Halodoc và giấc mơ Đông Nam Á

Halodoc đặt mục tiêu đưa ứng dụng y tế từ xa của mình phủ sóng đến các quốc gia Đông Nam Á

Với mong muốn đơn giản hóa việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho mọi người, không chỉ gói gọn trong Indonesia, Giám đốc điều hành kiêm nhà đồng sáng lập Halodoc, Jonathan Sudharta, đang đặt mục tiêu đưa ứng dụng y tế từ xa của mình phủ sóng đến các quốc gia Đông Nam Á khác, như Thái Lan và Singapore.

Halodoc và giấc mơ Đông Nam Á. Ảnh minh họa: techinasia.com

Halodoc, một trong những công ty khởi nghiệp công nghệ y tế lớn nhất của Indonesia, được thành lập vào năm 2016. Halodoc đã ứng dụng dịch vụ đám mây Amazon Web Services (AWS), một công ty thuộc Amazon.com để đưa dịch vụ y tế của mình tới hơn 20 triệu người dùng Indonesia hàng tháng. Công ty sẽ tiếp tục hợp tác với AWS để mở rộng quy mô hoạt động, cung cấp dịch vụ kỹ năng số cho nhân viên cũng như giảm chi phí công nghệ thông tin.

Vận hành toàn bộ hạ tầng của mình trên nền tảng đám mây hàng đầu thế giới kể từ khi ra mắt, Halodoc sử dụng đa dạng dịch vụ của AWS, bao gồm máy học, bảo mật và cơ sở dữ liệu để cung cấp các dịch vụ y tế nâng cao cho người dùng trên khắp Indonesia.

Nền tảng bảo mật của công ty bao gồm dịch vụ tư vấn khám bệnh từ xa 24/7 từ mọi nơi trên toàn quốc, giao thuốc từ hơn 4.900 nhà thuốc, hệ sinh thái toàn diện và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế liền mạch, bao gồm các khuyến nghị giúp thúc đẩy cuộc sống lành mạnh hơn.

Mặc dù ông Sudharta không đưa ra lịch trình chi tiết cho việc mở rộng sự hiện diện của công ty ở thị trường nước ngoài, nhưng "các quốc gia chiến lược" được đưa vào tầm ngắm của Halodoc hiện nay là Thái Lan, Việt Nam và Malaysia. Halodoc kỳ vọng nhu cầu về dịch vụ thăm khám từ xa tại các thị trường đó sẽ được đón nhận bởi các thành phố của các nước này cũng gặp các vấn đề tương tự như ở Indonesia, chẳng hạn như tắc đường.

Sau khi mở rộng sang các thị trường Đông Nam Á khác, ông Sudharta dự định sẽ tiến ra ngoài khu vực này. Indonesia có rất nhiều vấn đề về chăm sóc sức khỏe khác nhau mà một công ty như Halodoc có thể giải quyết các vấn đề ở Indonesia. Ông hy vọng những giải pháp đó sau này có thể được xuất khẩu sang những nơi như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Singapore.

Ở thị trường trong nước, Halodoc đã cán mốc hơn 20 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, song ông Sudharta coi đó mới chỉ là khởi đầu và đang hướng tới mục tiêu tăng con số lên 100 triệu người dùng trong những năm tới.

Rania Haira, một người nội trợ 28 tuổi đến từ Bekasi, tỉnh Tây Java, cho biết cô bắt đầu sử dụng Halodoc sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trò chuyện với phóng viên, cô Rania Haira nói rằng một trong những đứa con của cô bị hen suyễn, và hồi đó nhiều người khuyên không nên đến bệnh viện thường xuyên. Cô biết đến ứng dụng của Halodoc và nhận thấy sử dụng nó rất tiện lợi vì không cần đến bệnh viện. Bên cạnh đó, các cuộc hẹn khám diễn ra theo lịch trình, dịch vụ này đáp ứng các trường hợp khám chữa khẩn cấp và cung cấp cả dịch vụ giao thuốc.

Hiện tại, Halodoc cung cấp đơn thuốc tới 400 thành phố. Trong số đó, người dân ở 120 thành phố có thể nhận hàng trong vòng 15 phút sau khi đặt hàng. Ông Sudhart kỳ vọng dịch vụ này có thể có mặt tại 250 thành phố để giao hàng trong vòng 15 phút trong năm 2023.

Ngày nay, 50% khách hàng của Halodoc là sống trên đảo Java, nơi có thủ đô Jakarta, trong khi số khách hàng còn lại là sinh sống ở các thành phố nhỏ trên khắp quần đảo. Địa lý rộng lớn của Indonesia khiến nhiều người, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Quốc gia đông dân thứ tư thế giới này cũng đang thiếu hụt bác sỹ, với hơn 270 triệu người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm 2020, Indonesia có 6,23 bác sĩ trên 10.000 dân, ít hơn nhiều so với các nước láng giềng như Thái Lan, nước có 9,5 bác sĩ trên 10.000.

Halodoc hiện đang hợp tác với 20.000 bác sĩ được cấp phép, những người tương tác với bệnh nhân thông qua các cuộc gọi video, cuộc gọi thoại hoặc trò chuyện trực tuyến.

Mặc dù có sự xuất hiện của các công ty cùng ngành trong khu vực như Alodokter, được Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản hỗ trợ, các bệnh viện thông thường đang số hóa dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhưng ông Sudharta vẫn tự tin về triển vọng của Halodoc. Ông bày tỏ Halodoc không coi sự xuất hiện của các công ty cùng ngành là sự cạnh tranh, mà công ty muốn hợp tác với họ, và xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt với các bệnh viện.

Kian-Wee Seah, Giám đốc điều hành của UOB Venture Management từng chia sẻ: "Tầm nhìn của Halodoc là sử dụng công nghệ để giúp mọi người tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao hơn và tối ưu hóa các nguồn lực chăm sóc sức khỏe hữu hạn ở một quốc gia rộng lớn như Indonesia. Khoản đầu tư này vào Halodoc là sự phản ánh cách tiếp cận đầu tư có trách nhiệm của chúng tôi để hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội".

Andre Soelistyo, Chủ tịch của Go-Jek cũng từng nhận định, Halodoc luôn đặt mục tiêu vào việc mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân trên khắp Indonesia và Đông Nam Á. Hai năm trước, "gã khổng lồ" gọi xe đã tích hợp dịch vụ giao thuốc theo yêu cầu Go-Med vào ứng dụng của Halodoc.

Khi được hỏi về kế hoạch niêm yết trong tương lai của Halodoc, ông Sudharta cho biết sẽ chuẩn bị cho việc này trong năm 2023, nhưng thời điểm vẫn chưa được ấn định.

Nhiều ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa đang tìm cách tiếp cận các vùng nông thôn hoặc những nơi khác mà khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bị hạn chế cũng đã nhận được nguồn vốn tài trợ từ các nhà đầu tư lớn như Astra, một trong những tập đoàn lớn nhất của Indonesia, Quỹ Bill & Melinda Gates và dịch vụ gọi xe Gojek. Các nhà đầu tư nhận thấy tiềm năng tăng trưởng trong lĩnh vực công nghệ y tế vẫn còn chưa được khai thác hết./.

Minh Hằng (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/halodoc-va-giac-mo-dong-nam-a/303494.html