Hiện thực đen tối trên phim trường Hollywood

Thành viên Liên minh quốc tế về Nhân viên đoàn làm phim (IATSE) đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Họ đặt nhiều kỳ vọng vào tương lai sau cuộc đình công sắp tới.

Trong tuần qua, Chủ tịch IATSE Matthew D. Loeb đã thông báo kế hoạch đình công chính thức của 60.000 thành viên liên đoàn cùng 10.000 lao động ngành điện ảnh khác bắt đầu từ trưa ngày 18/10. Đây là phản ứng từ IATSE trước tác phong chậm chạp của Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình (AMPTP) trong quá trình thương lượng để cải thiện điều kiện làm việc cho lao động ngành phim tại Mỹ.

Ngày 16/10, Deadline đăng tải bài viết “No Job Is Worth Losing Your Life For: IATSE Members Barry Lee Moe, Kirsten Coleman & Kathleen Felix-Hager On Why The Time To Strike Is Now" (Đừng làm việc đến chết: Các thành viên IATSE nói về tầm quan trọng của cuộc đình công). Bài viết chia sẻ quan điểm của các nhân viên hậu đài về công việc hiện tại cũng như kỳ vọng cho tương lai.

Bi kịch của nhân viên hậu đài

Ngay năm đầu tiên làm việc trên phim trường, trưởng bộ phận thiết kế tóc Barry Lee Moe đã vỡ mộng về ngành công nghiệp điện ảnh, truyền hình Mỹ. Anh kể một buổi sáng nọ mình bị gọi đến phim trường từ rất sớm. Khi đến nơi, Moe hay tin đã xảy ra một vụ tai nạn.

Chuyên gia làm tóc Barry Lee Moe đang làm việc trên phim trường TV series Pose. Ảnh: Fx.

“Một trong các tài xế xe tải của chúng tôi không có mặt. Anh vừa qua đời vì tai nạn giao thông khi đang lái xe đến điểm tập kết. Người đàn ông ngủ gật trong lúc đang lái xe và va chạm đã xảy ra”, Moe hồi tưởng. Nhưng dưới sức ép tiến độ và kinh phí, nhà sản xuất quyết định vẫn ghi hình như không có chuyện gì xảy ra.

Chuyên gia làm tóc hai lần nhận giải Emmy nói: “Đó là lúc tôi nhận ra có những nguy hiểm tiềm tàng trong ngành công nghiệp này. Nó xuất phát từ cách hãng phim nhìn nhận và hỗ trợ chúng tôi, với tư cách nhân công cũng như con người”. Anh nhận xét những gì mắt thấy tai nghe không phải trường hợp cá biệt mà diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc.

Kristen Coleman, chuyên gia trang điểm từng nhận giải Emmy cho bộ phim Euphoria, thừa nhận bản thân đã ngủ gật trong lúc lái xe “không biết bao lần”. Cô cảm thấy sự an toàn của bản thân bị đe dọa bởi các tiêu chuẩn lao động của ngành phim, tình trạng bị ép làm thêm giờ, trả lương không tương xứng lẫn nạn quấy rối tình dục “xảy ra như cơm bữa”.

Tình trạng thường xuyên phải làm việc quá giờ, trong điều kiện ngặt nghèo đã thúc đẩy các lao động ngành phim tại Mỹ liên minh, ủng hộ kế hoạch đình công của IATSE. Nếu thương thảo giữa IATSE và AMPTP cuối tuần này thất bại, Hollywood sẽ chứng kiến cuộc đình công đầu tiên của Liên minh quốc tế về Nhân viên đoàn làm phim, cũng là cuộc đình công lớn nhất lịch sử kinh đô điện ảnh.

Một trong những yêu sách cơ bản của IATSE khi đàm phán với AMPTP là tái cơ cấu thời gian biểu trên phim trường. Liên minh nhắm đến mục tiêu kéo dài thời gian nghỉ giữa hai ca làm việc lên tối thiểu 10 giờ đồng hồ với tất cả nhân viên, giúp người lao động hồi phục về cả thể chất lẫn sức khỏe tâm thần.

