Hành trình gìn giữ di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Nhờ những con người luôn có niềm đam mê với di sản, Văn Miếu - Quốc Tử Giám 'giống như chim phượng hoàng, đã có thể hồi sinh mạnh mẽ hơn, uy nghi hơn, như những gì mà chúng ta đã và đang từng chứng kiến'.

Nhận diện rõ để bảo tồn

Là một di tích lịch sử, biểu tượng của đạo đức, nền học vấn và tầm nhìn xa trông rộng của người Việt, Văn Miếu - Quốc Tử Giám trường tồn qua những thăng trầm của thời gian, qua các triều đại và biến cố. Năm 1906, Văn Miếu - Quốc Tử Giám được Toàn quyền Đông Dương xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Khu di tích được trùng tu, tu sửa vào các năm 1904, 1920 và năm 1947 với sự trợ giúp của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO). Năm 1956 khu di tích tiếp tục được trùng tu và năm 1962, khu di tích được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa. Sau nhiều lần trùng tu, cùng với việc hoàn thành xây dựng công trình nhà Thái Học trên nền cũ của trường Quốc Tử Giám xưa vào năm 2000, khu di tích có diện mạo như ngày nay.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, trong giai đoạn 1898 - 1954, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và EFEO có mối liên hệ chặt chẽ trong việc bảo vệ, tu bổ thường xuyên khu di tích, phục hồi chức năng thờ tự và luôn duy trì được vai trò quan trọng của địa điểm này đối với cảnh quan Hà Nội. “Sự hồi sinh của khu di tích là một câu chuyện thú vị, kể lại hành trình gìn giữ di sản, biểu hiện ý chí của người Việt Nam, cùng các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã dành thời gian, trí tuệ để bảo tồn di sản này. Nhờ những con người luôn có niềm đam mê với di sản như vậy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám giống như chim phượng hoàng, đã có thể hồi sinh mạnh mẽ hơn, uy nghi hơn, như những gì mà chúng ta đã và đang từng chứng kiến”, ông Hồng khẳng định.

Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, cho rằng, nhìn lại quá trình bảo tồn di sản văn hóa vật thể ở Hà Nội, trong đó có Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chúng ta thấy nổi lên câu chuyện về quá trình bảo tồn Văn Miếu suốt từ những năm 1990 đến khi người Pháp rời khỏi Việt Nam. Đây cũng là khoảng thời gian người Pháp nhận diện Văn Miếu, tham gia đóng góp, xây dựng, phục hồi để nơi đây trở thành một di sản, giúp chúng ta nhìn nhận và hiểu biết rõ hơn, cụ thể hơn quá trình duy trì và tu bổ di tích quốc gia đặc biệt này.

Triển lãm "Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898 - 1954" kể lại hành trình của những con người tham gia vào việc bảo tồn Văn Miếu
Ảnh: H.Sen

Những con người tận hiến

Thực tế cho thấy, câu chuyện tu bổ, bảo tồn Văn Miếu - Quốc Tử Giám có vai trò quan trọng của EFEO với chủ thể là nhà nghiên cứu người Pháp, người Việt, thậm chí cả các vị quan nhà Nguyễn. Kể từ khi thành lập năm 1902 tại Hà Nội, EFEO đã đặt cho mình nhiệm vụ thăm dò khảo cổ học, thu thập các bản thảo, bảo tồn các di tích, nghiên cứu về các dân tộc thiểu số, ngôn ngữ và lịch sử của các nền văn minh châu Á từ Ấn Độ đến Nhật Bản. Thời gian này, EFEO đã xem Văn Miếu là một di tích quan trọng. Trưởng đại diện EFEO tại Hà Nội Philippe Le Failler cho biết, có lẽ ít người biết rằng, Văn Miếu từng là nơi cách ly bệnh nhân bị tả và đợt dịch năm 1903. Thậm chí, chúng ta cũng sẽ thấy vào thời gian đó nông dân còn đến đây trồng khoai tây và ngô, hay nơi đây từng chỉ là một trại lính đào tạo kèn đồng...

Năm 1904, nhiều công trình của Văn Miếu được EFEO trùng tu lần đầu như Khuê Văn Các, Tả Vu, tòa đình bia bên phải, đồng thời sửa chữa cổng, tường bao và Giếng Thiên Quang. Các giai đoạn sau này 1917 - 1920, 1930, 1950… Văn Miếu được sửa chữa gạch lát sân, thay thế các khung bị hỏng, lan can và một số mái ngói, sơn son thếp vàng lại toàn bộ kết cấu các công trình…

PGS.TS. Nguyễn Văn Huy nhìn nhận, có thể nói, EFEO đã trả lại không gian linh thiêng cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Cùng với đó, các nhà nghiên cứu, tiêu biểu có nhà sư phạm, chuyên gia về đông y Trần Hàm Tấn (1887 - 1957), ông gia nhập EFEO năm 1920 với vị trí học giả và làm việc ở đây đến khi qua đời. Trần Hàm Tấn là Trưởng Ban trị sự chùa Lý Quốc Sư nơi thờ Phạm Ngũ Lão, đảm nhiệm vai trò kiến trúc sư chính của đợt trùng tu Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm 1951. Tên ông gắn liền với một nghiên cứu uyên bác về Văn Miếu, trong đó giới thiệu kỹ nội dung các tấm bia tiến sĩ.

Nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp (1898 - 1973) sau khi theo học và tốt nghiệp một số trường đại học tại Pháp đã quay trở về Việt Nam và được tuyển dụng với vị trí học giả tại EFEO. Ông được giao phụ trách bộ phận nghiên cứu Hán Nôm và tư liệu viết tay. Các nhà nghiên cứu người Pháp Gustave Dumoutier (1895 - 1904), Leonard Aurousseau (1888 - 1929), Charles Batteur (1880 - 1932)… cũng là những người quan tâm tới văn hóa và lịch sử Việt Nam, từng tham gia tu sửa nhiều chùa chiền, trong đó có Văn Miếu… Đặc biệt, Tổng đốc Hà Đông từ năm 1907 - 1938 Hoàng Trọng Phu là người có nhiều đóng góp cho công việc tu sửa Văn Miếu giai đoạn 1917 - 1920. Ông cũng là người ủng hộ việc sử dụng các kĩ thuật của nghề thủ công truyền thống để tu bổ di tích này.

“Các nhà nghiên cứu đã luôn tận hiến, đam mê với di sản, bằng nhiều con đường khác nhau đã giúp Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và cả nước, biểu tượng của trí tuệ và nền học vấn lâu đời của người Việt. Di tích vì thế luôn được bảo tồn, gìn giữ qua những thăng trầm của thời gian và biến cố lịch sử”, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy đánh giá.

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/hanh-trinh-gin-giu-di-san-van-mieu---quoc-tu-giam-i316227/