụng tăng lại thêm nắng nóng nên lưu lượng nước không đáp ứng. Giờ ngày nào tôi cũng tranh thủ lấy nước trữ vô thùng nhựa. Còn ban ngày thì phải chia nhau sử dụng - nếu nhà sau cần xài thì nhà trước tạm dừng. Vì vậy, tôi mới đóng tiền kéo đường ống nước mới, hy vọng sẽ cải thiện về lưu lượng và chất lượng, không phải lược, xử lý lại khi sử dụng như bây giờ”, anh Ở bộc bạch.

Anh Nguyễn Văn Minh, ở ấp Khu II, đóng 3,8 triệu đồng kéo đường ống, với hy vọng có nguồn nước sạch, ổn định sử dụng. Anh Minh cho biết, mấy chục năm nay gia đình chỉ xài nước giếng khoan nhưng nay nguồn nước gần như cạn kiệt. Nhiều hộ gia đình phải khoan gần 140 mét vào lòng đất nhưng lúc có nước lúc không. Còn chị Trần Thị Thanh Hiền và chị Nguyễn Thị Phụng cùng ở ấp Khu II cũng vừa kéo xong hệ thống ống để sử dụng nước từ trạm cấp nước. Theo 2 chị, giếng khoan của gia đình không thể sử dụng được nữa do không có nước nên rất lo là trong tương lai sẽ thiếu nước sạch sử dụng. Hiện xã Thạnh Phú chỉ có 1 trạm cấp nước tập trung duy nhất được đặt tại ấp Khu II, cung cấp nước cho 1.929/6.290 hộ (tính đến cuối năm 2023) trên địa bàn xã, chiếm 30,6% tổng số hộ toàn xã. Còn lại sử dụng nước từ giếng khoan, dụng cụ chứa nước.

Trạm cấp nước tập trung trên địa bàn xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: HOÀNG LAN

Trạm cấp nước tập trung trên địa bàn xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: HOÀNG LAN

Theo phân cấp thì lĩnh vực nước sạch nông thôn do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng) quản lý. Theo đó, đơn vị này hiện đang vận hành 141 công trình cấp nước tập trung, với tổng chiều dài tuyến ống cấp nước đang quản lý là 3.442.516 mét đường ống cấp nước, phục vụ nước cho trên 144.000 hộ dân nông thôn đang sử dụng nước trên địa bàn các huyện, thị xã của toàn tỉnh. Lượng nước bình quân khu vực nông thôn người dân sử dụng là 91 lít/người/ngày, với các công trình cấp nước tập trung nêu trên cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt hằng ngày của hộ dân. Riêng trong thời điểm các tháng mùa khô năm 2023 - 2024, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nắng nóng kéo dài (từ tháng 10/2023 đến tận những ngày đầu tháng 5/2024), nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng 40% so với mùa mưa, trong khi đó nguồn nước ngầm tại các giếng khoan đang khai thác có lưu lượng bị sụt giảm 30% so với thời điểm trước.

Hiện nay, mặc dù một số trạm cấp nước đã hoạt động hết công suất nhưng lượng nước cấp cho người dân tại một số trạm cấp nước vẫn không thể đảm bảo cấp cho hộ dân trong hệ thống cấp nước và số hộ dân bị thiếu cục bộ là khoảng 12.905 hộ. Nguyên nhân là do người dân trước đây đang sử dụng cây nước hộ gia đình và nguồn nước mặt từ sông, ao, hồ cho sinh hoạt, do nguồn nước này bị khô cạn, nay chuyển sang sử dụng nước từ hệ thống các công trình cấp nước tập trung.

NHÓM PV KINH TẾ - XÃ HỘI (Còn tiếp)

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/xa-hoi/soc-trang-quyet-tam-giai-con-khat-nuoc-sach-cho-nguoi-dan-nong-thon-73375.html