Hai vấn đề của ngành y tế

Sáng 21-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhắc tới hai vấn đề không chỉ ngành y tế Việt Nam vừa qua bắt đầu có hiện tượng mà còn là vấn nạn chung của nhiều nước trên thế giới. Đó là tình trạng lạm dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật cao, đẩy giá dịch vụ quá cao so với khả năng chi trả của đại đa số người dân; người bệnh đua nhau đến tuyến trên, y tế cơ sở ít được coi trọng. Cùng với đó là tình trạng thiếu kiểm soát với việc tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế, nên có nhiều sai phạm, các hành vi tiêu cực trong lĩnh vực khám, chữa bệnh (KCB) và trong cơ sở KCB; từ mua sắm vật tư, trang thiết bị, thuốc men cho đến công tác KCB...

Khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: TTXVN

Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề an toàn của người bệnh liên tiếp được nêu ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Bộ trưởng Y tế toàn cầu trong nhiều năm và Đại hội đồng Y tế thế giới năm 2017 đã quyết định lấy ngày 17-9 hằng năm là Ngày An toàn người bệnh thế giới. Vấn nạn lạm dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật cao và sai phạm, tiêu cực trong hoạt động KCB thực tế đã xâm hại tới quyền và lợi ích chính đáng của người bệnh. Người bệnh trong trường hợp này không chỉ bị tổn thương bởi bệnh tật mà còn bị tổn thương bởi chính những người thực hiện việc KCB cho mình, tạo nên thực trạng “An toàn người bệnh” bị đe dọa trên toàn thế giới.

Thực tế, không thể phủ nhận rằng, việc tăng cường năng lực y tế, nhất là năng lực về khoa học, công nghệ, kỹ thuật cao... đã góp phần rất quan trọng nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ở nước ta trong thời gian qua. Trước đây, với một số can thiệp kỹ thuật, người bệnh phải tìm đến các nước phát triển mới được tiếp cận. Hiện nay, người bệnh có thể tiếp cận nhiều biện pháp can thiệp kỹ thuật cao ngay tại hệ thống y tế trong nước. Nhờ vậy, họ được chữa bệnh kịp thời hơn, đỡ tốn kém hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả thấy rõ, việc tăng cường năng lực của ngành y thời gian qua cũng nảy sinh những vấn đề, như: Một số cán bộ y tế rất giỏi chuyên môn nhưng bị khởi tố do có những hành vi sai phạm trong quá trình quản lý. Đây là bài học đau xót không chỉ cho người có hành vi sai phạm mà còn cho cả ngành y nước nhà.

Để tránh tình trạng lạm dụng và sai phạm nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh theo hướng quy định minh bạch, công khai về quyền hạn, trách nhiệm; những việc được làm, không được làm của đội ngũ thầy thuốc nói chung và cán bộ ngành y nói riêng là rất cần thiết. Khi những quy định trong luật đủ rõ ràng, đủ cụ thể, thầy thuốc làm công tác quản lý sẽ dành được nhiều thời gian, tâm lực, trí lực cho công tác chuyên môn hơn là cho công tác quản lý, hạn chế được những hành vi sai phạm do chưa hiểu rõ về pháp luật của cán bộ ngành y; ngành y cũng hạn chế được việc mất cán bộ giỏi chuyên môn do sai phạm về công tác quản lý.

Bên cạnh đó cũng rất cần có thiết chế giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ y tế đủ mạnh để phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa những hiện tượng lạm dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật cao hay sai phạm phát sinh trong công tác KCB. Những cảnh báo sớm sẽ góp phần tích cực để vừa bảo vệ an toàn người bệnh, vừa bảo vệ đội ngũ cán bộ y tế trước khả năng mắc phải sai phạm cả về chuyên môn và trong công tác quản lý.

Hy vọng, sau khi sửa luật lần này, người dân sẽ được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tốt hơn, vấn đề “An toàn người bệnh” sẽ được thực hiện tốt hơn, và nước ta cũng không bị mất nhiều cán bộ y tế giỏi chuyên môn như thời gian qua...

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/hai-van-de-cua-nganh-y-te-692256