Hàn Quốc bất lực với hàng nhái

Các thương hiệu quần áo Hàn Quốc nhận được nhiều sự chú ý vì sức ảnh hưởng đến từ các diễn viên, ca sĩ, nhưng họ lại đối diện với nạn hàng giả tràn lan trên sàn thương mại điện tử.

Song Ji A, người nổi tiếng từ show hẹn hò Địa ngục độc thân, bị khán giả Hàn Quốc lên án và đòi tẩy chay vì dùng hàng nhái.

Musinsa, nền tảng bán hàng thời trang lớn nhất Hàn Quốc đã thành lập Hiệp hội Thời trang Thương hiệu Hàn Quốc bao gồm 50 thương hiệu lớn, nhỏ.

Tổ chức này đang khởi động chiến dịch "Fake Naver", yêu cầu Naver, cổng thông tin điện tử quốc gia, ngăn chặn, xóa bỏ việc bán hàng giả trên các nền tảng trực tuyến, đồng thời bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các nhà thiết kế trong nước.

"Các thương hiệu thời trang Hàn Quốc đang thu hút sự chú ý ở nước ngoài nhờ sức ảnh hưởng và sự quảng bá từ các bộ phim truyền hình và âm nhạc, nhưng lại bất lực trước nạn hàng nhái vì có quá nhiều hàng giả được bán trên mạng. Điều này làm gián đoạn sự phát triển của ngành thời trang địa phương", một cấp lãnh đạo của Musinsa nói với Korea Times.

Ông cho rằng Naver phải chịu trách nhiệm tìm ra gốc rễ vấn đề.

Theo Liên đoàn Công nghiệp Dệt may Hàn Quốc, quy mô của thị trường thời trang tại xứ kim chi đã tăng 5,2% so cùng kỳ năm ngoái, đạt 45,77 nghìn tỷ won (35,2 tỷ USD).

Các thương hiệu thời trang đường phố được những người trẻ ở độ tuổi 20-30 yêu thích, điều này đã khiến thị trường có những bước tiến rõ rệt, nhưng những thành tựu của họ liên tục bị ảnh hưởng bởi hàng nhái.

Các thương hiệu Hàn Quốc nhận được nhiều sự chú ý vì sự bùng nổ của thị trường phim ảnh và âm nhạc: Ảnh minh họa: Vogue.

Cuộc khảo sát từ Korea Times cho thấy nhiều người đồng ý rằng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thời trang không chỉ còn là vấn đề của riêng các thương hiệu cao cấp.

"Có rất nhiều sản phẩm giả của các local brand được bán tràn lan trên thị trường. Đặc biệt, nhiều người tận dụng sự phát triển mạnh của thương mại điện tử để bán hàng giả với số lượng lớn”, người phát ngôn của Musinsa nói thêm.

Các chủ thương hiệu thời trang trong nước đang bày tỏ sự bức xúc khi những người bán hàng nhái có thể thoải mái đăng tải và bán các hàng hóa chưa qua kiểm định.

"Naver nhắm mắt làm ngơ trước việc thời trang giả đang xuất hiện tràn lan trên nền tảng mua sắm thông minh của họ”, ông khẳng định.

Về phía Musinsa, họ cho biết sẽ mời thêm nhiều local brand tham gia vào chiến dịch "Fake Naver" của mình.

Trong tương lai, Hiệp hội Thời trang Thương hiệu Hàn Quốc sẽ tăng số lượng thành viên lên 100, sau khi được Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng chấp thuận việc thành lập.

Mỹ Mỹ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/han-quoc-bat-luc-voi-hang-nhai-post1402789.html