“Dù gia nhập ngành công nghiệp truyền hình chưa lâu, chúng tôi đã nhìn thấy quá nhiều người mất mạng, sự tỉnh táo lẫn sức khỏe vì công việc này. Dù nghề bạn đang làm có là gì đi nữa, nó cũng không đáng để đánh đổi bằng cả tính mạng”, Barry Lee Moe nói. Giữa đại dịch Covid-19, từng có thời điểm chuyên gia này phải làm việc 21 tiếng mỗi ngày.

Kristen Coleman đã làm việc tại bộ phận trang điểm của 35 dự án điện ảnh, truyền hình lớn nhỏ. Ảnh: IMDb.

Với Coleman, cô hiếm khi có thời gian nghỉ ngơi thực sự vì ca làm việc quá dài. “Được năm hay sáu tiếng chợp mắt mỗi đêm với tôi đã là may mắn lắm rồi. Đấy là trong điều kiện tôi về thẳng nhà, tắm táp qua loa rồi leo ngay lên giường nhắm mắt trùm chăn”, cô chia sẻ.

Trước đó, Kathleen Felix-Hager, nhân viên thiết kế phục trang kỳ cựu với 25 năm kinh nghiệm, chia sẻ các nhân viên hậu đài thường bị cắt xén cả thời gian ăn uống và vệ sinh. “Chúng tôi yêu nghề nghiệp của mình và luôn tận tâm khi làm việc trên phim trường. Nhưng thật điên rồ làm sao khi công việc này đã chiếm dụng đời bạn. Tôi nghĩ mọi người đã chán ngấy việc phẩm giá của mình bị xem nhẹ rồi”, cô chia sẻ.

Nhằm chuẩn bị cho cuộc đàm phán với AMPTP, liên minh IATSE đã mở tài khoản Instagram có tên IATSE Stories làm nơi để các lao động ngành phim tại Mỹ chia sẻ về điều kiện làm việc hiện tại của mình. Đi vào hoạt động từ tháng 8, tới nay IATSE đã thu hút 156.000 lượt theo dõi, với 1.188 câu chuyện được chia sẻ. Phần lớn phản ánh tình trạng bóc lột sức lao động, lương thưởng thấp, môi trường làm việc độc hại mà các nhân viên hậu đài đang phải chịu.

“Chia sẻ tôi đọc được trên IATSE Stories phản ánh chính xác gần như mọi điều tôi đã chứng kiến trong suốt 15 năm sự nghiệp. Một vài trong số đó còn lặp lại đúng những gì tôi đã trải qua”, Coleman nói.

Chấp nhận hy sinh vì ngày mai tươi sáng

Chia sẻ với Deadline, các nhà sáng tạo bày tỏ đồng tình với các quan điểm ẩn danh cho rằng "vấn đề cốt lõi cần giải quyết chính là ngành công nghiệp này có xu hướng trừu tượng hóa cuộc đời một cá nhân thành các con số và bảng biểu”. Lãnh đạo hãng phim, các nhà sản xuất ở cấp độ hãng phim chính là đối tượng cần chịu trách nhiệm cho thực trạng này.

“Tôi không bức xúc với nhà sản xuất các dự án mình đang tham gia. Họ đều là những người đáng mến, đối xử tử tế với đoàn phim. Nhưng khi bạn đàm phán với các luật sư đại diện cho quyền lợi cổ đông, họ sẽ chẳng coi đoàn phim là gì. Họ không liên hệ, không chút cảm thông. Mọi thứ đều quy về con số được tổng kết nơi trang cuối các bản báo cáo. Tôi cho rằng họ thiếu sự đồng cảm với những gì mọi người đang trải qua”, Felix-Hager - thành viên của IATSE - nói.

Moe bổ sung: “Tôi nghĩ cốt lõi của vấn đề nằm trong trái tim những kẻ đặt lợi ích cao hơn con người. Thái độ này dẫn đến hành vi bóc lột tất cả những người họ thuê về làm việc cho mình”.

Chủ tịch IATSE Matthew D. Loeb phát biểu tại cuộc hội thảo tổ chức bốn năm một lần của IATSE hồi tháng 7. Ảnh: IATSE.

