Hiệu quả từ Chuyên đề 'Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm'

Mầm non là bậc học đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời của mỗi học sinh. Những năm qua, ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Tiền Giang đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng của bậc học này. một trong những giải pháp quan trọng đó là thực hiện tốt chuyên đề 'Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm' (gọi tắt là Chuyên đề). Sau 2 năm thực hiện, chuyên đề đang ở giai đoạn 2 (2021 - 2025), việc xây dựng chuyên đề đã mang lại nhiều kết quả tích cực ở bậc học mầm non.TẠO KHÔNG GIAN MỞ CHO TRẺ

Chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" đang tạo nhiều kết quả tích cực ở bậc học mầm non. Ảnh chụp tại Trường Mầm non Hoa Hồng, TP. Mỹ Tho.

Chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" đang tạo nhiều kết quả tích cực ở bậc học mầm non. Ảnh chụp tại Trường Mầm non Hoa Hồng, TP. Mỹ Tho.

Trường Mầm non Hoa Hồng, TP. Mỹ Tho là một trong những cơ sở giáo dục mầm non thực hiện tốt Chuyên đề. Một trong những hình ảnh ấn tượng khi đến trường là khuôn viên đến các phòng học đều mát mẻ, sạch sẽ. Xung quanh trường được trồng nhiều cây xanh, trang trí hoa, tiểu cảnh, các đồ chơi từ vật dụng tái chế đẹp mắt, giúp trẻ tăng khả năng quan sát, vận động, học tập, tìm hiểu môi trường xung quanh.

Tại khu vực cầu thang cũng như các nhóm lớp, giáo viên đã tạo dựng được môi trường lớp học thân thiện với nhiều màu sắc sinh động, trẻ được tham gia và tự khám phá khi hoạt động ở các góc hoạt động như: Phân vai, xây dựng, sách, truyện, thiên nhiên…

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, sau 2 năm thực hiện Chuyên đề ở giai đoạn 2 đã tạo nên sự thay đổi rất lớn trong các cơ sở giáo dục mầm non, có sức lan tỏa sâu rộng trong phụ huynh và cộng đồng.

Đến nay, 100% các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện Chuyên đề. Mạng lưới trường học được rà soát, sắp xếp phù hợp, quy mô trường, lớp được mở rộng, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, trẻ được ăn bán trú tăng.

Khuôn viên, sân chơi được xây mới, cải tạo, nâng cấp đáp ứng với nhu cầu khám phá, trải nghiệm của trẻ. Trường lớp ngày càng khang trang, môi trường thân thiện, sạch sẽ, phong phú và đáp ứng nhu cầu vui chơi, học tập của trẻ.

Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Thùy Lan cho biết: “Các góc hoạt động được sắp xếp gần gũi, quen thuộc với cuộc sống hằng ngày của trẻ. Ở trường, các con sẽ được các cô tạo mọi điều kiện để phát triển, là nhân vật trung tâm, chủ đạo, các cô sẽ là người gợi mở, hướng dẫn cho trẻ thực hiện”.

Còn tại Trường Mầm non 3-2, TX. Cai Lậy, việc lấy trẻ làm trung tâm đã thể hiện rõ trong thiết kế, xây dựng môi trường giáo dục; khai thác, sử dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết kế ở các góc mở trong lớp. Các giáo viên của trường luôn chú trọng tận dụng những vật liệu tái chế để chế tạo đồ dùng, đồ chơi cho trẻ.

Ngoài ra, qua việc thực hiện Chuyên đề cũng cho thấy, trẻ mầm non phát triển khỏe mạnh, tích cực, hứng thú với các hoạt động, mạnh dạn, tự tin, thực hiện các kỹ năng vận động chính xác; được rèn luyện và phát triển các tố chất cần thiết phù hợp với lứa tuổi; biết yêu thích hoạt động và biết phối hợp các giác quan trong tham gia tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh, từ đó phát triển nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm và các kỹ năng xã hội.

NHỮNG YÊU CẦU MỚI ĐẶT RA

Theo Sở GD-ĐT, trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng Chuyên đề đã được Bộ GD-ĐT đặt ra một số yêu cầu mới với những nhiệm vụ cụ thể như: Xây dựng kế hoạch theo từng giai đoạn, đề xuất các nội dung hoạt động và nhiệm vụ, giải pháp chi tiết theo từng năm học phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn các phòng GD-ĐT thực hiện các nội dung Chuyên đề; hướng dẫn cơ sở giáo dục mầm non tự rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng các tiêu chí xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, trên cơ sở đó xây dựng Chuyên đề phù hợp với điều kiện thực tiễn…

Theo Phó Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) Nguyễn Ngọc Hoàng Trang, trong năm học 2023 - 2024, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức Cuộc thi “Xây dựng môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm trong các cơ sở giáo dục mầm non” cấp tỉnh năm học 2023 - 2024.

Cuộc thi có 2 nội dung lớn là xây dựng trường học xanh, an toàn, thân thiện và hạnh phúc; môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, chú trọng việc tạo mọi điều kiện, cơ hội; tận dụng hoàn cảnh, tình huống thực tế cho trẻ hoạt động trải nghiệm, khám phá trong môi trường an toàn và thực hành việc khai thác, sử dụng có hiệu quả môi trường giáo dục cho trẻ được trải nghiệm, khám phá dưới nhiều hình thức trong tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Thị Phượng, để có thể thực hiện tốt Chuyên đề trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục cần tăng cường các giải pháp để thực hiện Chuyên đề, trong đó nhân rộng mô hình điểm. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung, cụ thể hóa tiêu chí của Chuyên đề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tăng cường công tác bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ trong việc vận dụng tiêu chí của Chuyên đề vào quản lý thực hiện Chương trình giáo dục mầm non.

Cùng với đó, các trường tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, công tác phối hợp với cha mẹ trẻ bằng nhiều hình thức, khuyến khích cơ sở chủ động thực hiện phối hợp giữa nhà trường với gia đình và cộng đồng trong triển khai Chuyên đề.

Đ.PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202311/hieu-qua-tu-chuyen-de-xay-dung-truong-mam-non-lay-tre-lam-trung-tam-995029/