Hàn Quốc và Triều Tiên chạy đua phóng vệ tinh quân sự phát triển nội địa

Hàn Quốc và Triều Tiên đang chạy đua trong việc phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên sản xuất nội địa, nhằm nâng cao năng lực quân sự của họ.

Hình ảnh do truyền thông Hàn Quốc phát trên truyền hình ở Seoul về vụ phóng thử tên lửa mang theo vệ tinh do thám của Triều Tiên, ngày 24/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong cuộc gặp gỡ với các phóng viên hôm 3/11, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik tiết lộ quân đội nước này chuẩn bị phóng vệ tinh do thám tự phát triển trong nước vào ngày 30/11, từ Căn cứ Lực lượng Vũ trụ Vandenberg ở California (Mỹ). Tên lửa Falcon 9 của tập đoàn công nghệ SpaceX có trụ sở tại California sẽ đưa vệ tinh do thám đầu tiên của Hàn Quốc lên quỹ đạo.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết vụ phóng là một phần thuộc Dự án 425 của nước này, nhằm mục đích “bảo vệ các vệ tinh do thám của quân đội thông qua nghiên cứu và phát triển".

Để theo đuổi mục tiêu này, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã đặt ra kế hoạch đến năm 2025 phóng tổng cộng 5 vệ tinh quân sự có độ phân giải cao. Bộ này cũng nhấn mạnh rằng các vệ tinh do thám quân sự sẽ đóng vai trò là nền tảng cho hệ thống phòng thủ ba trục của Hàn Quốc. Hệ thống phòng thủ này bào gồm tấn công phủ đầu, phòng thủ tên lửa và trả đũa.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nếu nước này đưa thành công một vệ tinh do thám vào quỹ đạo, nó sẽ tạo cơ hội để “phô trương khả năng khoa học và công nghệ vượt trội của quân đội khi so sánh với các vụ phóng vệ tinh thất bại của Triều Tiên vào tháng 5 và tháng 8”.

Triều Tiên cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 phóng “số lượng lớn vệ tinh do thám” cho mục đích quân sự theo lệnh của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 3/2022. Khi đó, truyền thông Triều Tiên cho biết mục tiêu là “giám sát kỹ lưỡng và nhận diện hành động quân sự thù địch chống CHDCND Triều Tiên” của Mỹ và các đồng minh trên Bán đảo Triều Tiên và khu vực xung quanh.

Ngày 24/8, Triều Tiên cho biết nỗ lực phóng vệ tinh do thám thứ hai đã kết thúc thất bại. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Bình Nhưỡng đã phóng vệ tinh do thám Malligyong-1, được gắn trên tên lửa đẩy kiểu mới Chollima-1, nhưng xảy ra lỗi trong giai đoạn phóng thứ 3.

Vụ phóng này diễn ra chưa đầy ba tháng sau chuyến bay đầu tiên của tên lửa đẩy kiểu mới Chollima-1. Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ quốc gia (NADA) của Triều Tiên đã phóng vệ tinh do thám quân sự Malligyong-1 gắn trên Chollima-1 sáng 31/5 theo kế hoạch đã định, nhưng vụ phóng này đã thất bại.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik cho rằng Triều Tiên có thể tiến hành lần phóng thử thứ ba "vệ tinh do thám quân sự" vào cuối tháng 11. Nhưng ông cũng đánh giá nhiều khả năng nó không diễn ra trong 1 đến 2 tuần tới.

Trong một diễn biến khác, truyền thông Triều Tiên hôm 5/11 đưa tin nước này đã chỉ định ngày 18/11 là “Ngày Công nghiệp Tên lửa” để kỷ niệm vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên Hwasong-17 vào ngày 18/11 năm ngoái.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Straits Times)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/han-quoc-va-trieu-tien-chay-dua-phong-ve-tinh-quan-su-phat-trien-noi-dia-20231106144159797.htm