Felix-Hager và Moe nhận xét sự đoàn kết trong nội bộ IATSE lúc này là kết quả từ nhiều yếu tố, bao gồm cả đại dịch và những ảnh hưởng của nó đến suy nghĩ mỗi cá nhân. “Tôi có thời gian ở bên gia đình. Nó khiến một cá nhân thay đổi thứ tự các ưu tiên trong cuộc đời theo một cách sâu sắc. Tôi nghĩ vấn đề trở nên phức tạp hơn khi mọi người đã có cơ hội nếm trải cảm giác ấm êm bên gia đình”, Felix-Hager nói.

Một vấn đề khác được Felix-Hager nhắc đến là nhu cầu thưởng thức nội dung giải trí của khán giả đã tăng vọt thời gian qua. Kết quả, ngành công nghiệp giải trí phải gồng mình để đáp ứng. Nhà thiết kế trang phục đánh giá đây là lý do chính khiến môi trường làm việc sau máy quay ngày càng đi xuống trong thời gian qua.

Quan điểm nhận được sự đồng tình của Coleman. Cô cho biết: "Khi việc sản xuất phim được nối lại trong đại dịch, ban đầu, các hãng phim cũng áp dụng nhiều biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho diễn viên, nhân viên, hứa hẹn cắt giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ… nhưng chẳng được bao lâu”.

Coleman chia sẻ: “Vì mục tiêu năng suất, họ đã lờ đi an toàn của chúng tôi. Không ai quan tâm sự kiệt sức sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống các nhân viên hậu đài như thế nào”. Cô ví 15 năm sự nghiệp với “mối quan hệ độc hại”, “Hội chứng Stockholm” và mình đang tìm cách thoát ra.

“Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi hiểu để tạo ra thay đổi, đôi khi bạn phải phá bỏ tất cả để làm lại từ đầu. Thành thực mà nói, tôi nghĩ sẽ có những người cảm thấy hài lòng với kỳ nghỉ bất đắc dĩ mang tên đình công hoặc tìm thấy lý do để chiến đấu”, Coleman nói.

Cuộc đình công với sự tham gia của 60.000 lao động ngành làm phim dự kiến nổ ra vào trưa 18/10. Ảnh: IATSE.

Moe cho rằng những ngày gần đây anh cảm thấy niềm hy vọng đang lây tỏa trên phim trường. “Tôi nghĩ thay vì sợ hãi, mọi người đang hào hứng với việc trở thành một phần của phong trào to lớn, sẽ thay đổi cuộc sống của mình theo hướng tốt hơn”.

Chuyên gia làm tóc tiếp tục: “Tôi mới bốn mươi và có lẽ còn cống hiến cho ngành này thêm được 30 năm. Vậy là thêm nửa đời cống hiến. Nhưng nếu phải tiếp tục làm việc trong các điều kiện như hiện tại, tôi sẽ chẳng thể trụ lâu. Cả tâm trí và thể xác tôi đều không thể”.

Coleman bổ sung: “Nếu không đấu tranh vào lúc này, tôi nghĩ sẽ chẳng còn cơ hội nữa. AMPTP có vẻ không hiểu nếu họ bóc lột chúng tôi đến chết, họ sẽ mất tất cả. Người ta sẽ bỏ làm phim, không còn những cá nhân kỳ cựu để dìu dắt, đào tạo thế hệ tiếp theo. Với tôi, đó sẽ là ngày tàn của nghề làm phim”.

Felix-Hager mong muốn AMPTP coi trọng chất lượng cuộc sống của các nhân viên hậu đài hơn các dự án họ tham gia. “Tôi nghĩ niềm hạnh phúc sẽ thúc đẩy người ta hăng say làm việc. Nếu có một bữa trưa ngon lành, khoảng thời gian nghỉ ngơi thong thả và khoản lương tháng hợp lý, tôi cho rằng ai cũng sẽ thấy hài lòng mà thôi. Điều ấy đâu có khó như hái sao trên trời. Chúng tôi chỉ muốn được đối xử như con người, với phẩm giá và giá trị”.

Trả lời phỏng vấn Deadline, cả ba nhà làm phim đều đồng tình cuộc đình công sắp tới chắc chắn sẽ có thiệt hại cho cả hãng phim và người lao động. Nhưng đó là bước đi cần thiết và hy sinh xứng đáng cho một tương lai tốt đẹp, lành mạnh hơn với ngành công nghiệp giải trí.

Anh Phan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hien-thuc-den-toi-tren-phim-truong-hollywood-post1271152.html