Hàng trăm người tranh cướp chiếu trong lễ hội Đúc Bụt Phù Liễn

Mùng 7- 9 tháng Giêng, người dân thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh (Tam Dương, Vĩnh Phúc) mở hội 'Đúc Bụt' tại miếu Bà thờ công chúa Ngọc Kinh.

Lễ hội nhằm ôn lại quá trình chiêu mộ nghĩa sĩ, tập hợp lực lượng, rèn đúc vũ khí của Ngọc Kinh công chúa - một nữ tướng tài ba, trí dũng vẹn toàn, hưởng ứng lời kêu gọi của Hai Bà Trưng 'đền nợ nước, trả thù nhà, diệt giặc Tô Định' những năm 40 sau Công nguyên.

Ngọc Kinh công chúa là một phụ nữ tài đức vẹn toàn, có chồng và hai con trai. Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, Bà đã để các con ở lại quê, theo về với Hai Bà đánh giặc, được Hai Bà cử về quê Phù Liễn mộ quân, rèn đúc vũ khí, chuẩn bị lực lượng.

Tại đây, bà đã ẩn mình dưới dạng nhà sư, tu luyện tại chùa Phù Liễn, dạy cho dân biết làm sĩ, nông, công, cổ.

Từ đó, bà dần xây dựng được lực lượng đông đảo, gồm dân Phù Liễn và các vùng xung quanh cùng chung sức dẹp giặc dưới cờ của Hai Bà Trưng.

Để tưởng nhớ công lao Ngọc Kinh công chúa, nhân dân Phù Liễn đã lập đền thờ bà và quen gọi là Đền thờ Đức Bà, lưu truyền đến ngày nay.

Hằng năm cứ đến ngày 8 tháng giêng (ngày hóa của Đức Bà), nhân dân lại tổ chức lễ hội, diễn lại các tích trò xưa, và trong đó tích trò “Đúc Bụt” được đặc biệt quan tâm và không thể thiếu trong ngày hội.

Ba thanh niên khỏe mạnh làm “Bụt” được chọn lựa từ những trai tráng trong làng. Năm nay, 3 người được chọn là Nguyễn Đình Khiêm (19 tuổi), Nguyễn Văn Nam (29 tuổi) và Nguyễn Hồng Quân (19 tuổi).

Sau khi được làm lễ trong đền Đức Bà, 3 Bụt sẽ được đưa đi tắm ở giếng nước thiêng đầu thôn.

3 ông Bụt là 3 thanh niên khỏe mạnh, chưa vợ, sống gương mẫu được rước ra giếng thiêng để tắm sạch sẽ trước khi trát bùn lên người.

Lúc này không khí vô cùng sôi động, hàng trăm thanh niên hộ tống 3 ông Bụt đi ra đồng trát bùn.

Một bể chứa bùn được xây giữa cánh đồng làng, đây là nơi chứa bùn sạch để trát lên người Bụt trước khi rước về đình làng diễn trò.

Các Bụt được rước về sân đình trong sự bảo vệ của rất đông trai làng.

Dân làng chùm lên người Bụt một chiếu cói, trên đỉnh chóp là bó mạ, đây là chiếu giữa - chiếu quan trọng nhất.

3 Bụt làm lễ tại đình.

Trên sân đình, sau màn diễn những tích trò, ông thợ đúc đập vỡ nồi nấu đồng, 3 thanh niên làm khuôn Bụt nhanh chóng chạy nhanh ra ngoài, kết thúc trò diễn.

Năm nay khác với mọi năm, bên trong đình sẽ chia chiếu trước, sau đó chia cho người dân, để tránh tình trạng tranh cướp.

Chiếu được chia cho người dân phía bên ngoài.

Rất đông người dân tại khu vực cửa đình để mong lấy được chiếu sớm.

Theo tương truyền có được chiếu, nhất là chiếc chiếu có bó mạ xanh trên đầu thì chắc chắn năm đó vợ chồng sẽ sinh con trai, chính vì thế cho dù được chia chiếu nhưng nhiều người dân vẫn cố gắng đợi và giành bằng được một mảnh chiếu cói giữa.

Nhiều thanh niên đã lập thành nhóm để giành chiếu, sau đó bảo vệ chiếu ra khỏi đình.

Với nhiều người dân, có chiếu sẽ đem lại may mắn, sức khỏe trong năm mới, nên dù là chiếu nào cũng đều vui vẻ.

Thế Đại

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hang-tram-nguoi-tranh-cuop-chieu-trong-le-hoi-duc-but-phu-lien-post624085.html