Hãy cứ để Hoa hậu là một danh xưng!

'Hoa hậu chỉ là một danh hiệu đi cùng mình suốt cuộc đời, còn danh hiệu này có đáng tự hào khi được công chúng nhắc tới, hay là một nỗi ê chề lắc đầu mỗi khi nhìn lại, thì phải xem người được đội lên đầu chiếc miện kia liệu có xứng đáng hay không'.

Tôi lại nghĩ tới câu nói ấy của một hoa hậu giữa lúc cơn mưa thị phi đang ập xuống với Miss World Việt Nam 2023.

1. Lịch sử các cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam không thiếu những vụ lùm xùm nhưng ồn ào, thị phi ngay sau đêm đăng quang với cấp độ phản ứng trái chiều gay gắt trên khắp các loại hình truyền thông, từ báo chí đến mạng xã hội, thậm chí “đẻ” ra cả một hội anti-fan với số lượng thành viên lên tới gần nửa triệu người và vẫn đang không ngừng tăng nhanh, thì có lẽ tân Hoa hậu Việt Nam Thế giới Huỳnh Trần Ý Nhi là người đầu tiên. Hàng nửa triệu con người đã, đang cảm thấy bức xúc đến “điên tiết” trước những phát ngôn mà theo họ là vạ miệng, đầy “ảo tưởng” về danh xưng hoa hậu kiểu “Trong khi bạn bè đồng trang lứa với tôi chỉ dành thời gian để ngủ, để chơi, để uống trà sữa thì tôi đã tham dự cuộc thi hoa hậu" hay trịnh thượng, lên giọng về bạn trai kiểu “Chắc chắn bạn trai của tôi cũng phải có những sự thay đổi nhanh chóng, tiến bộ nhiều hơn để có thể theo kịp tôi”.

Khoảnh khắc đăng quang của Huỳnh Trần Ý Nhi. Ảnh: Ban tổ chức

Chưa kịp tiêu hóa những lời xin lỗi vội vàng của tân Hoa hậu, cũng chưa kịp chứng kiến Ý Nhi sẽ “nghiêm túc nhìn nhận những thiếu sót trong suy nghĩ, và kỹ năng diễn giải trước công chúng”, “sửa sai” như thế nào thì cộng đồng lại tiếp tục được phen choáng váng và “tổn thương” bởi phát ngôn mà theo nhiều nhà báo là “vừa bạo miệng bạo mồm vừa thiếu kiến thức nghiêm trọng” khi dõng dạc kể tên 3 người nổi tiếng quê ở Bình Định là… "Em, nhà thơ Hàn Mặc Tử và vua Quang Trung".

Chưa kể, trước đó còn là màn “đội vương miện đi làm từ thiện ở bệnh viện 5 sao” kiểu “trả quyền lợi tài trợ” bị xem là quá ư kệnh cỡm. Sự bất bình phẫn nộ lớn tới mức, hàng loạt nỗ lực “tẩy trắng” cho tân Hoa hậu của Ban tổ chức không những không xi nhê gì mà còn “đổ thêm dầu vào lửa”. Thậm chí, giờ đây mọi sự phản ứng không chỉ dừng lại ở sự phẫn nộ, không đồng tình, chỉ trích, mà còn là tẩy chay, yêu cầu ban tổ chức tước danh hiệu Hoa hậu của Ý Nhi.

2. Có một thực tế không thể phủ nhận là có lẽ không mấy ở đâu trên thế giới dành sự quan tâm quá lớn, có thể gọi là “cuồng” tổ chức các cuộc thi sắc đẹp như Việt Nam (con số 25 cuộc thi nhan sắc được cấp phép tổ chức trong vòng một năm hoàn toàn có thể đưa Việt Nam vào hàng những nước giữa kỷ lục về tổ chức các cuộc thi hoa hậu, người đẹp). Cũng không mấy ở đâu như ở Việt Nam khi mà có quá nhiều sự kì vọng được đặt nặng lên các cô hoa hậu, á hậu còn đang thiếu hụt cả tuổi đời lẫn trải nghiệm sống. Cũng không ở mấy ở đâu mà sự yêu chiều, ưu ái, dành cho các hoa hậu, người đẹp như ở Việt Nam, lớn tới mức nhiều mỹ nhân đã tự hào đến mức ảo tưởng về “quyền năng”, trọng trách hoa hậu của mình, mạnh miệng tuyên bố trên truyền thông rằng: “sắc đẹp là quyền năng”, “hoa hậu là một nghề”… Huỳnh Trần Ý Nhi với những phát ngôn về hai đối tượng khác nhau, nhưng chỉ xoay quanh việc đề cao bản thân và danh hiệu hoa hậu, chính là ví dụ mới nhất về cái gọi là “ảo tưởng về quyền lực nhan sắc” ấy.

3.Người xưa có câu “con hư tại mẹ”. Như một đồng nghiệp của tôi đã nhìn nhận, hoa hậu là một danh xưng rất nhỏ, chứ không phải một nghề nghiệp. Nhưng ở ta, đang biến hoa hậu thành một nghề nghiệp, và việc thi Hoa hậu thành một 'văn hóa'. Và họ đã tạo ra một ảo tưởng xã hội rằng Hoa hậu là một sự tôn vinh lớn.

Cưng chiều quá mức, con hư cũng là điều mấy khó hiểu. Dành cho các cô hoa hậu quá nhiều “quyền lực nhan sắc”, tạo cho các cô những ảo tưởng quá lớn, các cô… hư cũng là lẽ... đương nhiên.

Thế nên, thay vì phê phán chuyện “loạn thi hoa hậu”, thay vì phẫn nộ về chuyện hoa hậu thời nay quá ảo tưởng về quyền năng của mình, hành xử, phát ngôn kém cỏi, thì dư luận và có cả trách nhiệm của báo chí trong việc “trả lại nhiệm vụ và bản chất đích thực” của các cuộc thi hoa hậu, nhan sắc. Đó đơn giản chỉ là một cuộc thi sắc đẹp thuần túy, hoa hậu- người được trao vương miện là bởi cô ấy là người về đầu trong cuộc thi ấy mà thôi. Thế nên, đừng quá tô vẽ hay kì vọng quá mức về họ. Hãy cứ để Hoa hậu chỉ là một danh xưng, khi đó những sự "ảo tưởng về quyền lực nhan sắc" sẽ khó có "đất dụng võ". Người đẹp một khi đã được trao tặng danh xưng đó, việc cần tập trung là nỗ lực để chỉn chu, để tương xứng với cái danh mình đã được nhận.

Hà Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hay-cu-de-hoa-hau-la-mot-danh-xung-post259118.html