Hát Quan làng - nét đẹp văn hóa trong lễ cưới của người Tày Quang Bình

Hát Quan làng của dân tộc Tày huyện Quang Bình vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là thể loại dân ca trữ tình, độc đáo được hát trong lễ cưới, một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, hấp dẫn.

Huyện Quang Bình có 14 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Tày chiếm đa số, sinh sống tập trung tại các xã Xuân Giang, Bằng Lang, Yên Thành, Tiên Yên, Vĩ Thượng, Yên Hà, Hương Sơn, Bản Rịa, Tân Trịnh... Người Tày có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu, trong đó phải kể đến hát Quan làng. Hát Quan làng hay còn gọi là hát văn trong đám cưới, thường được sử dụng đó là những bài hát phục vụ trong các đám cưới truyền thống của người Tày, khi đó người Quan làng có nhiệm vụ vô cùng quan trọng, phải trình diễn, đối đáp các bài hát một cách nhuần nhuyễn để bên nhà trai và bên nhà gái vừa lòng, đám cưới diễn ra được suôn sẻ. Những người hát Quan làng theo tiếng Tày gọi là Pú quan làng, hay còn gọi là Ông đón, Ông đưa. Nhà trai chủ yếu là đàn ông, người đứng tuổi, ông Quan làng phải là những người khéo giao tiếp, hát hay để thay mặt họ nhà trai mang trầu cau đến nhà gái từ việc dạm hỏi, xin lộc mệnh, chuẩn bị đồ sính lễ cho ngày cưới đến khi đón dâu về mới xong công việc.

Các nghệ nhân giới thiệu sản phẩm, lễ vật truyền thống khi hát Quan làng.

Nội dung của các bài hát là cách chỉ bảo, lối ứng xử tinh tế, tao nhã của con người trong đời sống. Quan làng bên nhà gái có thể là đàn ông hoặc là người phụ nữ đứng tuổi, cũng là người khéo ăn, khéo nói… thay mặt họ nhà gái đưa dâu đến nhà trai. Nhiệm vụ là đưa dâu đến và trao dâu cho nhà trai được suôn sẻ và sau mọi việc xong xuôi trước khi ra về phải hát bài Slắng lùa (dặn dâu), đó là lời nhắn nhủ lúc chia tay.

Trong mỗi lời hát Quan làng đều mang tính giáo dục truyền thống cao, răn dạy việc ứng xử giữa nàng dâu với chồng và bên nhà chồng, chàng rể ứng xử với vợ và bên nhà vợ. Đám cưới truyền thống của dân tộc Tày, hát Quan làng thường được chia làm 3 cung đoạn: Đón (nhà trai đến xin dâu), nộp (trong lúc nhà gái nộp dâu), đưa (nhà trai đưa dâu về). Mỗi bài hát đều mang ý tứ, ứng xử của cả hai bên gia đình trai gái. Khi thực hiện các nghi lễ để đón rước dâu, người hát Quan làng đều phải hát để nhà gái nghe thuận tai và cho công việc được thực hiện đúng trình tự. Nhà gái cũng sẽ đáp lại để tạo không khí vui vẻ. Trong hát Quan làng không có đạo cụ kèm theo mà chủ yếu là những lời đối đáp mộc mạc nhưng đầy tình ý của ông Quan làng hai bên.

Họ nhà trai hát xin đón dâu. Ảnh: Nguyễn Thị Lượng

Bà Hoàng Thị Xưng, xã Bằng Lang chia sẻ: Hát Quan làng được dùng trong đám cưới của dân tộc Tày đã có từ xa xưa, đó là những bài hát tồn tại trong dân gian một cách dân dã, cũng có nhiều người biết đến và thuộc các bài hát Quan làng, nhưng không thể diễn xướng một cách tự do, tùy tiện mà phải theo trình tự thủ tục, nghi lễ nhất định. Hầu hết các đám cưới của người Tày họ chỉ dùng lời hát của mình để đối đáp, giao tiếp giữa hai bên gia đình, hát để họ nhà gái phải bỏ tất cả những thử thách, chướng ngại vật mà nhà gái đưa ra từ khi chặn từ cổng vào, rồi lên cầu thang, sau đó hát khi vào nhà, hát để người trải chiếu, mời nước, mời trầu, xin dâu, đón dâu, ra về…

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Chẳng Thị Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy Di sản phi vật thể quốc gia, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến hát Quan làng bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội thảo khoa học, tăng cường hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở, sinh hoạt cộng đồng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức giá trị của hát Quan làng trong đồng bào dân tộc Tày. Khuyến khích người dân duy trì những phong tục độc đáo, đặc sắc của dân tộc trong nghi lễ cưới hỏi, trong đó có hát Quan làng để người dân trân trọng, gìn giữ và phát huy trong đời sống. Tổ chức thành lập Câu lạc bộ hát Quan làng, mời các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy cho thành viên trong câu lạc bộ; đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa có trình độ chuyên môn để tuyên truyền hướng dẫn, khuyến khích các thế hệ trẻ người Tày học tập, duy trì và phát triển vốn văn hóa truyền thống…

Có thể nói, hát Quan làng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Tày mà còn có ý nghĩa nhân văn tốt đẹp, mang đậm những giá trị văn hóa truyền thống, tinh thần, nhân văn và lòng nhân ái tốt đẹp, gắn chặt tình đoàn kết cộng đồng, đem lại giá trị lo lớn đối với đời sống đồng bào dân tộc Tày nói riêng, với kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam nói chung, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng quê hương Quang Bình ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.

Bài, ảnh: Lan Phương (Cổng thông tin điện tử tỉnh)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202402/hat-quan-lang-net-dep-van-hoa-trong-le-cuoi-cua-nguoi-tay-quang-binh-2673a2c/