Hát Rang trong đời sống văn hóa của đồng bào Mường

PTĐT - Đẹp về cảnh quan thiên nhiên, giầu về lâm thổ sản, huyện Tân Sơn là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, kiến tạo đẹp như một bức tranh thủy mặc với khung cảnh núi cao xen lẫn thung lũng nhỏ hẹp, được bao bọc bởi những dãy núi nối tiếp nhau và được phủ kín một mầu xanh đậm của rừng già. Chính vì vậy nơi đây được chọn là nơi tụ cư, sinh sống của 8 dân tộc anh em: Kinh, Mường, Dao, Mông, Tày, Nùng… trong đó chiếm số lượng đông nhất và còn bảo lưu được nhiều nét văn hóa cổ truyền nhất phải kể đến đó là dân tộc Mường.

Hát Rang trong lễ cưới của đồng bào dân tộc Mường huyện Tân Sơn. Ảnh: Trọng Bằng

Mặc dù đời sống còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng đồng bào Mường vẫn luôn giữ cho mình đời sống tinh thần hết sức phong phú với nhiều nét đẹp văn hóa được thể hiện qua các lễ hội như Lễ hội Xuống đồng, Cồng chiêng, Đâm đuống… và các hình thức diễn xướng dân gian như Hát Xéc bùa, hát Rang, hát Ví, hát Đúm, hát Ru… trong đó tiêu biểu phải kể đến đó là diễn xướng hát Rang. Hát Rang là lối hát dân dã, lối kể những câu chuyện sử thi, truyền thuyết, ca ngợi cuộc sống lao động, phong tập tục quán, tín ngưỡng tốt đẹp của người Mường, thể hiện mong muốn về cuộc sống sung túc, đầy đủ. Hát Rang ra đời khởi nguồn từ trong cuộc sống lao động của người dân, lưu truyền lại theo hình thức truyền khẩu qua nhiều thế hệ. Nội dung của những lời Rang rất gần với ngôn ngữ giao tiếp, gần với đời sống thường ngày của con người, âm thanh mộc mạc như tâm tình thủ thỉ, nhẹ nhàng mà chan chứa tình người. Do đó những điệu Rang thường vang lên trong những dịp mừng Tết đến xuân về, mừng đám cưới, mừng nhà mới…; trong các nghi lễ nông nghiệp: Lễ Gọi vía lúa, lễ hội Xuống đồng…Tùy thuộc vào không gian, thời gian, đối tượng và hoàn cảnh cụ thể mà nội dung của các bài hát Rang có sự thay đổi cho phù hợp.Trong dịp Tết đến xuân về khi mọi người quây quần bên mâm cỗ Tết truyền thống, trong gian bếp, bên ánh lửa bập bùng, ấm cúng, họ vừa chúc rượu nhau vừa hát những câu Rang mừng Tết, mời các cụ tổ tiên trên trời về ăn Tết với cháu con Ngày ba mươi tháng Chạp
Đón các cụ tổ tiên ở trên trời xuốngĐể được ăn Tết với cháu conCó thịt, cá, rau, bánh, rươụCho các cụ, bố, mẹ xuống ăn Tết với chúng con…
Các câu hát, bài hát Rang tùy theo yêu cầu của người nghe mà mỗi làn điệu, mỗi câu hát có sự dài, ngắn khác nhau, bởi nó phụ thuộc vào tâm tư, tình cảm, vào đối tượng cụ thể mà người hát có thể vận lời nhiều hay ít. Trong hát Rang mừng đám cưới, sau khi đoàn rước dâu đón dâu về nhà chồng và hoàn tất các thủ tục: Lễ rửa chân, lễ trải chiếu, lễ cúng cáo tổ tiên… theo truyền thống của một đám cưới Mường, mọi người ngồi bên mâm cỗ để nghe hát. Nội dung các bài hát Rang thay cho những lời chúc phúc cho lứa đôi đồng thời cũng là những lời nhắn gửi, dặn dò của cha mẹ với các con trong nghĩa phu thê, gia tộc Mẹ dặn dò con
Chịu thương chịu khó để nuôi bố mẹCho vợ chồng con hạnh phúc, có trai có gái
Lễ về nhà mới đối với đồng bào dân tộc Mường cũng là một ngày đại sự. Bất cứ gia đình nào dù nghèo hay giàu, khi về nhà mới đều làm cỗ linh đình mời anh em họ hàng, làng xóm đến ăn uống đông vui, khách cũng mượn chén rượu, câu hát Rang để cầu chúc cho gia chủ mọi điều tốt lành hay người cao tuổi, bố mẹ mượn lời Rang để nhắn nhủ dặn dò con cháu “an cư lạc nghiệp” Mẹ dặn dò các con
Miếng đất của các con rất giầu cóGiầu từ dưới đất giầu lênGiầu từ mặt đất giầu xuống…Mẹ mong cho vợ chồng các con sau này giầu có ăn nên làm ra…
Sau bài Rang mừng nhà mới, chủ nhà hoặc người thân thường hát bài Rang làm men rượu mời khách để tỏ lòng hiếu khách. Mọi người vừa dùng cơm vừa nghe hát, khi men rượu đã nồng họ bắt đầu hát những câu Rang đối, rất thân mật, ấm cúng và vui vẻ.

Hát Rang trong lễ Cúng vía lúa của người Mường huyện Tân Sơn.

Trong nghi lễ nông nghiệp tiêu biểu như lễ Cúng vía lúa - một nghi lễ được người Mường rất coi trọng và duy trì tổ chức cho đến tận ngày nay với tục rước kiệu ra đồng làm lễ gọi vía lúa. Sau khi thầy Mo cúng vía lúa xong người ta đánh ba tiếng chiêng rồi đặt ba bó lúa chắc mẩy lên kiệu tượng trưng cho việc gọi được vía lúa về cho dân bản thì cũng là lúc những lời ca Rang gọi vía lúa được cất lên Dậy dậy lúa ơiDậy dậy lúa àTốt từ đồng dưới lên đồng trên…Bông con thì bằng cán háiBông cái thì bằng đuôi trâuCô nàng về bảo nàng dâu ra gặt lúa rồi anh chàng ơi…Những câu Rang như một thông điệp để con người có thể gửi gắm những điều tốt đẹp cho cây lúa, cầu cho mùa màng tốt tươi, thể hiện niềm tin, ước mơ vào một vụ mùa bội thu và một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Hát Rang, là loại hình dân ca phản ánh nhiều mặt trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Mường. Trong quá trình tồn tại người Mường luôn tìm cách để lưu giữ lại những giá trị truyền thống văn hóa đó cho thế hệ sau bằng cách dùng những làn điệu dân ca đơn sơ, giản dị nhưng có một sức sống mãnh liệt. Bất kỳ ở đâu, trong bất kỳ công việc gì những câu Rang vẫn được cất lên qua lời hát của các thế hệ người Mường để niềm vui được nhân lên, lo toan vất vả vơi đi, nó như lời truyền dạy những kinh nghiệm cuộc sống đến thế hệ con cháu khiến họ càng thêm yêu quý, trân trọng vốn giá trị tinh thần của dân tộc mình. Từ đó những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc Mường được hình thành, lưu giữ, bảo tồn và phát triển, tạo nên một diện mạo riêng biệt, độc đáo, góp phần tô đậm bản sắc văn hóa của người Mường Phú Thọ.

Lưu Vân

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoc-nghe-thuat/202001/hat-rang-trong-doi-song-van-hoa-cuadong-bao-muong-168791