Hành trình từ công nhân đến chủ tổ hợp may

Đó là câu chuyện khởi nghiệp của bà Lê Thị Kiều Tiên, sinh năm 1984, ngụ ấp Rẩy A, xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang, đã tích lũy kinh nghiệm, vốn sống, vốn đầu tư tập trung vào mạng lưới xây dựng kết nối với đối tác và phát triển nghề may gia công để tăng thu nhập. Nhờ sự kiên nhẫn và nghị lực vượt khó, Kiều Tiên đã thành công trong xây dựng tổ hợp may tại gia đình, thu hút 12 lao động nữ và trở thành phụ nữ khởi nghiệp điển hình của địa phương.

Bà Lê Thị Kiều Tiên kiểm tra sản phẩm may gia công của công nhân.

15 năm làm công nhân

Tuy không có nhiều tiền, xuất thân từ miền quê, nhưng Kiều Tiên đã chứng minh con đường khởi nghiệp thành công bằng nghị lực vượt lên chính mình.

Kiều Tiên bộc bạch: xuất thân trong gia đình nông dân, gia cảnh khó khăn, kinh tế gia đình phụ thuộc vào làm ruộng, độc canh cây lúa 01 vụ/năm, cuộc sống luôn “thiếu trước hụt sau”. Để chia sẻ gánh nặng cho gia đình, sau khi học hết THCS Kiều Tiên phụ giúp gia đình. Nhận thấy làm ruộng không thể cải thiện đời sống gia đình, năm 2003, Kiều Tiên rời quê hương lên Thành phố Hồ Chí Minh làm thuê.

Ban đầu “chân ướt chân ráo”, Kiều Tiên chỉ biết cùng với các chị em ở nhà trọ xin vào tổ hợp may làm thuê may gia công, sau khi quen “đường đi nước bước”, Kiều Tiên xin vào công ty may làm công nhân, thu nhập ổn định, từ đó có tiền gửi về phụ giúp gia đình. Khi cuộc sống gia đình dần ổn định, Kiều Tiên lập gia đình và tiếp tục làm công ty may khoảng 15 năm. Sau đó, do gia đình đơn chiết, cha mẹ lớn tuổi, sức khỏe yếu, bản thân Kiều Tiên có con nhỏ nên vợ chồng khăn gối về quê lập nghiệp và phụ giúp gia đình.

Trong những năm làm thuê nơi “đất khách quê người”, vợ chồng Kiều Tiên đã tích lũy được số vốn kha khá để khởi nghiệp. Từ số tiền này, vợ chồng Kiều Tiên quyết định đầu tư mua máy may công nghiệp về may gia công tại nhà, số vốn còn lại cho chồng làm vốn mua bán nhỏ. Nhờ kinh nghiệm may gia công trong những năm làm thuê và liên kết được một số tổ hợp may, doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, Kiều Tiên nhận nguyên liệu vải được cắt sẵn về may gia công tại nhà góp phần tăng thu nhập gia đình, giải quyết việc làm cho lao động nữ nhàn rỗi địa phương.

Tích lũy vốn khởi nghiệp

Kiều Tiên chia sẻ: 05 năm trước khởi nghiệp, gia đình đã bị thua lỗ mất đơn hàng đầu tiên với số tiền hơn 10 triệu đồng. Không nản chí, Kiều Tiên kết nối với đối tác doanh nghiệp khác tìm nguyên liệu đầu vào và đầu ra nhằm tăng thu nhập và giải quyết việc làm lao động địa phương. Nhờ sự kiên nhẫn và nghị lực vượt khó, Kiều Tiên đã kết nối được 06 doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận hàng may gia công tại nhà.

Để đáp ứng nhu cầu của đối tác, Kiều Tiên đầu tư thêm 200 triệu đồng mua máy may công nghiệp, máy ép keo, máy vắt sổ, máy ủi và xây dựng nhà xưởng dự trữ hàng hóa. Trong lúc đang tìm nguồn vốn để mở rộng cơ sở sản xuất, Kiều Tiên được Hội Liên hiệp phụ nữ huyện hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp 90 triệu đồng mở rộng cơ sở sản xuất.

Kiều Tiên cho biết thêm: phần lớn tổ hợp may gia công đều sản phẩm quần áo ngủ, trung bình hàng tuần xuất hàng khoảng 1.000 bộ sản phẩm, lợi nhuận từ 06 - 15 triệu đồng/tháng và giải quyết việc làm 12 lao động, thu nhập từ 3,5 - 08 triệu đồng/tháng/lao động tùy theo công đoạn sản phẩm. Ngoài mức lương thu nhập hàng tháng theo sản phẩm, Kiều Tiên hỗ trợ tiền đi lại 400.000 đồng/tháng/lao động nhằm khuyến khích tinh thần lao động của chị em phụ nữ.

Nghề may gia công hiện nay rất thuận lợi đáp ứng nhu cầu của các chị em phụ nữ vùng nông thôn, vừa giúp các chị có điều kiện chăm lo gia đình đưa rước các con đi học, vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay, khâu vận chuyển hàng hóa từ nhà xưởng đến Quốc lộ 53 còn khó khăn, đường giao thông chưa được đầu tư bê-tông, thiếu đèn đường. Vì thế, mong Nhà nước quan tâm tạo điều kiện đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân thuận lợi hơn, nhất là những lúc tăng ca, công nhân đi về ban đêm dễ dàng hơn.

Đồng chí Trần Lệ Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vinh Kim cho biết: mô hình khởi nghiệp của Kiều Tiên hoạt động có hiệu quả, không chỉ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế gia đình của chị em phụ nữ trên địa bàn, mà còn góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Mô hình may gia công hiện hoạt động hiệu quả hơn, giải quyết nguồn nguyên đầu vào và đầu ra.

Thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ xã tiếp tục nhân rộng những mô hình hiện có, nhất là mô hình may gia công; đồng thời, vận động phụ nữ có những ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo, tích cực tham gia khởi nghiệp nhằm tạo việc làm, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế của xã.

Bài, ảnh: MỸ NHÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/hanh-trinh-tu-cong-nhan-den-chu-to-hop-may-36217.html